Không giảm phí trước bạ, giá xe ô tô có hấp dẫn người mua?
Không giảm phí trước bạ, giá xe ô tô có hấp dẫn người mua?
Thế Anh
Thứ ba, ngày 11/05/2021 12:46 PM (GMT+7)
Nhận được kiến nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19, Bộ Tài chính bác đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô. Liệu điều này có tác động đến giá xe ô tô?
Trong văn bản gửi tới Bộ Tài Chính, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị về việc chính sách hỗ trợ bổ sung cho doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong đó, VAMA có kiến nghị Bộ Tài Chính xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký mới để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ôtô.
Phí trước bạ và giá xe ô tô
Sau khi xem xét, lắng nghe các ý kiến, Bộ Tài Chính cho biết, thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, bao gồm cả các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, lắp ráp ôtô bị tác động bởi đại dịch Covid-19, Bộ Tài Chính đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành các chính sách về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Bên cạnh đó, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Nghị định về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020...
Đối với kiến nghị tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký mới để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ôtô, Bộ Tài Chính cho rằng: "Đề nghị giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ôtô đăng ký mới là không phù hợp với bối cảnh hiện nay".
Bộ Tài Chính đề nghị các doanh nghiệp thuộc VAMA thực hiện theo quy định hiện hành về chính sách lệ phí trước bạ.
Cũng với ý kiến nêu trên, Bộ Tài Chính sẽ cập nhật số liệu, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và diễn biến, tác động của đại dịch Covid-19 để phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách phù hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển.
Hiện nay, để tiếp tục thúc đẩy ngành ô tô phát triển phù hợp với bối cảnh mới, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ôtô, bao gồm:
Bổ sung các chủng loại xe ôtô chạy điện, xe ôtô sử dụng pin nhiên liệu, xe ôtô hybrid, xe ôtô sử dụng nhiên liệu sinh học, xe ôtô sử dụng khí thiên nhiên vào đối tượng áp dụng ưu đãi của Chương trình để thúc đẩy phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường...
Đồng thời, sửa đổi tiêu chí sản lượng chung tối thiểu của các nhóm xe và sản lượng riêng tối thiểu của mẫu xe để phù hợp với thực trạng ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, có tính đến các yếu tố dự báo trong tương lai.
Trước đó, Bộ Tư Pháp công bố tờ trình của Bộ Tài Chính gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định mức thu lệ phí trước bạ ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 (gọi tắt là Nghị định giảm lệ phí trước bạ). Tờ trình này có nêu thống kê về số thu ngân sách hàng năm từ khoản lệ phí trước bạ ôtô.
Theo Bộ Tài Chính, trong 3 năm gần đây, tổng số thu lệ phí trước bạ đối với ôtô lần lượt là 19.049 tỷ đồng (2017), 22.593 tỷ đồng (2018) và 29.989 tỷ đồng (2019), tăng dần qua các năm và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu tất cả các loại lệ phí trước bạ.
Cụ thể, năm 2017 lệ phí trước bạ ôtô chiếm 69%; năm 2018 chiếm 69,7%; năm 2019 chiếm 74,6% tổng nguồn thu lệ phí trước bạ. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương.
Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Tài Chính thì việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất trong nước sẽ làm hụt nguồn thu ngân sách địa phương 6 tháng cuối năm 2020, ước tính khoảng 3.700 tỷ đồng.
Nghị định giảm 50% phí trước bạ ôtô ra đời từ Nghị quyết số 84 của Chính phủ về việc các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Qua khảo sát thực tế, có những hãng xe vẫn duy trì doanh số tốt thời gian qua. Với một số mẫu xe ăn khách hạng B như Hyundai Accent, Toyota Vios, sức hút với người mua không hề giảm, dù không còn chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.
Về giá xe ô tô theo niêm yết của hãng, Hyundai Accent, Toyota Vios luôn giữ mức ổn định, những ưu đãi nếu có cũng ở mức nhẹ nhàng dao động từ 10-15 triệu, hoặc kèm phụ kiện, gói bảo hiểm thân vỏ.
Trong khi với một số mẫu hạng C hoặc D, hoặc dòng 7 chỗ, cuộc đua giảm giá nhằm hút người dùng diễn ra khá rõ. Đơn cử những Hyundai Santafe, có một số đại lý ưu đãi khách hàng tổng tiền tới 150 triệu đồng. Ford Ecosport cũng kích cầu giảm 51 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.