Ngân hàng Nhà nước “xuất chiêu”: USD bớt “nóng”, thăm dò khả năng tăng của tỷ giá cuối năm
Ngân hàng Nhà nước “xuất chiêu”: USD bớt “nóng”, thăm dò khả năng tăng của tỷ giá cuối năm
Huyền Anh
Thứ hai, ngày 12/09/2022 08:28 AM (GMT+7)
Việc nâng giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước, cùng với động thái mở rộng quy mô bơm tiền qua thị trường mở (OMO), đã giúp hạ nhiệt tỷ giá USD/VND. Các chuyên gia cho rằng, từ nay tới cuối năm diễn biến tỷ giá sẽ biến động ở mức 2-2,5%, tức là chỉ xoay quanh mức như hiện nay.
Trong tháng 8, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng xấp xỉ 0,5% lên 23.451 (ngày 31/8), cao hơn một chút so với mức đỉnh thiết lập vào ngày 20/7. Diễn biến này gắn liền với việc chỉ số đồng USD tiếp tục tăng thêm 2,6% và đồng NDT mất giá ghi nhận mức giá mạnh 2,2% trong tháng.
Trong tháng qua, việc điều tiết cung tiền qua thị trường mở tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Đến cuối tháng, lãi suất cho vay qua đêm đối với tiền đồng đã được kéo lên trên 4% và chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức 2 điểm %, đổi lại chi phí ổn định tỷ giá cũng gia tăng, lãi suất phát hành tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày tăng từ mức 2,6%/năm vào đầu tháng lên 4,0%/năm.
Đồng thời, NHNN cũng đã bán một lượng ngoại tệ tương đối lớn trong tháng 8, cho thấy nhu cầu USD trong hệ thống vẫn cao dù xuất siêu tăng.
Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường bất ngờ tăng vọt.
Đỉnh điểm, trong ngày 7/9 tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng ghi nhận vượt mốc 23.600 VND/USD, cao hơn rất nhiều mức 23.400 VND/USD mà Sở Giao dịch NHNN yết bán ra bình ổn.
Cùng với đó, tỷ giá trung tâm phiên này cũng ghi nhận phiên tăng thứ ba liên tiếp với việc tăng 16 đồng so với phiên liền trước.
Trước những căng thẳng trên, chiều 7/9, NHNN đã quyết định tăng mạnh giá bán ra USD, từ 23.400 VND/USD lên tới 23.700 VND/USD, và bỏ trống giá mua vào. Cùng với động thái mở rộng quy mô bơm tiền qua thị trường mở (OMO), tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đều đã hạ nhiệt rõ rệt.
Tại các ngân hàng thương mại, sau khi tăng mạnh ngay sau động thái điều chỉnh giá bán ra USD của NHNN, tỷ giá nhanh chóng ổn định. Đơn cử như tại Vietcombank, tỷ giá USD (mua tiền mặt – mua chuyển khoản) lần lượt giảm về mức 23.380 VND/USD và 23.410 VND/USD, trong khi giá bán ra là 23.690 VND/USD. So với mức giá chốt vào ngày 7/9, giá mua/bán USD tại Vietcombank đã giảm 50 đồng ở cả 2 chiều mua và bán.
Cập nhật tới sáng nay 12/9, tỷ giá trung tâm tiếp tục giảm 10 đồng so với chốt phiên cuối tuần trước, xuống chỉ còn 23.253 VND/USD.
Không quá bất ngờ đối với động thái nâng giá bán USD của NHNN, song các chuyên gia đánh giá, quyết định này của NHNN chủ yếu do việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp tăng lãi suất trong thời gian qua và dự kiến còn tiếp tục tăng. Điều đó đã hỗ trợ đồng USD tăng giá mạnh, hiện USD Index duy trì quanh 110 điểm, gây nhiều sức ép đối với việc bình ổn tỷ giá USD/VND.
Đặc biệt, mức độ tăng trên nếu so với thực tế biến động của đồng USD trên thị trường quốc tế thời gian gần đây thì không quá lớn. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay giá USD bán ra của Sở giao dịch NHNN tăng gần 2,4% trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng tăng 3-4% so với cuối năm.
Đường đi của tỷ giá những tháng cuối năm
Bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, trong Hội nghị kinh tế Jackson Hole diễn ra trong tháng 8, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed – ông Jerome Powell đã cho biết quan điểm quyết liệt của NHTW này trong việc đối phó với lạm phát và tuyên bố Fed sẽ duy trì việc nâng lãi suất cho tới khi nào lạm phát được kiểm soát. Nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách diễn ra trong tháng 9 này và điều này đã tiếp tục khiến đồng USD lên giá mạnh.
Do đó, áp lực mất giá hiện tại của đồng VND chủ yếu do đồng USD lên giá, trong khi Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất thực còn dương và thặng dư thương mại.
Tuy nhiên, các chuyên gia BVSC vẫn cho rằng, với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, đồng VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế dự báo, nhiều khả năng lạm phát năm nay sẽ ở mức 3,8-4,2%. Với mức lạm phát này, tỷ giá hối đoái sẽ biến động ở mức 2-2,5%, tức là chỉ xoay quanh mức như hiện nay.
Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý các doanh nghiệp nên chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi nhất.
Một số chuyên gia có chung quan điểm cho rằng, với công cụ điều hành linh hoạt cùng nguồn cung ngoại tệ hiện có như dự trữ ngoại hối khá lớn, dòng vốn FDI giải ngân mạnh, kiều hối tăng, cán cân thương mại thặng dư... diễn biến tỷ giá trong tầm kiểm soát của NHNN. Thậm chí, NHNN hoàn toàn có thể chủ động để đồng nội tệ mất đi "một chút" so với USD để phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao, việc tiếp tục giữ ổn định tỷ giá là điều cần thiết để hạn chế nhập khẩu lạm phát, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô.
Trả lời báo chí mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá VND. Nhưng trong quá khứ, Việt Nam đã phải trải qua nhiều giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, ngân hàng đua lãi suất…
Vì vậy, Thống đốc nhấn mạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng nhất để nền kinh tế hồi phục nhanh, bền vững. Đây cũng là lý do NHNN đưa ra nhiều giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ trong thời gian qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.