Gấp rút chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam qua tỉnh Bình Thuận
Gấp rút tập trung cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua tỉnh Bình Thuận
Bùi Phụ
Thứ năm, ngày 13/03/2025 17:56 PM (GMT+7)
Ngày 13/3, ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện dự án đường kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Bình Thuận.
Tại cuộ họp, ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã sẵn sàng, đang tích cực, chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: PV
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có ý nghĩa chiến lược, trọng điểm của quốc gia với tổng mức đầu tư khoảng 67,43 tỷ USD, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Riêng đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều dài 156 km với 2 ga hành khách là ga Phan Thiết và ga Phan Rí. Vì vậy, việc thực hiện dự án đường kết nối ga Phan Thiết đến trung tâm TP. Phan Thiết (tỉnh lỵ tỉnh Bình Thuận) và phương án quy hoạch khu vực ga Phan Rí là một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của tỉnh Bình Thuận.
Phối cảnh đường sắt cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận. Ảnh: TL
Theo ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, ngay khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tỉnh Bình Thuận đã chủ động lập phương án kết nối các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia với trung tâm của tỉnh Bình Thuận (đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường Quốc lộ 1, đường ven biển của Bình Thuận,…), mở ra không gian mới, tạo động lực mới góp phần thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây của tỉnh.
Đối với tuyến đường kết nối trung tâm TP. Phan Thiết với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án dự kiến có quy mô 12 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 6.990 tỷ đồng, trong đó có bố trí đất dự phòng để đầu tư hệ thống tuyến đường sắt nhẹ đô thị (tàu metro điện) trong tương lai đồng bộ với tuyến đường bộ.
Về lộ trình, dự kiến giai đoạn 1 (2026 - 2030) sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến; đầu tư hoàn thành 6 làn xe cơ giới và các công trình hạ tầng kỹ thuật (vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cây xanh,…) với tổng mức đầu tư khoảng 6.470 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 (sau năm 2030) sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại gồm 6 làn xe cơ giới phần giao thông ưu tiên và dải phân cách giữa với chi phí dự kiến là khoảng 520 tỷ đồng.
Phối cảnh đường sắt cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận. Ảnh: TL
Tại phiên họp chiều ngày 13/3, Thường trực Tỉnh ủy giao Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương hoàn chỉnh phương án đầu tư dự án; đồng thời nghiên cứu quy hoạch đồng bộ khu đô thị Ga đường sắt tốc độ cao; quy hoạch, phát huy hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến đường mới.
Dự kiến sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận trong tháng 4/2025 để cho ý kiến. Trên cơ sở đó, hoàn chỉnh các quy hoạch có liên quan và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chậm nhất là tháng 7/2025.
Đồng thời, nghiên cứu báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận phương án quy hoạch khu vực ga Phan Rí. Quá trình nghiên cứu thực hiện dự án cần quan tâm về đời sống, sinh kế đối với người dân có đất trong khu vực thực hiện dự án.
Tỉnh Bình Thuận quyết tâm hoàn thành dự án chậm nhất là quý IV/2028, sẵn sàng kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Ông Đỗ Hữu Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tại cuộc họp. Ảnh: DP
Bình Thuận sẽ có 2 nhà ga lớn
Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Theo đó, hướng tuyến và nhà ga đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có phương án thỏa thuận chiều dài khoảng 156 km.
Dự án cũng quy hoạch tỉnh Bình Thuận có 2 nhà ga là Ga Phan Rí nằm trên địa bàn huyện Bắc Bình và Ga Phan Thiết tại xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc và 4 trạm bảo dưỡng hạ tầng đường sắt. Riêng ý kiến của tỉnh Bình Thuận đề nghị trung ương bổ sung ga Sông Phan vào dự án, Bộ Giao thông Vận tải xác định đây là ga tiềm năng, giao cho UBND tỉnh Bình Thuận kêu gọi đầu tư khi đủ điều kiện.
Theo quy hoạch, Ga Phan Rí huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận có khoảng cách đến ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) là 66,7 km, khoảng cách đến ga Phan Thiết là 65,4 km.
Ga Phan Rí là ga hành khách có 3 khu chức năng, gồm: Khu trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách, quảng trường, bãi đổ xe có diện tích 6 - 8 ha; khu vực dịch vụ, thương mại có diện tích từ 10 - 15 ha; khu vực đô thị dịch vụ có diện tích 250 - 300 ha.
Phối cảnh đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: TL
Trong phạm vi dự án, sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư khu chức năng trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách; phần phục vụ cho mục đích dịch vụ, thương mại sẽ do địa phương kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.
Ga được thiết kế quy hoạch có hai tầng trên cao, hai kê biên và 4 đường trong ga được bố trí ở tầng hai và phòng chờ được đặt tại tầng một.
Quảng trường được bố trí phía trước và phía sau ga được quy hoạch, bao gồm: Bãi đỗ cho xe buýt, ô tô và taxi, xe máy; tất cả các công trình quảng trường ga sẽ được bố trí trong phạm vi giải phóng mặt bằng ga, có tổng diện tích ước tính của quảng trường ga là 5.600 m2.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (đội nón xanh) cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế vị trí xây dựng Ga Phan Rí nằm trong dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: N. Phương
Trước đó, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế vị trí xây dựng Ga Phan Rí nằm trong dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các phương án quy hoạch đường kết nối giao thông trên địa bàn huyện Bắc Bình(Bình Thuận).
Ông Nguyễn Hồng Hải yêu cầu các sở, ngành có liên quan và UBND huyện Bắc Bình nghiên cứu các phương án quy hoạch tuyến đường kết nối đến Ga Phan Rí. Song song đó, nghiên cứu quy hoạch đô thị gắn với ga đường sắt tốc độ cao vào quy hoạch vùng huyện Bắc Bình, quy hoạch xã Phan Hòa, xã Phan Rí Thành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện để chuẩn bị cho dự án và phát triển kinh tế…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.