Loại lá rừng mơn mởn, ăn kéo dài tuổi thọ, trái chín mưng mửng, đồng bào dân tộc Bình Phước nấu món canh lạ

Thanh Phương (Cổng TTĐT Bình Phước) Chủ nhật, ngày 10/09/2023 11:06 AM (GMT+7)
Cây rau nhíp là cây rừng còn có tên gọi khác là cây lá bép, rau bét, rau lá bướm, rau danh, rau gắm. Từ lâu, đồng bào dân tộc thiểu số S'Tiêng, M'Nông ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, trong đó có ở Bình Phước dùng lá nhíp làm rau dạng xào, rau nấu canh với cá suối, nấu lẩu, là nguyên liệu chính nấu món canh thụt...
Bình luận 0

Cây rau nhíp còn có tên gọi khác là cây lá bép, rau bét, rau lá bướm, rau danh, rau gắm. Tên tiếng Anh là paddy oats, gnetum, joint fir, kampong tree, spanish joint fir. Tên khoa học là gnetum gnemon L.  

Loại lá rừng mơn mởn, ăn kéo dài tuổi thọ, trái chín mưng mửng, đồng bào dân tộc Bình Phước nấu món canh lạ - Ảnh 1.

Loại lá rừng mơn mởn, ăn kéo dài tuổi thọ, trái chín mưng mửng, đồng bào dân tộc Bình Phước nấu món canh lạ - Ảnh 2.

Lá và quả cây nhíp-một loại lá rừng, cây rừng được đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước dùng làm rau ăn, có công dụng bồi bổ sức khỏe. Rau nhíp hay còn gọi là lá bép theo Đông y cho rằng có tác dụng kéo dài tuổi thọ...: Ảnh: Kiều Đình Tháp.

Hiện nay, cây lá nhíp được trồng nhiều ở bắc Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam, Indonesia và bán đảo Mã Lai ở độ cao 200 - 900m. 

Ở Việt Nam, rau nhíp phân bố ở một số tỉnh thuộc miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ như: Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Thuận và Côn Đảo.

Cây rau nhíp là loài cây thân gỗ mảnh (thân trườn tiến hóa từ dây leo), kích thước từ nhỏ đến trung bình, thân cao từ 5 - 20m và có nhiều nhánh. 

Lá bép thuộc loại thường xanh, lá đơn mọc đối, không có lá kèm, mép lá nguyên, gân lá lông chim, dài 8 - 20cm và rộng 3 - 10cm; lúc mới mọc có màu đồng, khi trưởng thành có màu lục sẫm và bóng mặt, có mũi nhọn ở chóp, thon dẹp dần ở gốc, gân lá 5-7 cặp dính nhau.

Lá nhíp có hình dạng, kích thước gần giống với lá chôm chôm, lá nhãn. Hoa cây lá bép có cấu tạo hoa nguyên thủy dạng nón, đơn tính khác gốc.  

Quả cây lá bép giống như quả hạch, hình bầu dục, dài 2 - 5cm, có mũi ngắn, lấm tấm lông như nhung, lúc non màu vàng, rồi chuyển dần sang màu đỏ, tới tía khi chín, chỉ có một hạt trong mỗi quả.

 

Loại lá rừng mơn mởn, ăn kéo dài tuổi thọ, trái chín mưng mửng, đồng bào dân tộc Bình Phước nấu món canh lạ - Ảnh 3.

Là nhíp hay còn gọi là lá bép là loại lá rừng làm nguyên liệu nấu món canh thụt của đồng bào các dân tộc thiểu số S'Tiêng, M'Nông sinh sống ở khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên . Ảnh: Kiều Đình Tháp.
Loại lá rừng mơn mởn, ăn kéo dài tuổi thọ, trái chín mưng mửng, đồng bào dân tộc Bình Phước nấu món canh lạ - Ảnh 4.

Với đặc tính thơm ngon, dẻo bùi, giàu chất dinh dưỡng, trong những năm tháng cách mạng kháng chiến, rau nhíp luôn là loại thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày của bộ đội đóng quân tại rừng sâu. 

Theo các nhà nghiên cứu, lá nhíp giàu protein, chất khoáng, vitamin A và vitamin C. Hàm lượng đường trong lá nhíp đạt 0,93%, do vậy khi nấu canh có vị ngọt, đồng thời với hàm lượng đường khử 0,88% giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ nguồn năng lượng này một cách nhanh chóng.

Đã từ rất lâu, người đồng bào dân tộc thiểu số S'Tiêng, M'Nông… ở tỉnh Bình Phước cũng như khu vực Tây Nguyên đã sử dụng lá nhíp làm rau ở dạng xào, nấu canh với cá suối, nấu lẩu, là nguyên liệu chính nấu món canh thụt..., tạo ra những món ăn dân dã nổi tiếng của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. 

Lá nhíp mọc quanh năm, nhưng sau khoảng 5 - 6 trận mưa đầu mùa là thời điểm lá nhíp non và ngon nhất. 

Khi này, đọt mầm lá nhíp bung nở, tươi mát nhất. Đồng bào dân tộc tranh thủ vào rừng hái, đây cũng là lúc lá cho vị ngọt hơn tất cả mọi thời điểm.

Loại lá rừng mơn mởn, ăn kéo dài tuổi thọ, trái chín mưng mửng, đồng bào dân tộc Bình Phước nấu món canh lạ - Ảnh 5.

Đọt mây và thịt heo nướng với than hồng là một trong những món đặc sản của đồng bào các dân tộc thiểu số S'Tiêng, M'Nông… ở tỉnh Bình Phước cũng như khu vực Tây Nguyên.

 Trong bối cảnh rau nhíp rừng ngày càng khan hiếm, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã bắt đầu đưa cây rau nhíp từ rừng về trồng tại vườn nhà. 

Không chỉ có nguồn rau tại chỗ để sử dụng, mà việc trồng tại nhà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con.

 Ngày nay, du khách đến tỉnh Bình Phước thì không thể bỏ qua món rau nhíp, cùng với đặc sản đọt mây nướng hoặc xào, tạo nên thương hiệu “ẩm thực núi rừng” Bình Phước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem