Bình Định: Trồng loài cây ra hạt bé tí đen sì, 2 tháng trước lo ngay ngáy, nay dân thở phào nhẹ nhõm

Thứ tư, ngày 02/09/2020 14:15 PM (GMT+7)
Những ngày qua, nông dân huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) phấn khởi vì vụ mè năm nay được mùa, được giá. Vụ Hè Thu năm nay huyện Tây Sơn trồng 384,3 ha mè tăng đột biến tới hơn 300 ha so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận 0

Cây mè ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) trồng tập trung chủ yếu ở xã Bình Thuận, nơi có tới hơn 325 ha trồng cây mè.

Bình Định: Trồng loài cây ra hạt bé tí đen sì, 2 tháng trước lo ngay ngáy, nay dân thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 1.

Nông dân huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) phấn khởi vì vụ mè năm nay được mùa, được giá; một số hộ trồng mè còn tự ép dầu mè để thu lợi nhuận khá hơn.

Có sự đột biến này là do mấy năm gần đây, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) tích cực chuyển đổi diện tích đất lúa thiếu nước sang các loại cây trồng cạn tiết kiệm nước tưới. 

Sau nhiều vụ sản xuất thành công, cây mè đã chinh phục được nhiều hộ dân. Cùng với đó, giá mè tương đối cao, lại ổn định nên nhiều hộ chú trọng phát triển cây mè, đặc biệt ở xã Bình Thuận. 

Thông thường sau khi thu hoạch đậu phụng vụ Đông Xuân, nông dân sẽ xuống giống trồng mì. Riêng năm nay, toàn bộ diện tích đất trồng mì và 1 phần diện tích đất trồng lúa thiếu nước được chuyển sang trồng cây mè.

Ông Đặng Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) giải thích: “Cây mè phù hợp với chân đất cát pha của Bình Thuận, giá mè mấy năm gần đây ổn định với mức 40.000 đồng/kg, một vài thời điểm còn tăng lên 55.000 đồng/kg. 

Trồng mì mất 5 tháng mới tới lúc thu hoạch, trong khi thời gian sinh trưởng của cây mè ngắn hơn rất nhiều - chỉ khoảng 75 ngày...".

Theo ông Hiền, quá dễ hiểu vì sao nông dân không trồng mì nữa mà chuyển sang trồng mè. Nhờ chú trọng đầu tư kỹ thuật, phân bón, cấp đủ nước tưới năng suất mè ở đây đạt tới 50kg/sào, tăng 13kg/sào so với cùng kỳ năm ngoái. 

Với giá bán bình quân 45.000 đồng/kg mè hạt, trừ chi phí nông dân lãi khoảng 1,5 triệu đồng/sào. Nếu đem hạt mè ép dầu để bán thì lợi nhuận còn lớn hơn nữa.

Ông Phan Văn Phong ở thôn An Hội, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn (Bình Định) trồng 3 sào mè chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng trồng mè. Tuy nhiên cứ 2 năm trồng mè thì chuyển sang cây trồng khác để cải tạo đất. Vụ này thời tiết thuận lợi nên năng suất mè của tôi đạt tới 75 kg/sào...".

Theo ông Phong, tính ra làm cây mè rất khỏe, thời gian phát triển cây mè ngắn, dễ trồng, công chăm sóc nhẹ, đầu tư ít, việc tiêu thụ ổn định.

Trong những năm qua, cây mè là một trong những cây trồng cạn phù hợp huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đưa vào cơ cấu vận động nông dân chuyển đổi trên các diện tích thiếu nước, đất lúa kém hiệu quả. 

Vì lượng nước sử dụng tưới cho mè thấp hơn so với cây lúa, thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp với kế hoạch chống hạn. 

Dù vậy ở góc độ chuyên gia, ông Trần Văn Lượng, Trưởng phòng NNPTNT huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), cảnh báo: Mè là loại cây trồng làm bạc màu, nghèo dinh dưỡng của đất. Do đó trong quá trình sản xuất, bà con nông dân cần linh hoạt luân canh, chuyển đổi cơ cấu loại cây trồng phù hợp để cải tạo đất, ổn định phát triển cân đối, lâu dài.

Ánh Nguyên (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem