Khai hội đình Kim Ngân, nơi được vua giao trọng trách đúc bạc...
Khai hội đình Kim Ngân, nơi được Vua giao trọng trách đúc bạc nén làm tiền tệ tại Kinh thành Thăng long
Chủ nhật, ngày 23/04/2023 10:36 AM (GMT+7)
Tối ngày 22/4, Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề Kim Hoàn 2023 đã chính thức diễn ra tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là nơi thờ ông tổ bách nghệ và tổ nghề kim hoàn, cũng là nơi đồng bạc nén, loại tiền tệ của Kinh thành Thăng Long xưa ra đời.
Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề Kim Hoàn tổ chức nhằm tôn vinh các vị tổ nghề, các nghệ nhân, các phố nghề - làng nghề truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, kinh tế, quảng bá du lịch. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi thành phố Hà Nội đang thực hiện Đề án phát triển công nghiệp văn hóa.
Phát biểu tại Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề Kim Hoàn 2023, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, việc tổ chức Lễ hội đình Kim ngân và Hội nghề kim hoàn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện hiện lòng thành kính, lòng biết ơn của các thế hệ sau đối với công đức của các vị tổ nghề; có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người dân phố Hàng Bạc và các làng nghề nói riêng, của người Việt nói chung...
Ông Nguyễn Duy Tân (Đại diện hộ kinh doanh phố Hàng Bạc) cho biết, chúng ta đang ở đình Kim Ngân, nơi thờ ông tổ bách nghệ và cụ tổ nghề kim hoàn Thương thư bộ lại Lưu Xuân Tín, đây là dịp để tôn vinh các nghệ nhân, các làng nghề; qua đó khuyến khích các nghệ nhân, người dân tiếp tục duy trì nghề truyền thống và có nhiều sáng tạo, đưa ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần vào việc phát triển kinh tế, du lịch của quận Hoàn Kiếm, các làng nghề của Thủ đô Hà Nội.
Từ xưa, đình Kim Ngân là nơi người dân làng Châu Khê – làng đúc bạc cổ của Kinh thành Thăng Long – xây dựng để tế lễ Thành hoàng và Tổ sư nghề nghiệp mỗi dịp xuân – thu. Nơi đây là tụ điểm kết nối các cộng đồng thợ nghề kim hoàn từ bốn phương quanh đất Kinh Kỳ, là nơi lưu giữ những giá trị làng nghề truyền thống, giá trị văn hoá làng xã của khu Kẻ Chợ xưa, góp phần vào sự phong phú của “36 phố phường” Thăng Long – Hà Nội.
Theo các tài liệu còn lưu tới ngày nay, từ Thời Lê Thánh Tông (1160 – 1497), Quan Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín được vua cho phép lập xưởng đúc bạc nén ở Kinh thành. Ông đã đưa người dân làng Châu Khê ra làm nghề này. Dần dần, người dân Châu Khê lên Thăng Long làm nghề đúc bạc ngày càng đông, từ nghề đúc bạc nén tiến tới đổi bạc, đổi tiền, làm nghề vàng bạc và mỹ nghệ kim hoàn, thành phường hội rồi trở nên phố nghề Hàng Bạc ngày nay.
Lễ hội đình Kim Ngân thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương tham dự.
Nhiều người nước ngoài cũng tỏ ra thích thú với Lễ hội.
Nghệ nhân và thợ thủ công trình diễn các thao tác nghề tại đình Kim Ngân.
Đây là những kỹ thuật thể hiện độ tinh xảo để tạo nên những sản phẩm hoàn hảo nhất làm đẹp cho đời và làm vừa lòng khách hàng.
Đồng bạc nén, loại tiền tệ lưu thông tại đất Kinh thành Thăng Long xưa.
Trong thời gian diễn ra hoạt động, tại Đình Kim Ngân sẽ tổ chức buổi Tọa đàm chuyên đề về Nghề kim hoàn truyền thống để các nghệ nhân làng nghề – phố nghề có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phát triển nghề tại địa phương, đồng thời giới thiệu các sản phẩm và quảng bá các giá trị di sản làng nghề gắn với phố nghề nhằm thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế.
Phạm Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.