Lạ, dưới chân núi Thiên Nhẫn ở Nghệ An, rõ ràng dân trồng chanh, sao cứ vặt lá chanh đem bán?
Lạ, dưới chân núi Thiên Nhẫn ở Nghệ An, rõ ràng dân trồng chanh, sao cứ vặt lá đem bán, kiếm bộn tiền?
Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Chủ nhật, ngày 23/07/2023 18:50 PM (GMT+7)
Dưới chân núi Thiên Nhẫn ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trồng bạt ngàn cây chanh. Lạ, trồng chanh thì phải bán quả chanh, sao dân ở đây đang vặt lá đem bán? Kỳ thực, dân trồng chanh ở Nam Kim bán cả lá chanh và quả chanh, thế mới có chuyện thu lợi kép...
Trồng cây lấy quả, bất ngờ khi thương lái mua cả lá
Buổi sáng, người dân dưới chân núi Thiên Nhẫn ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dậy sớm ra vườn hái lá chanh để bán. Những năm trở lại đây, người dân trồng cây chanh ở xã Nam Kim không chỉ thu hoạch quả để bán mà lá chanh còn mang lại một nguồn thu lớn vì thương lái thu mua ngay tại vườn.
Người dân xã Nam Kim trồng cây chanh từ những năm 1970. Từ ngày bén rễ trên đất xã Nam Kim, cây chanh rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và chất đất, khí hậu tại đây. Những vườn chanh trĩu quả, mọng nước dần thay thế các loại cây ăn quả khác nhờ vào hiệu quả kinh tế vượt trội.
Qủa chanh được trồng dưới chân núi Thiên Nhẫn luôn mọng nước, vỏ mỏng… vì thế được khách hàng rất ưa chuộng. Những năm trở lại đây, ngoài việc bán quả chanh, thương lái vào tận vườn thu mua lá chanh tươi với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Mới đầu người dân cũng khá bất ngờ khi thương lái hỏi mua lá chanh với số lượng lớn. Những ngày đầu, nhiều gia đình còn không dám hái lá để bán vì sợ ảnh hưởng đến cây và chất lượng quả chanh. Khi người dân hỏi thì thương lái mới cho biết, thu mua lá chanh để làm gia vị trong các công ty thực phẩm, nhà hàng. Lá chanh còn dùng để xông hơi giải cảm, nấu tinh dầu.
Việc hái lá ở một mức độ nhất định cũng không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây chanh và năng suất quả. Vậy là nhiều gia đình hái lá chanh để bán cho thương lái. Cây chanh dưới chân núi Thiên Nhẫn mang lại hiệu quả kép khi vừa cho quả, bán lá cũng ra tiền.
Ông Đặng Quốc Việt (SN 1961, trú tại xóm 4, xã Nam Kim) chia sẻ: Tranh thủ lúc sáng sớm, 3 thành viên trong gia đình ông hái được 7kg lá chanh. Hiện tại, hiện tại thương lái đang thu mua với giá 50.000 đồng/kg. Chỉ tranh thủ một lúc trong buổi sáng, gia đình ông cũng có 350.000 đồng.
Lá chanh hái vào sáng sớm mới thơm và bùi
Trong khi đó, gia đình anh Đặng Văn Hóa (37 tuổi, trú xóm 4, xã Nam Kim) có hơn 200 cây chanh trồng dưới chân núi Thiên Nhẫn. Thời điểm này, chanh đã ra trái nhưng việc thu hoạch lá vẫn diễn ra bình thường vì đây là vụ chanh trái mùa, năng suất thấp nên người dân cũng ít chú trọng.
Theo người dân tại đây, lá chanh được hái vào buổi sáng là thích hợp nhất. Vì thời điểm này không làm tổn thương nhiều cho cây và giữ được hương thơm, vị bùi của lá chanh. Nếu hái vào buổi chiều sẽ khô nước, cây chanh dễ bị tổn thương và khó phục hồi.
Người dân thường hái lá chanh bằng tay hoặc dùng kéo cắt. Trong khi thu hoạch lá chanh, người dân cũng tranh thủ cắt bỏ những cành đã quá già, không còn khả năng sinh trưởng, tạo điều kiện cho những cành mới phát triển.
Bình quân mỗi cây chanh cho thu hoạch 3 - 4kg lá. Lá chanh thu hoạch không được non quá cũng không được quá già. Lá chanh phải đạt ở độ xanh đậm màu, căng mượt, như vậy mới giữ được hương vị thơm, bùi, cay the đặc trưng. Lá chanh sau khi hái được rửa sạch, loại bỏ những lá không đạt yêu cầu như non quá hoặc vàng, để ráo, sấy khô nước, đợi thương lái đến thu mua.
Trồng cây chanh để lấy quả là chính nhưng, việc hái lá bán đã giúp người dân dưới chân núi Thiên Nhẫn có thêm thu nhập. Đặc biệt vào dịp Tết, giá lá chanh lên đến 70.000 đồng/kg.
Ông Phạm Xuân Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An cho biết, trên địa bàn xã có 206 ha trồng cây chanh. Thu nhập chính của bà con phụ thuộc vào loại cây này. Hiện địa phương cùng bà con trên địa bàn học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật để có hướng điều chỉnh cây chanh sinh trưởng và phát triển tốt hơn, tăng năng suất, hiệu quả từ cây chanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.