Nếu ĐBQH Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm sẽ thực hiện theo quy trình thế nào?

PVCT Thứ tư, ngày 02/09/2020 12:00 PM (GMT+7)
Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, trường hợp ĐBQH bị xem xét bãi nhiệm thì phải đưa ra Quốc hội quyết định.
Bình luận 0

Liên quan đến trường hợp ĐBQH Phạm Phú Quốc (TP.HCM) có 2 quốc tịch, chiều qua (1/9), UBND TP.HCM, Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin.

Tại buổi họp báo có thông tin đáng chú ý, đó là Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ họp và báo cáo Ban công tác đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bãi nhiệm tư cách ĐBQH của ông Phạm Phú Quốc.

Nếu ĐBQH Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm sẽ thực hiện theo quy trình thế nào? - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Phú Quốc (ảnh báo Sài gòn giải phóng).

Nói về quy trình xử lý, ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho biết: Sau khi Đoàn ĐBQH họp báo cáo Ban Công tác đại biểu và đề xuất hướng xử lý. Trên cơ sở đó, Ban Công tác đại biểu sẽ xem xét và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi xem xét sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

"Theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành", ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho biết.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tính đến nay chưa có ĐBQH nào bị bãi nhiệm. Năm 2016, 2 trường hợp không được công nhận tư cách ĐBQH sau khi trúng cử, trong đó có trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, bà này vi phạm vì có 2 quốc tịch.

Năm 2018, có 2 trường hợp bị mất quyền ĐBQH đó là ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh vì đã bị tuyên bản án có hiệu lực pháp luật. Theo quy định tại điều 39 Luật tổ chức Quốc hội: "ĐBQH bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền ĐBQH, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật".

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, có nhiều trường hợp ĐBQH sau khi bị vướng kỷ luật Đảng như bà Phan Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai), ông Hồ Văn Năm (Đồng Nai), ông Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), ông Lê Đình Nhường (Thái Bình) đã có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi nhiệm vụ ĐBQH.

Trở lại với trường hợp ông Phạm Phú Quốc, ngày 25/8/2020, ông Quốc có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH, đồng thời xin thôi nhiệm vụ tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Riêng việc xử lý về mặt Đảng, thông tin tại buổi họp báo cho hay, tháng 9/2020, tổ chức sẽ làm việc với ông Phạm Phú Quốc, đối chiếu với các quy định của Đảng để xem xét trách nhiệm của người đảng viên.

Trao đổi với PV, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, ông Phạm Phú Quốc là đảng viên diện Thành ủy TP.HCM quản lý. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ vào cuộc làm rõ vấn đề liên quan đến ông Quốc, sau đó báo cáo Thành ủy TP.HCM để quyết định hình thức xử lý kỷ luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem