Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM nói gì về thông tin ông Tất Thành Cang làm việc với cơ quan điều tra?
Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM nói gì về thông tin ông Tất Thành Cang làm việc với cơ quan điều tra?
Thành An
Thứ sáu, ngày 19/06/2020 14:25 PM (GMT+7)
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP.HCM, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã có những trao đổi với phóng viên liên quan đến thông tin ông Tất Thành Cang – nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM.
Ngày 19/6, bên hành lang Quốc hội, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP.HCM, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã có những trao đổi với báo chí liên quan đến thông tin ông Tất Thành Cang – nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, vừa qua ông Tất Thành Cang có sai phạm, sai sót, việc Trung ương xem xét, xử lý đã rõ.
"Tiếp theo, về vấn đề Thủ Thiêm vẫn còn đang xem xét một cách toàn diện. Trong đó, có cả phần liên quan làm rõ trách nhiệm trong việc ký 4 con đường (4 con đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm – PV), hoặc trách nhiệm cá nhân trong vai trò là Phó Chủ tịch trong việc của Khu Tân Thuận, chấp thuận cho việc thoái vốn rồi bán cổ phần…
Đối chiếu theo quy định pháp luật, chỗ nào hợp lý – chỗ nào chưa phù hợp, hoặc cái nào vi phạm nguyên tắc, không có báo cáo ra thảo luận, trình với Ban Thường vụ Thành ủy. Tất cả đang chờ để được xem xét một cách toàn diện" – ông Khuê nói.
Trước câu hỏi về việc ông Tất Thành Cang liên tiếp vắng mặt trong cuộc họp HĐND, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, ông Tất Thành Cang vẫn đang là cán bộ thuộc Thành ủy TP.HCM quản lý, còn vấn đề trách nhiệm của một đại biểu HĐND thì HĐND TP.HCM xem xét.
"Dĩ nhiên, HĐND cũng đang cân nhắc để xử lý thật rõ, thật cụ thể" – ông Khuê nói và cho rằng, khoảng thời gian sau khi ông Tất Thành Cang "do trong quá trình chịu kỷ luật của Trung ương nên có thể tạm thời xin vắng, tránh những cuộc tiếp xúc do vấn đề nhạy cảm. "Quan điểm như thế nào về vấn đề này thì xin phép được "chậm" một chút" – ông Khuê nói.
Trước câu hỏi về việc cơ quan điều tra có đang làm việc với ông Tất Thành Cang những ngày vừa qua không? - ông Khuê nói việc này ông "chưa biết". "Nhưng hiện nay các đối tượng liên quan thì công an đang làm việc. Mới đây đã khởi tố thêm một cán bộ thuộc Văn phòng làm ở bộ phận quản lý vốn, kể cả những người nguyên lãnh đạo của công ty đó đã khởi tố… thông tin trên báo chí là như vậy còn tình tiết như thế nào thì cần phải chờ thêm" – ông Khuê thông tin.
Trước đó, ngày 17/6, báo chí đưa tin, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an TP.HCM thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đỗ Công Hiệp, 47 tuổi, kế toán trưởng Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco); Trần Công Thiện, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (TACONVES). 3 người này bị khởi tố để điều tra hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Đựợc biết, năm 1994, UBND TP.HCM thành lập công ty Sadeco để triển khai dự án khu đô thị mới Nam Sài Gòn, từ đó đến nay doanh nghiệp này phát triển lớn mạnh. Trước giai đoạn cổ phần hoá Sadeco (trước năm 2015) công ty Tân Thuận chiếm đến 74% vốn góp Nhà nước. Khi duyệt đề án tái cơ cấu Sadeco, UBND TP.HCM đã yêu cầu không được giảm vốn góp Nhà nước tại Sadeco.
Tuy nhiên, những người đại diện vốn Nhà nước tại Sadeco sau đó đã biểu quyết tăng vốn điều lệ tại công ty theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, dẫn đến hệ luỵ là công ty Nguyễn Kim chiếm tới 54% vốn điều lệ, nắm quyền chi phối Sadeco.
Trước đó, vào năm 2015 nhóm cổ đông Nhà nước cũng đã bán hơn 5,2 triệu cổ phần tại Sadeco cho một công ty, để rồi công ty này lại bán lại cho công ty Nguyễn Kim.
Đáng nói việc bán cổ phần không đúng quy định, không được thẩm định giá mà chỉ định giá bán. Việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kim trong giai đoạn mà Sadeco không thực sự cần vốn, cụ thể số tiền 360 tỷ đồng mà công ty Nguyễn Kim chi mua cổ phiếu hiện gửi trong một ngân hàng, đến nay chưa sử dụng đến.
Những diễn biến trên cho thấy, Sadeco đã bị công ty tư nhân thâu tóm tinh vi, có một kế hoạch chi tiết. Sự việc này có sự tiếp tay, lợi ích nhóm của nhóm đại diện vốn Nhà nước tại công ty Tân Thuận, công ty Sadeco như ông Tề Trí Dũng, bà Hồ Thị Thanh Phúc…
Đáng nói, vụ việc có sự đồng ý về mặt chủ trương của ông Tất Thành Cang, khi đó giữ cương vị Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM.
Ông Tất Thành Cang lại vắng mặt khi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND
Chiều 15/6, tổ đại biểu đơn vị 11 tổ chức tiếp xúc cử tri Quận 10, trước kỳ họp thứ 20, HĐND TP.HCM khoá IX. Ông Tất Thành Cang, thành viên tổ đại biểu này vắng mặt tại buổi tiếp xúc với lý do bận công việc.
Trước đó ngày 22/11/2019, ông Tất Thành Cang cũng vắng mặt trong buổi tiếp xúc cử tri Quận 10 trước kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 17 với lý do "bận công tác đột xuất".
Liên quan đến ông Tất Thành Cang, trong thông cáo tại kỳ họp thứ 31, Uỷ ban Kiểm tra T.Ư đã chỉ ra nhiều vi phạm về nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc. Trong thời gian giữ cương vị Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2.
"Những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành uỷ, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật" - Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ.
Ông Tất Thành Cang hiện là Thành uỷ viên, Đại biểu HĐND TPHCM khoá IX, giữ chức vụ Phó trưởng Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.