Ninh Thuận: Thanh thất là loài cây gì mà đến dê, cừu cũng không "dám" cắn, phá?
Ninh Thuận: Thanh thất là loài cây gì mà đến dê, cừu cũng không "dám" cắn, phá?
Minh Thương
Thứ năm, ngày 03/09/2020 07:00 AM (GMT+7)
Bén rễ và sinh trưởng tốt sau 5 năm kể từ ngày được Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (Ninh Thuận) trồng thử nghiệm, cây thanh thất đang dần phủ xanh những vùng núi đá khô cằn phía Nam của tỉnh Ninh Thuận.
Triển vọng từ trồng cây thanh thất mở ra cơ hội tăng độ che phủ rừng, góp phần cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Trưởng BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) cho biết, việc phát triển rừng ở lâm phần đơn vị quản lý gặp nhiều khó khăn do những bất lợi về thời tiết, địa hình và thói quen chăn thả gia súc của người dân địa phương.
Nhiều năm trước, được sự đầu tư của UBND tỉnh Ninh Thuận, BQL đã từng trồng các loại cây chịu hạn như neem, phi lao, cóc hành, keo lai, bạch đàn…lên vùng núi đá này nhưng kết quả không được như mong muốn.
Những cây non mới trồng đều bị gia súc cắn phá gây hư hại. Thực trạng này đòi hỏi BQL phải gấp rút chọn loài cây khác phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, khả năng chịu hạn và phòng hộ cao, đặc biệt là không bị gia súc cắn phá để thay thế.
Năm 2015, BQL triển khai trồng thí điểm mô hình cây thanh thất hỗn giao với cây căm liên, cà chí với diện tích 5 ha. Sau một năm theo dõi, trong 3 loại cây đã trồng thí điểm, chỉ còn duy nhất cây thanh thất sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dê, cừu cắn phá.
Cây thanh thất là loài cây bản địa, sinh trưởng nhanh, chịu hạn tốt, mọc ven các khu vực rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Đánh giá cao khả năng thích ứng, phát triển trên vùng núi đá khô hạn của cây thanh thất, năm 2016, bằng nguồn hỗ trợ của Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (Dự án JICA2), BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã đề xuất trồng rừng phòng hộ bằng cây thanh thất, thay cho cây neem đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
Kết quả, từ năm 2016 đến năm 2020, bằng nguồn vốn của Dự án JICA2, BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã trồng được trên 350 ha cây thanh thất. Đến nay, chiều cao cây thanh thất đạt 1,5m.
Với đà phát triển này, chỉ khoảng 10 năm nữa, trên cánh rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận), cây thanh thất sẽ phủ xanh những khu vực vốn trước đây chỉ nhìn thấy đá.
Đánh giá cao hiệu quả mô hình trồng rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam bằng cây thanh thất, đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Đối với khu vực trồng rừng thuộc BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với thời tiết nóng, khô hạn quanh năm, đất nghèo chất dinh dưỡng, xói mòn mạnh, tầng đất mặt mỏng, tỷ lệ đá lẫn cao thì việc trồng thành công cây thanh thất đã góp phần phủ xanh các vùng núi đá.
Việc trồng cây thanh thất còn tạo mạch nước ngầm, tăng độ che phủ rừng, tạo điều kiện cho người dân có thể chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, đồng thời mở ra hướng mới trong việc lựa chọn loài cây triển vọng cho việc phục hồi rừng tại các vùng đồi núi ven biển huyện Thuận Nam.
Trung tuần tháng 6-2020, đoàn công tác do đồng chí Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình bảo vệ, phát triển rừng tại rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam.
Tại đây, đồng chí Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể tỉnh Ninh Thuận và BQL Dự án JICA2. Đồng chí cho rằng, với cây thanh thất, vùng đất khô cằn, khắc nghiệt phía Nam của Ninh Thuận đang được hồi sinh một cách rõ rệt.
Trong thời gian tới, khu vực được phủ xanh sẽ góp phần quan trọng trong cải thiện môi trường, tạo sinh kế cho người dân địa phương và góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Dự kiến trong thời gian tới, BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam sẽ đề xuất với Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận xem xét, cho triển khai trồng cây mãng cầu xen lẫn với diện tích đã trồng rừng phòng hộ bằng loài cây thanh thất với mật độ bình quân khoảng 1.000 cây/ha, chủ yếu trồng bên cạnh các hốc đá, mục đích hướng đến là cho người dân trong vùng được hưởng lợi từ việc thu hái sản phẩm về sau này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.