Giá xăng dầu hôm nay 28/5: Xăng dầu chưa thể dừng tăng

P.V Thứ bảy, ngày 28/05/2022 08:59 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 28/5: Giá dầu thế giới hôm nay tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong bối áp lực nguồn cung ngày một lớn và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu được dự báo tăng cao vào mùa hè...
Bình luận 0

Giá xăng dầu hôm nay 28/5 duy trì đà tăng mạnh 

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 28/5/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 115,07 USD/thùng, tăng 0,98 USD/thùng trong phiên.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 119,25 USD/thùng, tăng 1,85 USD/thùng trong phiên.

Giá dầu tăng trong phiên giao dịch ngày thứ sáu (27/5) trước khi kỳ nghỉ lễ ngày Chiến sĩ Trận vong bắt đầu, cũng là khởi đầu của thời điểm nhu cầu xăng tại Mỹ lên cao nhất.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 1,7% lên 119,43 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,9% lên 115,07. Tính chung tuần, giá dầu Brent tăng 6%, và dầu WTi tăng 1,5%.

Giá xăng dầu hôm nay 28/5: Xăng dầu chưa thể dừng tăng - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 28/5 duy trì đà tăng mạnh.

Giá đã được hỗ trợ từ nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ trên toàn thế giới, với cả giá xăng và dầu sưởi giao sau đều vượt giá dầu thô trong năm nay.

Giá dầu ngày 28/5 tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn cầu được dự báo tăng mạnh vào mùa hè cùng với lo ngại về nguồn cung sẽ bị thắt chặt hơn khi EU đang tiến gần tới một lệnh cấm vận dầu thô Nga.

Theo số liệu vừa được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 25/5, dự trữ xăng của Mỹ đã giảm 482.000 ngàn thùng trong tuần trước, xuống còn 219,7 triệu thùng. Nhu cầu tiêu thụ dầu tại Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh khi mùa du lịch diễn ra vào dịp mùa hè ở Mỹ.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do thị trường ghi nhận thông tin OPEC+ sẽ không tăng sản lượng so với mức sản lượng mục tiêu tại cuộc họp ngày 2/6 tới.

Đồng USD mất giá mạnh cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu thô tăng mạnh những phiên giao dịch gần đây.

Lượng dầu thô Nga được vận chuyển trên các tàu chở dầu đang ở mức kỷ lục, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ là những khách hàng lớn.

Diễn biến của giá dầu và thị trường tài chính chung những ngày qua cho thấy dòng tiền phần nào đã quay trở lại các tài sản rủi ro, sau khi biên bản cuộc họp của Fed không cho thấy sự bất ngờ nào về chính sách lãi suất, với đường lối thận trọng tránh việc tăng 75 điểm phần trăm nhằm tránh gây bất ổn thị trường. 

Đây là một trong những nguyên nhân chính gúp cho dòng tiền dịch chuyển về thị trường hàng hóa ngày hôm qua và hiện nay, giúp dầu thoát khỏi khoảng giao dịch hẹp sau 1 tuần giằng co. 

Thực chất, các yếu tố cơ bản chính như việc EU thỏa luận lệnh cấm vận hay việc Thượng Hải tiến hành mở cửa không phải thông tin quá mới, nhưng việc khối lượng giao dịch thấp trong tháng 5 là một vấn đề khiến cho giá dầu chưa tạo được đà tăng mạnh. Tính từ đầu năm, giá dầu tăng 50%, tuy nhiên vẫn thua kém các mặt hàng khác trong nhóm năng lượng. Như khí tự nhiên, tính từ đầu năm tăng trên 140% để vượt mốc 9 USD/MMBTu trong tuần này.

Khi yếu tố vĩ mô đang chi phối thị trường như hiện tại, các chỉ số kinh tế sẽ có tác động lớn đến thị trường. Vì vậy, chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Mỹ trong tháng 4 phát hành hôm nay có thể trở thành yếu tố quyết định hướng đi của thị trường. PCE là thước đo lạm phát ưa thích thứ 2 của Fed, và sẽ được theo dõi kỹ lưỡng trước khi nhóm họp vào tháng sau. Nếu chỉ số này tăng mạnh, có thể thành yếu tố gây áp lực đến giá dầu.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước:

Ngày 23/5, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành giá từ ngày 24/5.

Theo đó, tại kỳ điều hành ngày 23/5, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định ngừng trích lập và thực hiện chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với các loại xăng để giá xăng trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng thế giới. Bên cạnh đó, liên Bộ quyết định tăng trích lập Quỹ BOG đối với các loại dầu nhằm duy trì Quỹ BOG để có công cụ điều hành trong thời gian tới.

Cụ thể, thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít) và xăng RON 95 ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa là 300 đồng/lít và dầu mazut là 400 đồng/kg. Thực hiện chi Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước không chi), các mặt hàng dầu không chi.

Ngày 28/5, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể như sau: Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 29.633 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 30.657 đồng/lít; giá dầu điêzen 0.05S không cao hơn 25.553 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 24.405 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.598 đồng/kg.

Giá xăng dầu hôm nay 28/5: Xăng dầu chưa thể dừng tăng - Ảnh 2.

Giá xăng dầu bị đẩy lên cao như hiện nay, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, và có thể dẫn tới những lo ngại về lạm phát.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục tăng "nóng", quỹ bình ổn đã cạn kiệt, giải pháp khả thi hơn cả để điều tiết giá là giảm thuế, phí. Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng chắc chắn giúp “hạ nhiệt” giá bán mặt hàng này, giảm áp lực lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp.

Câu chuyện giá xăng dầu cũng được bàn thảo nhiều tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, giá xăng dầu bị đẩy lên cao như hiện nay, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, và có thể dẫn tới những lo ngại về lạm phát.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng cho rằng, nên giảm một số lệ phí cấu thành nên giá xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt...

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã nêu "đối sách" về thuế, ứng phó giá xăng dầu trong nước tăng mạnh. Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản cộng thêm tác động từ xung đột Nga – Ukraine leo thang, khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục. Các tổ chức quốc tế đều dự báo kịch bản giá dầu bình quân năm 2022 tăng khoảng 20-30 USD (tức là tăng khoảng 30-40%, từ mức bình quân 69 USD/thùng năm 2021 lên mức bình quân khoảng 90-100 USD/thùng năm 2022). Ngân hàng Golman Sachs dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 125 USD/thùng vào quý III/2022.

Theo đó, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép đến lạm phát năm 2022. Trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng bên cạnh việc cần đặc biệt chú ý về nguy cơ lạm phát từ bên ngoài, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem