Kinh tế số: Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và thách thức từ chính sách thúc đẩy của người "dẫn dắt"

N.Minh Thứ ba, ngày 06/04/2021 13:39 PM (GMT+7)
Để phát triển kinh tế số, nhiều ý kiến cho rằng một trong thách thức với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính là nằm ở chính sách thúc đẩy của người "dẫn dắt", ở đây chính là Chính phủ. Chính phủ cần là một bên tham gia "gương mẫu", một người dùng tiến bộ trong nền kinh tế số.
Bình luận 0

Chiều 5/4, với số phiếu bầu là 462/466 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 96,25% tổng ĐBQH, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương trở thành vị Thủ tướng thứ 9 trong lịch sử của Chính phủ. 

Phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu về nhiệm vụ thời gian tới với việc xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thách thức từ nhận thức chưa đồng đều về kinh tế số

Nói về kinh tế số, theo báo cáo của Google và Temasek, vào năm 2018, quy mô thị trường kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt giá trị 72 tỷ USD; Việt Nam xếp vị trí thứ 6 sau Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam chỉ chiếm 1/8 tổng giá trị (tương ứng khoảng 11%).

Đến năm 2025, dự báo quy mô thị trường kinh tế số Đông Nam Á đã tăng lên 240 tỷ USD và Việt Nam chiếm khoảng 18% giá trị thị trường kinh tế số Đông Nam Á.

Thách thức phát triển kinh tế số với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính  - Ảnh 1.

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển kinh tế số

Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế…

Còn tại báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Cùng Indonesia, nền kinh tế số Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á với trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015.

TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng internet; người tiêu dùng số mới tăng trưởng đều đặn trung bình 63% mỗi năm; thời gian sử dụng Internet trung bình khoảng 4 giờ/ngày;… đã tạo ra nền tảng lý tưởng để đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực phát triển kinh tế số.

"Việc xác định kinh tế số sẽ trở thành động cơ tăng trưởng mới cho Việt Nam trong những năm tới như thông điệp Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính là chủ trương đúng đắn. Vấn đề đặt ra đối với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện nay không phải là ngồi bàn xem có làm hay không làm, mà phải làm như thế nào? Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với Chính phủ mới", ông Hiếu nhấn mạnh.

Lý giải cho nhận định này, ông Hiếu cho biết, Việt Nam vẫn là nước đi sau trong xu hướng kinh tế số. Vì vậy, nhận thức, kiến thức của nhiều cán bộ, doanh nghiệp và người dân về kinh tế số, thời cơ và thách thức của nó đối với sự phát triển của đất nước còn chưa đồng đều ở các cấp, các ngành, dẫn tới nhu cầu, kế hoạch và hành động nắm bắt xu thế kinh tế số còn chưa kịp thời, nhanh nhạy. Sự chuyển đổi số ở một số cấp, ngành, địa phương và các doanh nghiệp cũng còn hạn chế.

"Trường hợp của tôi, tôi đi làm giấy lý lịch tư pháp, chỉ cần vào website để điền thông tin tự động nhưng trong bước cuối cùng, người khai vẫn phải in tờ khai và "chạy" lên Bộ tư pháp, Sở tư pháp đứng xếp hàng để xin lý lịch tư pháp. Như vậy có thể nói, chuyển đổi số kinh tế số của Việt Nam còn rất thô sơ và nửa chừng", ông Hiếu dẫn dụ.

"Rất nhiều cuộc họp về chuyển đổi số, kinh tế số nhưng chúng ta mới chỉ dừng lại ở lời nói, kế hoạch cụ thể trong hành động vẫn ở mức sơ khởi. Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính phải đẩy mạnh vấn đề này, làm sao lời nói phải đi đôi với lời nói", ông Hiếu nhấn mạnh.

Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin tuy đã được cải thiện nhanh chóng, nhưng vẫn kém xa nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, việc xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phục vụ phát triển kinh tế số còn rất chậm so với tiến độ cần có, cũng là vấn đề đặt ra đối với Chính phủ nhiệm kỳ mới trong phát triển kinh tế số.

Kinh tế số: Thách thức nằm ở chính sách thúc đẩy của người "dẫn dắt"

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cũng thừa nhận, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ không chỉ là thách thức đối với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, mà đó là thách thức đối với cả xã hội, nền kinh tế.

Thách thức phát triển kinh tế số với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính  - Ảnh 3.

Tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Theo ông Nghĩa, đây là cuộc cách mạng thực sự thay đổi tận rộng rễ các vấn đề về quản lý của nền kinh tế. Từ đó sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và Nhà nước cần giải quyết.

Hiện môi trường pháp lý và thể chế cho phát triển kinh tế số ở nước ta vừa thiếu, vừa nhiều lỗ hổng, chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo.

Ông Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh, không thể nào số hóa nền kinh tế mà luật pháp không thay đổi. Vì vậy, hệ thống luật pháp cũng phải thay đổi.

"Tôi lấy ví dụ, trong hệ thống ngân hàng quy trình cấp tín dụng hiện nay rất chặt chẽ từ hồ sơ, tài sản bảo đảm, quản trị rủi ro,… nhưng những quy đinh này chỉ áp dụng đối với hành vi của con người. Với số hóa, mọi quy trình được tự động, như tìm kiếm khách hàng, phân tích khách hàng và giải ngân. Tất cả diễn ra nhanh và tức thời. Như vậy, tất cả các quy định hiện nay phải thay đổi", ông Nghĩa dẫn dụ.

Ngoài ra, Chính phủ mới cũng phải đối mặt với vấn đề an toàn, bảo mật nếu muốn phát triển kinh tế số. Đó là làm thế nào vừa thúc đẩy phát triển kinh tế số, nhưng vẫn để bảo vệ tự do cá nhân, quyền riêng tư cộng đồng. 

Theo vị chuyên gia này, việc sử dụng dữ liệu lớn trong kinh tế số, đồng nghĩa với việc vi phạm quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Đối với doanh nghiệp, có thể là đánh cắp thông tin của nhau và đối với quốc gia cũng có thể là sự đe dọa về an ninh quốc gia.

Vấn đề cuối cùng nằm ở chính sách thúc đẩy của người "dẫn dắt", ở đây chính là Chính phủ. Chính phủ cần là một bên tham gia "gương mẫu", một người dùng tiến bộ trong nền kinh tế số. Đồng thời, Chính phủ cũng cần phải có những chính sách "tốt" để phát triển các doanh nghiệp số hóa trong nước.

Đơn cử như tại Trung Quốc, Chính phủ quốc gia này không chỉ ban hành chính sách mà còn đóng vai trò nhà đầu tư, sáng tạo và người tiêu dùng trong nỗ lực để hỗ trợ số hóa.

Thực tế, Việt Nam là một trong số quốc gia "không chịu phát triển các công ty số hóa trong nước mà toàn đi thuê nước ngoài". 

Về phía Chính phủ, dù thời gian qua đã có nhiều chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp số hóa phát triển nhưng vẫn chưa đi vào thực tiễn. Điều này đang làm triệt tiêu sự phát triển của các doanh nghiệp số hóa trong nước - theo ông Nghĩa.

Trong khi đó, quy mô của đa số doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, thiếu vốn và trình độ công nghệ thấp. Và khi đa số các doanh nghiệp với quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu từ 2 - 3 thế hệ nếu phải chuyển đổi số với chi phí cao do phải thuê nước ngoài, thì rõ ràng đây là rào cản lớn cho chuyển đổi sang kinh tế số.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem