Không áp Nghị định 64 với trường hợp ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 23/10/2020 12:33 PM (GMT+7)
Chia sẻ với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV liên quan đến việc ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng, không áp Nghị định 64 với trường hợp cá nhân như ca sĩ Thủy Tiên.
Bình luận 0

Nêu quan điểm việc nhiều cá nhân tự kêu gọi, vận động hỗ trợ người dân miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ mà không thông qua tổ chức Mặt trận Tổ quốc hay Hội Chữ thập đỏ như trường hợp ca sĩ Thủy Tiên, bà Thu cho rằng, trong thiên tai thảm họa, tất cả những ai có tấm lòng thiện nguyện đều có mong muốn làm gì đó giúp đỡ đồng bào, những người gặp hoạn nạn.

Không áp Nghị định 64 với trường hợp ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) tại các hoạt động của Quốc hội.

Không phân biệt ca sĩ hay diễn viên hay những tổ chức, cá nhân có chức năng làm công tác vận động, thực hiện nhiệm vụ nhân đạo mới phải gánh vác việc này.

Việc ca sĩ Thủy Tiên đứng ra kêu gọi vận động nguồn lực từ nhân dân, không quản ngại vất vả đi đến tận nơi để hỗ trợ bà con là rất đáng hoan nghênh, trân trọng.

"Theo tôi, không nên quá khắt khe với một người có tấm lòng nhân hậu như ca sĩ Thủy Tiên, hành động đó sẽ giúp đồng bào bớt khó khăn" - bà Thu nói. 

Cũng theo bà Thu, nếu vận động được nhiều người giúp đỡ bằng uy tín của mình thì người đó có thêm cơ hội giúp đỡ người khác, có thêm nhiều người được giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu 1 cá nhân đứng ra làm từ thiện sẽ gặp nhiều rủi ro, vất vả, nhất là với nguồn tiền lớn thì sức của một người không thể làm hết.

Không áp Nghị định 64 với trường hợp ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện - Ảnh 2.

Ca sĩ Thủy Tiên trực tiếp tặng quà và tiền cho người dân bị ảnh hưởng lũ lụt. Ảnh: FBNV.

Bà Thu cho rằng, về mặt pháp luật thì những trường hợp như ca sĩ Thủy Tiên không vi phạm. Theo luật dân sự, họ là người giúp những người cho đem vật chất, tiền bạc giúp người nhận, họ là người trung gian, theo luật họ hoàn toàn có quyền làm việc đó, họ không đại diện cho tổ chức nào khi làm việc từ thiện.

"Vấn đề là làm như thế nào để tiền của những người ủy thác đến đúng người, đúng nơi mà không bị lợi dụng. Việc lợi dụng có thể từ hai phía: Từ những người muốn tài trợ và người trực tiếp đi làm từ thiện nếu như có những hành động không trong sáng vô tư. Đã có nhiều trường hợp lợi dụng từ thiện để trục lợi" - bà Thu nhấn mạnh.

Thêm nữa, nếu nguồn tiền đó không phân phối công bằng, không có tiêu chí rõ ràng như các tổ chức nhân đạo đang làm thì rất dễ phát sinh tiêu cực trong xã hội, gây mất đoàn kết trong nhân dân, có hiệu tượng so bì. Chưa nói đến việc nên hỗ trợ cái gì trước, cái gì sau.

"Tuy nhiên, những người làm từ thiện họ cũng suy nghĩ làm gì mà không bị mang tiếng, tôi hy vọng ca sĩ Thủy Tiên chọn cách làm hợp lý để giữ mãi hình ảnh một cô tiên trong sáng giữa đời thường" - bà Thu nói. 

Không áp Nghị định 64 với trường hợp ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện - Ảnh 3.

Ca sĩ Thủy Tiên chia sẻ với khó khăn của người dân. Ảnh: FBNV.

Đối với luồng ý kiến trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên có thể vi phạm Nghị định 64, bà Thu cho rằng, Nghị định 64 áp dụng cho các tổ chức được Nhà nước giao làm nhiệm vụ nhân đạo, là hình thức quản lý của Nhà nước đối với các tổ chức được giao làm nhiệm vụ đó như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ; không áp dụng cho cá nhân.

"Do vậy, trong trường hợp ca sĩ Thủy Tiên, lấy Nghị định 64 áp cho cô ấy là không đúng" - bà Thu khẳng định.

Theo bà Thu, Nghị định 64 ban hành đã lâu, cần sửa một số điều và Nghị định này cũng có điểm khuyến khích cá nhân tham gia làm từ thiện, tôn vinh họ nếu họ làm đúng, không vi phạm, không bị lợi dụng.

Đối với việc phân phối hàng cứu trợ, theo bà Thu, hầu như năm nào miền Trung cũng xảy ra thiên tai, người dân cả nước mong muốn đến giúp và phải đến trực tiếp, đó là nhu cầu chính đáng.

Theo quy định của cứu trợ quốc tế, việc cứu trợ phải tuân thủ 3 nguyên tắc: Không phân biệt đối xử với người ở trong thiên tai thảm họa; không tạo áp lực cho người tại nơi đó, cả nạn nhân, chính quyền và người được cứu trợ; thứ ba là giúp những gì họ cần thay vì giúp những gì mình có.

"Nếu tự phát dễ gặp trường hợp chỗ nhận dễ thì nhiều, chỗ khó khăn lại không có, như ở Quảng Bình nhiều đội vào nhưng phương tiện không có, việc tiếp cận người cần cứu trợ khó khăn. Theo tôi, nên liên hệ với chính quyền, các cơ quan đầu mối, ở đâu cũng đều có ban cứu trợ như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ" - bà Thu đưa ra lời khuyên cho các tổ chức, cá nhân làm từ thiện. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem