Giá xăng dầu hôm nay 4/9: Dự báo "nóng" mới nhất về giá xăng dầu ngày mai
Giá xăng dầu hôm nay 4/9: Dự báo "nóng" về giá xăng dầu ngày mai
Nguyễn Phương
Chủ nhật, ngày 04/09/2022 09:07 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 4/9: Giá xăng dầu thế giới những ngày gần đây biến động rất mạnh. Dự báo, trong kỳ điều hành ngày 5/9, giá xăng trong nước có thể giảm từ 400 - 600 đồng/lít, còn dầu sẽ tăng khoảng 2.000 đồng/lít hoặc kg tùy loại.
Lo ngại suy thoái kinh tế và dịch bệnh làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu, qua đó có thể làm gia tăng tình trạng thặng dư khiến giá dầu ghi nhận tuần giảm mạnh.
Mặc dù phục hồi trong phiên giao dịch cuối tuần nhờ kỳ vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ thảo thuận về việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp, song đà giảm trước đó vẫn khiến giá dầu thế giới chứng kiến tuần đi xuống.
Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 29/8, giá dầu thô đã có xu hướng giảm nhẹ khi thị trường dầu thô dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu yếu hơn trước khả năng Fed phát tín hiệu về việc có thể tăng lãi suất trong thời gian tới.
Cụ thể, phát biểu tại hội nghị chuyên đề kinh tế hằng năm của Fed ở Jackson Hole (bang Wyoming, miền Tây nước Mỹ) hôm 26/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đề cập đến một đợt tăng lãi suất mới vào những tháng tới nhằm kiềm chế lạm phát.
Giới chuyên gia lo ngại, quyết định của Fed về việc tăng thêm lãi suất có thể kéo theo làn sóng tăng lãi suất mới của các ngân hàng trung ương. Điều này sẽ khiến áp lực phục hồi kinh tế lớn hơn, đặc biệt là với nhiều quốc gia châu Âu và Trung Quốc khi đang phải hứng chịu đợt nắng nóng, hạn hán khắc nghiệt, kéo dài.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 29/8/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 92,79 USD/thùng; trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 100,48 USD/thùng.
Nhưng khi thông tin về việc OPEC+ có khả năng xem xét giảm sản lượng được phát đi và đồng USD yếu hơn, giá dầu đã quay đầu tăng mạnh. Tính đến đầu giờ sáng ngày 30/8, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 96,81 USD/thùng, giảm 0,20 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 29/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2022 đã tăng tới 2,02 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 104,87 USD/thùng, giảm 0,22 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 4,39 USD so với cùng thời điểm ngày 29/8.
Tuy nhiên, xu hướng này cũng không duy trì được lâu khi ngay phiên giao dịch sau đó, lo ngại nhu cầu giảm mạnh khi Trung Quốc tái áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đã khiến giá dầu giảm mạnh.
Áp lực giảm giá đối với dầu thô tiếp tục gia tăng khi OPEC+ nâng mức dự báo dư cung dầu toàn cầu trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cụ thể, Ủy ban Kỹ thuật chung của OPEC+ (JTC), bao gồm các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước liên minh, dự báo mức dư cung trên thị trường đầu mỏ năm nay sẽ đạt 900.000 thùng/ngày, tăng 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.
Tuy nhiên, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu ở mức mạnh hơn. Dữ liệu thống kê từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy dự trữ xăng của nước này đã giảm 3,4 triệu thùng, trong khi các sản phẩm chưng cất gồm dầu diesel và nhiên liệu bay đã giảm 1,7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 26/8. Cũng theo dữ liệu từ API thì dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 593.000 thùng, trái ngược với dự báo giảm khoảng 1,5 triệu thùng được đưa ra trước đó.
Đà giảm của giá dầu thô chỉ bị chặn lại khi G7 quyết định áp trần giá dầu đối với dầu thô của Nga và Nga tuyên bố cứng rắn về việc sẽ không giao dầu và các sản phẩm chưng cất cho các nước đồng thuận, ủng hộ với quyết định này của G7.
Nga đồng thời cũng cảnh báo sẽ ngừng cấp khí đốt nếu Liên minh châu Âu (EU) quyết định về một biện pháp tương tự với khí đốt Nga.
Chốt tuần giao dịch, ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 87,25 USD/thùng, tăng 0,64 USD/thùng trong phiên; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 93,44 USD/thùng, tăng 1,08 USD/thùng trong phiên.
Như vậy, giá của cả hai loại dầu này đều trượt dài xuống mức thấp nhất trong 2 tuần trong các phiên trước. Tính chung cả tuần qua, dầu Brent giảm mạnh 7,9%, và WTI hạ 6,7%.
OPEC+ dự kiến nhóm họp vào ngày 5/9 trong bối cảnh nhu cầu được dự báo sẽ sụt giảm mặc dù nhà sản xuất hàng đầu là Saudi Arabia cho biết nguồn cung vẫn còn khan hiếm.
Nhiều nguồn tin của OPEC+ cho biết nhiều khả năng OPEC+ sẽ giữ nguyên hạn ngạch sản lượng dầu cho tháng 10 tại cuộc họp sắp tới, mặc dù một số nguồn tin không loại trừ việc tổ chức này sẽ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá đã trượt khỏi mức cao ngất ngưởng hồi đầu năm.
Các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên lần thứ tư trong vòng 5 tuần. Số lượng giàn khoan dầu khí đang hoạt động của Mỹ, một chỉ báo ban đầu về sản lượng trong tương lai, đã giảm 5 giàn xuống còn 760 giàn trong tuần tính đến ngày 2/9.
Tại thị trường trong nước, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 22/8.
Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh cụ thể như sau: mỗi lít xăng RON 95-III giữ nguyên còn 24.660 đồng/lít; xăng E5 RON 92 hiện đang có giá là 23.720 đồng/lít cũng được giữ nguyên.
Giá dầu diesel từ mức 22.900 đồng tăng thêm 850 đồng/lít, giá sau điều chỉnh là 23.750 đồng/lít; dầu hỏa cũng tăng từ mức 23.320 đồng/lít thêm 750 đồng/lít, lên mức 24.070 đồng/lít; riêng dầu mazut giữ nguyên 16.540 đồng/kg như trước.
Thông tin từ Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung là tăng, nhất là dầu hỏa và dầu diesel tăng khá cao. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá tăng từ 1-2% nhưng giá dầu tăng từ 4-5%.
Theo đó, nhà điều hành trích lập với xăng E5 RON 92 là 451 đồng/lít; xăng RON 95 là 493 đồng/lít; dầu diesel là 250 đồng/lít; dầu hỏa là 400 đồng/lít; dầu mazut là 641 đồng/kg. Đồng thời không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 4/9 như sau: Giá xăng E5 RON 92 niêm yết không cao hơn 23.725 đồng/lít; giá xăng RON 95-III niêm yết không cao hơn 24.669 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S niêm yết không cao hơn 23.759 đồng/lít; giá dầu hỏa niêm yết không cao hơn 24.056 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S niêm yết không cao hơn 16.548 đồng/kg.
Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 22 lần điều chỉnh giá, trong đó có 14 lần tăng và 8 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 23.725-24.669 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2.
Được biết, nếu được điều chỉnh ngày 1/9, giá xăng dự kiến tăng. Tuy nhiên, khi lịch điều chỉnh được lùi sang ngày 5/9, giá xăng dự báo sẽ giảm từ 400 - 600 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới những ngày gần đây biến động rất mạnh. Dự báo, trong kỳ điều hành ngày 5/9, giá xăng trong nước có thể giảm từ 400 - 600 đồng/lít, còn dầu sẽ tăng khoảng 2.000 đồng.
Doanh nghiệp cho hay, nếu kỳ điều hành vẫn rơi vào ngày 1/9 như thường lệ, giá xăng được dự báo tăng ở mức 100 - 250 đồng/lít, còn giá dầu tăng ở mức khoảng 1.700 - 2.000 đồng/lít hoặc kg tùy loại.
Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp dự báo, giá xăng ngày mai có thể tăng trở lại. Cụ thể: Mỗi lít xăng sẽ tăng 300-700 đồng, dầu tăng 1.800-2.000 đồng vào kỳ điều hành ngày mai 5/9 nếu nhà chức trách không sử dụng Quỹ bình ổn. Nếu có chi hoặc sử dụng Quỹ bình ổn thì xăng vẫn sẽ tăng 300-400 đồng/lít, còn dầu tăng 8.00-1.000 đồng/lít.
Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành này biến động rất mạnh so với kỳ tính giá trước đó (ngày 22/8).
Giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) tại Singapore cập nhật đến ngày 31/8 là 97,31 USD/thùng, còn giá xăng RON 95 là 100,14 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 8 tháng qua. Mức giá này tương đương với giá xăng ngày 20/1, khi đó giá xăng RON 95 bán lẻ là 23.876 đồng/lít. Nếu trừ thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng thì giá xăng chỉ còn 20.576 đồng.
Trước đó 1 ngày (ngày 30/8), bình quân giá xăng RON 92 trên thị trường Singapore là 108,52 USD/thùng, còn giá xăng RON 95 là 111,35 USD/thùng.
Như vậy, giá xăng dầu ngày mai biến động ra sao sẽ phụ thuộc vào tính toán cụ thể của nhà điều hành. Người dân và doanh nghiệp đều kỳ vọng giá xăng dầu ngày mai sẽ giảm. Bởi chi phí cho xăng dầu giảm, đồng nghĩa với gánh nặng lên vai nhẹ bớt, có thể kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới. Giá xăng dầu liên tiếp giảm mạnh không chỉ giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng mà còn có thể hưởng lợi gián tiếp từ việc giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ.
Trước đó, theo Bộ Công Thương, 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất đang gánh 80% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước và bảo đảm nguồn cung hoạt động đủ. Bên cạnh đó, nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp cũng có mức dự trữ thoải mái, vượt nhu cầu tiêu dùng.
Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước. Đoàn sẽ tập trung chỉ đạo việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh bao gồm cả thương nhân kinh doanh, đại lý, cửa hàng bán lẻ… Những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu găm hàng, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95 về kinh doanh xăng dầu cũng sẽ được kiểm tra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.