Bốc thuốc nào trị đúng bệnh "rối loạn" ở thị trường xăng dầu?

An Linh Thứ bảy, ngày 03/09/2022 17:48 PM (GMT+7)
Chiết khấu xăng dầu 0 đồng, thậm chí âm khiến nhiều đại lý bán lẻ rơi vào cảnh lỗ vẫn phải bán. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, việc điều hành theo kiểu "nén giá" của liên Bộ Công Thương - Tài chính do lo ngại lạm phát trong đợt nghỉ lễ lớn khiến thị trường xăng dầu vận hành méo mó.
Bình luận 0

Xăng dầu rối loạn do cơ chế thị trường hay quản lý?

Ngay thời điểm đầu tháng 7/2022, hàng loạt doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho rằng họ rất khó khăn khi xăng dầu nhập về ồ ạt nhưng giá thị trường trong nước liên tiếp hạ, dẫn đến thua lỗ. Đến tháng 8, chu kỳ giảm giá liên tục, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh ký kết nhập xăng dầu giá cao, bán giá thấp, có doanh nghiệp hoà vốn, nhưng có chỗ càng bán càng lỗ.

"Đầu mối nhập khẩu lỗ mỗi lít xăng dầu do vận động cơ chế thị trường nhưng khi liên Bộ không chấp nhận điều chỉnh giá xăng dầu ngày 1/9, khiến doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ. Cơ chế thị trường nửa vời khiến một số doanh nghiệp rất bức bối", đại diện Hiệp hội xăng dầu cho hay.

Bốc thuốc nào cho đúng, để trị bệnh rối loạn ở thị trường xăng dầu? - Ảnh 1.

Về vấn đề chiết khấu 0 đồng, chiết khấu âm, đại diện Hiệp hội xăng dầu và một doanh nghiệp đầu mối cho rằng: "Việc cực chẳng đã" bởi giá nhập kỳ vọng cao, giá thị trường có xu hướng tăng lên, doanh nghiệp không thể bù lỗ mãi được.

Riêng với đại lý bán lẻ xăng dầu, tình trạng bán lỗ đã xảy ra và nhiều đại lý buộc phải chấp nhận như bài toán kinh doanh của họ. Tuy nhiên, không ít nơi tình trạng thiếu xăng, thiếu dầu đã xảy ra, chủ đích có và lý do bất khả kháng có.

"Vấn đề chiết khấu của đầu mối ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và doanh thu. Không được chiết khấu, đại lý rơi vào tình trạng bán hộ, chi phí nhà xưởng, nhân công tự bỏ tiền túi. Về kinh tế thị trường không ai chấp nhận được. Tuy nhiên, bài toán lỗ lãi phải cân bằng, có lúc được chiết khấu, có lúc không được chiết khấu, có lãi nhưng cũng phải chấp nhận lỗ. Nhưng cái chúng tôi mong muốn nhất là cơ chế điều hành linh hoạt, chống đầu cơ, găm trữ "tay to" phải được làm triệt để", đại diện một đại lý xăng dầu ở Hà Nội cho biết.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng: Chính sự can thiệp bằng chính sách, bàn tay vô hình của nhà nước đã và đang làm thị trường trở nên méo mó.

"Bối cảnh giá xăng dầu thay đổi, cơ quan nhà nước không kiểm soát được giá và lượng xăng dầu mà lại lùi ngày điều chỉnh. Tất cả động thái này gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, khiến thị trường vận hành méo mó", ông Phú nêu.

Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính: Doanh nghiệp luôn chủ động trước bài toán lỗ, lãi trong kinh doanh, nếu hàng nhập về bán có giá vốn cao hơn giá thị trường hiện hành, họ chịu lỗ và sẽ hạn chế để không gây thiệt hại cho mình. Và ngược lại, nếu hàng nhập có giá vốn thấp hơn giá bán thị trường, họ có lãi sẽ tăng nhập về. Đó là nguyên lý thị trường và cơ chế vận động của doanh nghiệp.

Hệ quả nảy sinh là tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ lên giá hoặc câu kết bán tháo sản phẩm để thu lời hoặc tránh thiệt hại… những yếu tố này đều làm cho thị trường rối loạn.

Theo ông Thoả, đối phó với vấn đề này, cơ quan quản lý sẽ phải rất sát sao với thị trường, lắng nghe doanh nghiệp và có phản ứng nhanh. "Nếu tuân thủ cơ chế giá thị trường thì cơ chế điều hành hiện hành không còn phù hợp, cần được cải cách mạnh hơn theo hướng phản ánh đúng các yếu tố hình thành giá, quan hệ cung - cầu, cạnh tranh…", ông Thoả nói.

Theo vị chuyên gia này, điều hành giá phải tôn trọng sự biến động khách quan của thị trường, không "nén giá" theo chu kỳ, xóa bỏ các biện pháp hỗ trợ về giá không phù hợp với cam kết quốc tế.

Về bình ổn, nhu cầu, sản lượng và giá có liên quan trực tiếp đến nhau, chính vì vậy, cần có dự trữ đủ lớn để bình ổn giá. Bên cạnh đó, nên bỏ cơ chế bình ổn, điều này không có lợi về mặt lâu dài.

Giải pháp nào chặn rối loạn thị trường xăng dầu?

Theo một chuyên gia từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mục đích của những nhà điều hành chính sách Việt Nam khi lùi ngày điều chỉnh giá xăng dầu ngày 1/9 nhằm mục đích giữ ổn định thị trường, chống lạm phát. Tuy nhiên, điều này cũng phát sinh hệ luỵ xấu: Tổn thương các doanh nghiệp, đại lý nhỏ, rối loạn thị trường và khiến thị trường xăng dầu méo mó.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng: "Việc kiểm tra, kiểm soát của Bộ Công Thương với các DN đầu mối thường xuyên hơn sẽ giúp lập lại trật tự thị trường xăng dầu. Tôi khẳng định về tổng thể nguồn cung trên thị trường là không thiếu, nhưng ông nào kêu thiếu nguồn, bán ra nhỏ giọt, vì sao thiếu thì cần làm rõ, phải truy tận gốc mới ra được vấn đề?".

Theo ông Bảo, hiện các doanh nghiệp đầu mối vẫn khẳng định là đủ hàng, có hàng dự trữ đủ cấp cho hệ thống trực thuộc và đại lý nhượng quyền, mặc dù cấp theo tiến độ. Tuy nhiên có việc xảy ra cục bộ, "chủ yếu là thương nhân phân phối, đại lý nhỏ",

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, phục vụ đời sống và sản xuất kinh doanh, nên nhà nước vẫn phải có trách nhiệm giám sát, quản lý mạng lưới này được hiệu quả, từ đầu mối, phân phối đến các tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ.

Ông Thịnh cho rằng: Cần tìm đúng nguyên nhân của tình trạng khan hiếm, chiết khấu cục bộ để bắt bệnh, bốc thuốc đúng bài. "Việc một số đầu mối bị cấm nhập khẩu, hàng loạt nơi bị xử phạt khiến thị trường có tác động, nhưng không phải là nguyên nhân chính. Cái chính vẫn là bản thân doanh nghiệp đổ lỗi cho các vấn đề liên quan đến thiếu nguồn nhập, tình trạng rối ren trong cung ứng xăng dầu. Điều này phải được Bộ Công Thương làm sáng tỏ để tránh hệ luỵ, tiền lệ xấu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem