Giá xăng dầu hôm nay 29/11: Giảm sâu, xăng sẽ giảm bao nhiêu kỳ điều chỉnh tới?
Giá xăng dầu hôm nay 29/11: Giảm sâu, xăng sẽ giảm bao nhiêu kỳ điều chỉnh tới?
Nguyễn Phương
Thứ ba, ngày 29/11/2022 08:36 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 29/11: Giá dầu hôm nay lại quay đầu lao dốc do lo ngại nhu cầu yếu và đồng USD mạnh hơn. Trong nước, giá xăng dầu nhập khẩu tiếp tục giảm nên dự báo giá bán lẻ mặt hàng này tại kỳ tới (1/12) cũng giảm theo.
Giá dầu hôm nay lại quay đầu lao dốc do lo ngại nhu cầu yếu và đồng USD mạnh hơn. Giá dầu hiện đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12 năm ngoái.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 29/11/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 76,68 USD/thùng, giảm 0,56 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 1/2023 đứng ở mức 82,20 USD/thùng, giảm 0,99 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu hôm nay có xu hướng giảm mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, đặc biệt là tại Trung Quốc, yếu hơn trước diễn biến tiêu cực của dịch bệnh và áp lực suy thoái kinh tế ngày càng rõ ràng.
Trong khi triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô kém lạc quan, áp lực nguồn cung thắt chặt lại đang có dấu hiệu được cải thiện. Điều này đã dấy lên lo ngại về tình trạng dư cung trong những tháng tới, qua đó khiến giá dầu ngày 29/11 giảm mạnh.
Sau thời gian dài bị cấm vận, dầu thô Venezuela được kỳ vọng sớm trở lại thị trường khi Mỹ tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Venezuela sau khi Venezuela và phe đối lập đạt được thỏa thuận bảo trợ xã hội.
Tại châu Âu, EU đã không đạt được đồng thuận về áp trần giá dầu thô của Nga được vận chuyển bằng đường biển.
Trước đó, G7 được cho là sẽ xem xét áp giá trần với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển trong khoảng 65-70 USD/thùng. Trong khi theo dữ liệu từ của Refinitiv, dầu thô Urals của Nga được giao đến Tây Bắc châu Âu đang có giá vào khoảng 62-63 USD/thùng, còn ở Địa Trung Hải vào khoảng 67-68 USD/thùng. Thông tin này đã gần như dẹp bỏ mọi lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Nga.
Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do đồng USD phục hồi nhờ kỳ vọng Fed sẽ sớm có động thái tăng lãi suất vào cuộc họp chính sách tháng 12/2022.
Giá dầu châu Á giảm trong phiên chiều 28/11 do các vấn đề hạn chế nghiêm ngặt phòng chống Covid-19 ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới gây lo ngại về triển vọng nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu Brent giảm 2,43 USD (2,9%) xuống 81,20 USD/thùng lúc 14 giờ 31 phút, sau khi giảm hơn 3% xuống 80,61 USD/thùng trước đó trong phiên - mức thấp nhất kể từ ngày 4/1. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,16 USD (2,8%) xuống 74,12 USD/thùng.
Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã bị mắc kẹt với chính sách "Zero Covid" ngay cả khi nhiều nước trên thế giới đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế.
Các chuyên gia cho biết, biên độ giao dịch của dầu WTI dự kiến sẽ giảm xuống 70-75 USD/thùng, thị trường có thể tiếp tục biến động tùy thuộc vào kết quả của cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sắp tới về sản lượng và mức giới hạn giá dầu sắp tới của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đối với dầu của Nga.
Trong tháng 10/2022, OPEC+ đã nhất trí giảm mục tiêu sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày cho đến năm 2023.
Giá dầu sẽ còn đối diện với áp lực khi sức ép nguồn cung tạm thời lắng xuống và nhu cầu suy yếu.
Giá dầu hiện đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12 năm ngoái. Các nhà lãnh đạo khu vực châu Âu vẫn đang gặp khó khăn trong việc thống nhất mức giá trần áp dụng đối với dầu của Nga, trong khi chỉ còn 1 tuần nữa lệnh cấm vận dầu Nga vận chuyển bằng đường biển sẽ có hiệu lực.
Mức trần đề xuất là khoảng 65-70 USD/thùng. Phạm vi đó đang cao hơn mức mà Nga đang bán chiết khấu trên thị trường và do đó, sẽ không giới hạn được dòng chảy dầu từ phía Nga. Với sản lượng dầu cao gần bằng thời điểm trước khi xung đột nổ ra hồi đầu tháng 2, nguồn thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin vẫn chưa chịu thiệt hại quá nặng nề. Mức trần giá sẽ cần phải thấp hơn nhiều, và có thể không cao hơn mức 45 USD/thùng mà các nhà ngoại giao châu Âu bàn luận với các đối tác Mỹ.
Trong khi đó, nguồn cung ngắn hạn đang cho thấy vài dấu hiệu nhỉnh hơn so với nhu cầu. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu châu Âu đã nhận thấy tình trạng dư cung dầu thô ngắn hạn do các lo ngại về lệnh cấm của EU đối với dầu của Nga trước đó thúc đẩy lực mua, trong khi mức trần giá hiện tại vẫn đang được xem xét. Phí bảo hiểm của dầu thô Biển Bắc Forties so với dầu Brent đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 5,4 USD/thùng trong tháng 7, nhưng đã thu hẹp mạnh xuống chỉ còn 75 cent trong tuần này.
Thêm vào đó, bài toán nhu cầu tại Trung Quốc vẫn đang còn gặp nhiều thách thức khi những bất ổn liên quan tới dịch bệnh ngày càng leo thang, vẫn đang là yếu tố trở ngại chính tới giá dầu.
Tuy nhiên, trong dài hạn, các báo cáo hàng đầu vẫn đang cho thấy cán cân cung – cầu còn mong manh, nên trong trường hợp có các tác động từ mức giá trần khiến Nga trả đũa, hay việc Mỹ bổ sung dầu vào kho dự trữ, hoặc OPEC+ tiếp tục cắt giảm sâu sản lượng, giá có thể vẫn có động lực tăng mạnh trở lại.
Tại thị trường trong nước, ngày 21/11, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 21/11.
Thông tin từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, trong kỳ điều hành giá xăng dầu lần thứ 3 trong tháng 11, giá các mặt hàng xăng dầu đã giảm nhẹ sau 4 kỳ tăng liên tiếp.
Cũng trong kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và thực hiện trích lập quỹ đối với xăng RON 95 là 200 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 250 đồng/lít; dầu diesel là 300 đồng/lít; dầu hỏa 0 đồng/lít; dầu mazut là 300 đồng/lít.
Theo đó, giá xăng dầu áp dụng từ 15 giờ ngày 21/11 cụ thể như sau, giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.671 đồng/lít, giảm 40 đồng/lít. Giá xăng RON 95 không cao hơn 23.878 đồng/lít, giảm 80 đồng/lít.
Giá dầu diesel không cao hơn 24.801 đồng/lít, giảm 182 đồng/lít. Giá dầu mazut không cao hơn 24.640 đồng/lít, tăng 25 đồng/lít. Giá dầu hỏa không cao hơn 24.640 đồng/lít, giảm 107 đồng/lít.
Như vậy, sau 4 kỳ điều chỉnh vào các ngày 11/11, 1/11, 21/10 và 11/10, giá xăng dầu từ chiều ngày 21/11 đã quay đầu giảm nhẹ.
Sau khi thực hiện các mức chi, trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hiện giá bán các loại xăng dầu được niêm yết phổ biến trên thị trường ngày 29/11 như sau: Giá xăng E5 RON 92: không cao hơn 22.671 đồng/lít (giảm 40 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); thấp hơn xăng RON 95-III 1.116 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 23.787 đồng/lít (giảm 80 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 24.801 đồng/lít (giảm 182 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 24.640 đồng/lít (giảm 107 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.785 đồng/kg (tăng 25 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Giá xăng nhập đã không còn duy trì mức trên 100 USD/thùng như thời gian qua. Liên tiếp trong nhiều ngày qua, giá xăng A95 nhập từ Singapore liên tục giảm. Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Công Thương, giá xăng nhập chỉ còn khoảng 96 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất trong nửa tháng qua.
Trước đó, giá xăng trong nước (A95) đã 4 lần tăng liên tiếp vì giá xăng nhập tăng cao cũng như cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh mức chi phí cơ sở.
Giá dầu thô thế giới gần đây lao dốc không phanh, giá xăng nhập cũng giảm, dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành sắp tới có thể giảm sâu.
Ngày 27/11, Bộ Công Thương cập nhật giá xăng dầu tham chiếu theo thị trường Singapore đến ngày 25/11 cho thấy, xăng E5 RON 92 tiếp đà giảm nhẹ về 89,37 USD/thùng, xăng RON 95 về 94,68 USD/thùng. Các mặt hàng dầu giảm nhiều hơn, dầu diesel về 116,75 USD/thùng, dầu hỏa 114,88 USD/thùng và dầu mazut 395,57 USD/thùng. So giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất, ngày 21/11, xăng dầu trong nước đang cao hơn giá nhập khẩu hiện tại khoảng 500 - 600 đồng/lít xăng, dầu các loại thấp hơn từ 500 đến gần 1.000 đồng/lít/kg.
Theo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, giá xăng dầu thế giới liên tục diễn biến thất thường trong tuần qua, nhưng nhìn chung là giảm mạnh. Việc dầu thế giới và giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore giảm có thể khiến giá bán lẻ mặt hàng này ở trong nước giảm theo.
Nếu không có biến động về giá trong vài ngày tới, giá xăng dầu trong nước tại ngày điều chỉnh giá kỳ tới (1/12) có thể giảm với mức tương đương. Mức này chưa bao gồm Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và các chi phí phát sinh nào khác, nếu có.
Một số dự báo cho thấy, xăng có thể giảm nhẹ, dầu giảm mạnh tại kỳ điều hành giá ngày 1/12, mức giảm từ 450 - 990 đồng/lít (cập nhật đến cuối tuần qua), chưa bao gồm quỹ bình ổn giá xăng dầu và các chi phí khác được điều chỉnh, nếu có.
Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo biến động giá xăng dầu thế giới. Do đó, nếu xu hướng giảm tiếp tục được duy trì, trong kỳ điều hành tới, cơ quan quản lý chắc chắn sẽ giảm giá bán lẻ xăng, dầu. Tuy nhiên, mức giảm còn tùy thuộc vào trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và diễn biến giá dầu thế giới trước ngày điều chỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.