Học sinh miền Nam hứng thú với tiếng Anh hơn học sinh hai miền Bắc - Trung
Học sinh miền Nam hứng thú với tiếng Anh hơn học sinh hai miền Bắc - Trung
Thứ bảy, ngày 30/12/2023 20:33 PM (GMT+7)
Kết quả khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Ban quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia cho thấy học sinh miền Nam có xu hướng hứng thú với môn tiếng Anh hơn học sinh ở hai miền Bắc và Trung.
Khảo sát kết quả và trải nghiệm học tập của học sinh đối với môn tiếng Anh theo chương trình
giáo dục
phổ thông 2018 được thực hiện dựa trên một số tiêu chí gồm: sự hứng thú của học sinh đối với môn học, sự cải thiện của học sinh về bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) sau một năm theo học chương trình và sự đa dạng về phương pháp dạy - học của môn học này.
Kết quả khảo sát cho thấy, có sự khác biệt về mức độ hứng thú của học sinh đối với ngoại ngữ theo từng cấp học, theo từng loại hình trường học và vùng miền.
Cụ thể, tỷ lệ học sinh miền Nam có sự hứng thú với ngoại ngữ là 61,8%, vượt trội so với học sinh ở miền Bắc (55,4%) và miền Trung (57,8%).
Theo cấp học, học sinh tiểu học có sự hứng thú với ngoại ngữ cao nhất (67,4%), tiếp đó là bậc THCS (59,4%). Học sinh bậc THPT thiếu hứng thú với ngoại ngữ nhất với 47,7%.
Theo loại hình trường, tỷ lệ học sinh trường chuyên hứng thú với ngoại ngữ là 63,5%, cao hơn học sinh trường tư thục (49,9%) và trường công lập thông thường (57%).
Những thông tin này được nêu trong Báo cáo tóm tắt việc dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam 2023 do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Ban quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia thực hiện.
Môn tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai theo lộ trình dần dần thay thế các chương trình dạy ngoại ngữ hiện có. Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình môn tiếng Anh mới được triển khai ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 trên 63 tỉnh/ thành.
Chuyên gia đánh giá, chương trình tiếng Anh mới chú trọng giao tiếp và phát triển bốn kỹ năng, nhấn mạnh hai kỹ năng nghe và nói với các lớp thấp và đồng đều dần với các lớp cao hơn.
Nội dung chương trình có dạng đồng tâm xoắn ốc, dựa trên các hệ thống chủ điểm, chủ đề có liên quan chặt chẽ với nhau phù hợp với từng cấp học và đảm bảo tính liên thông, tiếp nối trong dạy và học tiếng Anh giữa các cấp.
Mục tiêu chính của chương trình là xây dựng thái độ tích cực với tiếng Anh. Học sinh sẽ được học cách sử dụng tiếng Anh như một công cụ không chỉ để giao tiếp, mà còn hỗ trợ việc tìm hiểu, học tập các môn học khác, hay xa hơn là phục vụ cho việc học tập suốt đời.
Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết học sinh cảm nhận trình độ tiếng Anh của mình cải thiện hơn sau một năm học chương trình tiếng Anh mới. Mặc dù giáo viên đánh giá khắt khe hơn (thể hiện ở tỷ lệ đánh giá thấp hơn về mức độ cải thiện trình độ) nhưng cũng đều thừa nhận sự tiến bộ của học sinh.
Trong số các kỹ năng, kỹ năng đọc - viết đang tiến bộ nhanh hơn so với kỹ năng nghe - nói. Tuy nhiên, kỹ năng nghe đang được cải thiện nhiều trong nhóm học sinh tự đánh giá mình có mức độ cải thiện tiếng Anh chỉ ở mức "trung bình".
Đáng chú ý, kết quả khảo sát cũng cho thấy sự tiến bộ của học sinh trường công và trường chuyên cao hơn so với học sinh trường tư ở cả bốn kỹ năng.
Bên cạnh đó, có sự khác biệt nhỏ giữa các trường về mức độ đa dạng cao của phương pháp đã được sử dụng trong dạy - học ngoại ngữ. Trường chuyên đang được đánh giá có mức độ đa dạng về phương pháp dạy - học môn Tiếng Anh cao hơn hẳn so với hai loại hình trường còn lại, đặc biệt là cao hơn các trường tư thục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức bồi dưỡng Mô-đun 1 "Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018" và Mô-đun 4 "Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT" cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ cốt cán các cấp học phổ thông để chuẩn bị triển khai cho học sinh lớp 3 từ năm học 2022-2023.
Để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới môn Tiếng Anh, giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông được tham gia các khóa bồi dưỡng về năng lực sư phạm giảng dạy tiếng Anh bao gồm phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ trong dạy học ngoại ngữ, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ…
Đến năm học 2022-2023, hầu hết các giáo viên tiếng Anh cả nước đã được tham gia các khóa bồi dưỡng này tại địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.