“Kỳ án” gỗ trắc liên quan cựu tướng Phan Văn Vĩnh: ĐBQH chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao lần thứ 11

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 21/08/2024 17:26 PM (GMT+7)
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21/8, vụ án gỗ trắc ở Quảng Trị tiếp tục được đại biểu Quốc hội chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí.
Bình luận 0

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho hay, theo báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội sáng 21/8, công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp được tăng cường, đội ngũ giám định viên được rà soát, kiện toàn, bảo đảm đủ số lượng, có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Với chất lượng đội ngũ giám định viên nhiều như thế đã đủ sức giúp Viện trưởng trong việc giám định, đánh giá giá trị lô gỗ vật chứng trong vụ gỗ trắc tại Quảng Trị để làm căn cứ giải quyết vụ án vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong việc bán vật chứng đang trong quá trình điều tra mà Viện trưởng đã báo cáo với Quốc hội từ hơn một năm về trước hay chưa? Khi nào thì vụ án này được giải quyết để đảm bảo pháp luật được thực thi?

"Nhân đây tôi cũng xin nhắc lại là vụ án, vụ việc này đã xảy ra gần 13 năm và đã được khởi tố hơn 5 năm", đại biểu Hoàng Đức Thắng cho hay.

“Kỳ án” gỗ trắc liên quan cựu tướng Phan Văn Vĩnh: ĐBQH chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao 11 lần- Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Quốc hội

Trả lời đại biểu Hoàng Quốc Thắng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSND) Lê Minh Trí bày tỏ trân trọng và chia sẻ sự quan tâm, bức xúc của đại biểu Hoàng Đức Thắng về vấn đề này. 

"Tôi cũng có dịp báo cáo một lần nữa để cho đại biểu cũng như là các đồng chí có thông tin thêm về vụ việc", ông Lê Minh Trí nói.

Viện trưởng VKSND Lê Minh Trí cho biết, vụ án này vướng quy định của pháp luật về trách nhiệm phân công giám định chứ không phải tăng cường để đủ điều kiện giám định lô gỗ này.

Do các cơ quan có thẩm quyền định giá đều có văn bản xác định "không thể xác định lô gỗ vật chứng trong vụ án buôn lậu vì vật chứng này không còn" nên không có cơ sở xác định thiệt hại giữa khoảng chênh lệch giá trị thường của lô gỗ tại thời điểm bán với giá trị của lô gỗ mà Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã bán trước đây.

Viện trưởng VKSND Lê Minh Trí nêu rõ, Cơ quan VKSND đã xác định giai đoạn trước đây có hành vi vi phạm pháp luật (là hành vi bán vật chứng), đã có hậu quả nhưng hậu quả này cần được xác định cụ thể thì mới có thể xác định khung phạm tội để truy tố, xét xử. Nếu không có căn cứ này thì chúng ta không làm được.

“Kỳ án” gỗ trắc liên quan cựu tướng Phan Văn Vĩnh: ĐBQH chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao 11 lần- Ảnh 2.

Viện trưởng VKSND Lê Minh Trí trả lời chất vấn chiều 21/8. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, Viện trưởng VKSND cho biết ông rất trăn trở và cho nghiên cứu thì được biết, theo quy định tại Nghị định của Chính phủ, việc thực hiện định giá lần đầu đối với tài sản thuộc các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, liên quan đến nhiều cấp và được dư luận xã hội quan tâm khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Vì vậy, để phục hồi điều tra vụ án này thì yêu cầu định giá lần đầu ở cấp trung ương. 

"Bây giờ tôi báo cáo với Ban Thường vụ Quốc hội xem có ý kiến với Chính phủ chỉ đạo Bộ chuyên ngành định giá lần đầu theo quy định nêu trên. Nếu có kết quả này thì sẽ có căn cứ để xem xét, có còn thời hiệu để truy trách nhiệm của sự hay không. 

Còn nếu không thì cũng xin nói với đại biểu thế này, trước đã sai rồi, bây giờ thì chúng ta phải cẩn trọng và có căn cứ, đúng quy định pháp luật thì mới làm chứ chúng ta không thể làm mà sau đó không truy tố, không xét xử được thì không làm được", ông Lê Minh Trí bộc bạch.

Trước đó, trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nhắc lại "Tôi được hỏi và trả lời lần này lần thứ 10 về vụ án này".

Ông Trí cho biết, đối với "Kỳ án" gỗ trắc, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao hiện nay đang thực hiện biện pháp tố tụng là tạm đình chỉ chứ không phải đình chỉ. Nguyên nhân về thời hạn điều tra có thời hạn nhưng thời hạn giám định thì chưa xác định. Khi có kết quả hoặc có căn cứ pháp luật sẽ phục hồi điều tra trở lại.

Ông cũng khẳng định, thời qua Cơ quan điều tra VKS Tối cao đã làm đúng trách nhiệm của mình và đúng luật pháp.

"Nếu không có hậu quả mà chúng tôi làm khác đi thì lại thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật khác. Chúng tôi chia sẻ, trong vụ án này chúng ta chưa chứng minh được tội phạm, chưa kết luận được, đó là một điều chúng ta cảm thấy băn khoăn về trách nhiệm của mình trong thực thi nhiệm vụ. Thế nhưng không phải chúng ta bất chấp pháp luật để chúng ta kết luận cho bằng được khi mà chứng cứ, quy định pháp luật chưa đủ điều kiện để chúng ta kết luận", ông Trí cho hay.

Liên quan đến "kỳ án" buôn lậu gỗ trắc, vào tháng 9/2019, Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao đã khởi tố ông Phan Văn Vĩnh (ông Phan Văn Vĩnh từng là Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) đang chấp hành án phạt 9 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án đánh bạc trực tuyến chục nghìn tỷ đồng do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu).

Theo Cơ quan điều tra, khi mở rộng vụ án Trương Huy Liệu - Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng và đồng phạm về tội "Buôn lậu" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", cơ quan chức năng phát hiện năm 2013, ông Phan Văn Vĩnh - khi đó đương chức Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an - đã chỉ đạo ra quyết định trái pháp luật trong xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ trắc tang vật của vụ buôn lậu này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem