Hòa Bình: Chủ tịch xã Tân Minh ra lệnh “lạ đời” cản trở người dân trồng rừng

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 05/06/2020 06:00 AM (GMT+7)
Ông Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh (Đà Bắc, Hòa Bình) ra lệnh đình chỉ việc phát luống với lý do xâm phạm vào rừng tái sinh khiến một doanh nghiệp trên địa bàn không thể thực hiện trồng rừng. Sau đó, quyết định này vấp phải nhiều ý kiến phản đối do thiếu căn cứ và khu vực ông Lại ra lệnh là bãi… đất trống.
Bình luận 0

Đình chỉ phát luống ở bãi…đất trống?

Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 25121000145 ngày 16/03/2009 của UBND tỉnh Hòa Bình, Cty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình (Cty D&G) được thực hiện dự án: Trồng rừng nguyên liệu – Keo Tai Tượng (ACACIA MANGIUM WILD) trên diện tích 2.250 ha với mật độ 2.500 cây/ha.

Địa điểm thực hiện dự án tại các xã: Giáp Đắt, Đồng Chum, Mường Chiềng, Trung Thành, Cao Sơn và Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Theo đó, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Trong quá trình triển khai dự án, vào ngày 12/04/2018, ông Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh đã ra Lệnh đình chỉ số 01 về việc phát luống để trồng rừng của Cty D&G. Theo đó, ông Lại cho rằng, hoạt động phát luống đã xâm phạm vào khu vực rừng tái sinh trên địa bàn.

Bài 1: Hòa Bình: Chủ tịch xã Tân Minh ra lệnh “lạ đời” cản trở việc trồng rừng - Ảnh 1.

Lệnh đình chỉ có dấu hiệu thiếu căn cứ của ông Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh.

Tuy nhiên, quyết định này của ông Lại vấp phải nhiều ý kiến phản đối do ra lệnh thiếu căn cứ. Cụ thể, theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp, khu vực ông Lại ra lệnh đình chỉ nằm trong diện tích dự án trồng rừng của Cty D&G. Hiện tại, khu vực này vẫn là một bãi đất trống trên đồi.

Đáng chú ý, chủ tịch UBND xã Tân Minh ra lệnh đình chỉ nhưng không có biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với đương sự. Việc ra lệnh này của ông Lại khiến hoạt động trồng rừng tại địa phương bị đình đốn nhiều năm qua và hàng chục người dân lao động tại địa phương mất việc làm, thu nhập.

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề trên, ông Lò Văn Lại cho biết, nguyên nhân của việc ra lệnh trên là vì doanh nghiệp sau khi tiến hành dự án trồng rừng từ năm 2009, 2010 đến năm 2011 nhiều diện tích cây bị chết, sau đó, một lớp cây rừng tái sinh tự nhiên mọc lên. Việc phát luống vào rừng tái sinh là không đúng quy định về bảo vệ và phát triển rừng.

"Qua kiểm tra bản đồ, diện tích ra lệnh đình chỉ thuộc dự án của công ty. Tuy nhiên, qua phản ánh của bà con nhân dân thì công nhân của công ty đã phát vào rừng tái sinh hiện tại đang rất đẹp", ông Lại nói.

Tuy nhiên, khi người dân địa phương chỉ dẫn PV Dân Việt vào ghi nhận tại khu vực ông Lại ra lệnh đình chỉ trên chỉ là một bãi đất trống với một số cây cỏ dại, không có các cây gỗ thân lớn.

Bài 1: Hòa Bình: Chủ tịch xã Tân Minh ra lệnh “lạ đời” cản trở việc trồng rừng - Ảnh 2.

Ông Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh

Ngoài ra, khi PV Dân Việt đặt câu hỏi về việc trước khi ra lệnh đình chỉ hoạt động phát luống, UBND xã Tân Minh có lập biên bản vi phạm hành chính không? Ông Lại chỉ trả lời ngắn gọn sẽ cho kiểm tra và vị chủ tịch xã này cũng cho biết bản thân cũng không nắm chắc biên bản này còn lưu trữ không?

"Về biên bản tôi sẽ phải hỏi lại bộ phận chuyên môn xem có còn lưu trữ không? Trong đó sẽ có thông tin cụ thể diện tích bao nhiêu, loại rừng gì, lô khoảnh ở chỗ nào?", ông Lại cho biết.

Tuy nhiên, tới nay, vị chủ tịch xã Tân Minh vẫn chưa thể cung cấp văn bản trên. Điều này khiến dư luận địa phương không khỏi bức xúc vì cách làm việc thiếu trách nhiệm của ông Lò Văn Lại gây tổn thất lớn cho người dân, doanh nghiệp.

Ra lệnh thiếu căn cứ, doanh nghiệp thiệt hại, người dân mất việc làm?

Theo ông Lường Văn Quý (xã Tân Minh, Đà Bắc), một lao động được thuê để trồng rừng cho biết, quyết định của chủ tịch xã Tân Minh đã khiến nhiều người dân trên địa bàn mất việc làm thu nhập. Trong khi đó, ông Quý khẳng định, diện tích các lao động được thuê để phát luống không phải là rừng nguyên sinh.

Bài 1: Hòa Bình: Chủ tịch xã Tân Minh ra lệnh “lạ đời” cản trở việc trồng rừng - Ảnh 3.

Ông Quý đưa PV Dân Việt vào khu vực Chủ tịch xã Tân Minh ra lệnh đình chỉ.

"Người dân sinh sống tại địa phương như chúng tôi không có nghề phụ, thu nhập chỉ dựa vào cây lúa và nuôi một số loại gia súc như trâu, bò,… Khi được công ty thuê để trồng rừng, tôi cảm thấy rất vui vì thu nhập được cải thiện. Mỗi ngày công được 200.000 đồng là con số rất lớn với người dân vùng cao như chúng tôi.

Khi chúng tôi được lực lượng chức năng thông báo ra lệnh đình chỉ hoạt động thì chỉ nói là đã phát luống vào khu vực không phải đất dự án của công ty chứ không nói là xâm phạm rừng tái sinh. Tôi khẳng định, chúng tôi ở đây đều biết khu vực nào là rừng tái sinh đã có quy hoạch rất cụ thể. Không bao giờ chúng tôi dám xâm phạm, nếu không cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý vi phạm hành chính, thậm chí bị bắt vào tù ngay", ông Quý khẳng định.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Nhân, người được Cty D&G thuê trồng rừng cho biết thêm, sau lệnh đình chỉ của chủ tịch xã Tân Minh hàng chục lao động đã mất việc làm và doanh nghiệp cũng phải chịu nhiều thiệt hại.

Bài 1: Hòa Bình: Chủ tịch xã Tân Minh ra lệnh “lạ đời” cản trở việc trồng rừng - Ảnh 4.

Khu "rừng tái sinh đang rất đẹp" được ông Lò Văn Lại ra lệnh đình chỉ việc phát luống là bãi đất trống trên đồi.

"Trước hết, tôi khẳng định, diện tích thực hiện phát luống là của công ty đã được bàn giao. Ngoài ra, việc phát luống thực hiện đối với các bụi rậm, dây leo chứ nếu có cây dù đường kính chỉ bằng miệng cốc uống nước chúng tôi cũng không chặt. Việc ông Lò Văn Lại, Chủ tịch xã Tân Minh ra lệnh đình chỉ là rất vô lý khiến hàng chục lao động không có việc làm nhiều năm nay.

Hiện tại, phía công ty vẫn còn nợ khoảng hơn 60 triệu đồng tiền công lao động. Chúng tôi cũng nhận thấy họ bị cản trở việc trồng rừng khó khăn nên không "nỡ" đòi gấp quá. Chỉ chờ đến khi dự án tiếp tục lại huy động người dân đi trồng rừng", ông Nhân nói.

Được biết, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc luôn là chủ trương của Đảng, Chính phủ, các địa phương. Đặc biệt, tại các tỉnh vùng cao phía Bắc, việc trồng rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với môi trường, chống sạt lở đất, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, không rõ lý do vì sao, chính quyền các cấp huyện Đà Bắc gây khó khăn khiến chủ trương trồng rừng của tỉnh Hòa Bình không thể thực hiện?

Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem