Bình Dương: Vì sao gần 88% trường hợp nghỉ việc sau khi được cử đi đào tạo thuộc ngành y tế?

Trần Khánh Thứ năm, ngày 20/07/2023 17:26 PM (GMT+7)
Từ năm 2019-2022, Bình Dương có 83 trường hợp nghỉ việc khi chưa phục vụ đủ thời gian quy định sau đào tạo. Trong đó, ngành y tế Bình Dương có 73 người, chiếm gần 88%.
Bình luận 0

Gần 88% trường hợp nghỉ việc thuộc ngành y tế Bình Dương

Tại Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh Bình Dương khóa X ngày 20/7, bà Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả thực hiện các chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương.

Trong đó, trường hợp các cán bộ, công chức, viên chức sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đã nghỉ việc dù chưa phục vụ đủ thời gian theo quy định sau khi tốt nghiệp là vấn đề đáng chú ý, đặt biệt là với ngành y tế Bình Dương.

Yêu cầu thu hút bác sĩ, người có trình độ chuyên môn về công tác tại các cơ sở y tế công lập của tỉnh Bình Dương là rất bức thiết. Ảnh: Trần Khánh

Yêu cầu thu hút bác sĩ, người có trình độ chuyên môn về công tác tại các cơ sở y tế công lập của tỉnh Bình Dương là rất bức thiết. Ảnh: Trần Khánh

Bà Phượng cho biết, hiện nay, hầu hết các cơ quan hành chính của tỉnh đều có nhu cầu bổ sung biên chế để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.

Đối với các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực y tế, tình trạng thiếu y bác sĩ ở các bệnh viện, điều dưỡng, nữ hộ sinh đã tạo áp lực lớn cho công tác khám chữa bệnh.

Từ năm 2019 - 2022, tỉnh Bình Dương thu hút được 3 bác sĩ chuyên khoa cấp I; 74 bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt chính quy; 1 kỹ sư Kỹ thuật Y sinh.

Đại diện HĐND tỉnh đánh giá, quá trình triển khai các chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương còn có một số khó khăn.

Việc thu hút chủ yếu thực hiện ở các đơn vị sự nghiệp y tế có nhu cầu thu hút bác sĩ đa khoa, chuyên khoa. Thế nhưng, số lượng thu hút hàng năm đều thấp hơn so với số lượng theo danh mục thu hút tỉnh ban hành.

Khoa đào tạo ngành điều dưỡng ở Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Khoa đào tạo ngành điều dưỡng ở Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Có một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đã nghỉ việc khi chưa phục vụ đủ thời gian theo quy định sau khi tốt nghiệp.

Cụ thể, từ năm 2019 - 2022, toàn tỉnh có 83 trường hợp nghỉ việc khi chưa phục vụ đủ thời gian quy định sau đào tạo.

Trong đó, ngành y tế Bình Dương có 73 người, Trường Đại học Thủ Dầu Một có 4 người, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 3 người, đơn vị sự nghiệp khác có 2 người, UBND cấp xã có 1 người.

Điểm nghẽn của ngành y tế Bình Dương

Toàn ngành y tế Bình Dương hiện có 10.400 nhân viên y tế. So với mục tiêu của Bộ Y tế (9 bác sĩ và 25 giường bệnh/vạn dân) thì các chỉ tiêu về nhân lực ngành y tế Bình Dương còn thấp.

Y tế công lập Bình Dương chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 43% tổng số nhân lực của ngành. Trong khi đó, khuynh hướng dịch chuyển nguồn nhân lực y tế từ khu vực công chuyển qua khu vực tư ngày càng nhiều. Số lượng bác sĩ tuyển mới chưa đủ bù đắp số bác sĩ nghỉ việc, nghỉ hưu, chuyển công tác.

So với mục tiêu của Bộ Y tế (9 bác sĩ và 25 giường bệnh/vạn dân) thì các chỉ tiêu về nhân lực ngành y tế Bình Dương còn thấp. Ảnh: Trần Khánh

So với mục tiêu của Bộ Y tế (9 bác sĩ và 25 giường bệnh/vạn dân) thì các chỉ tiêu về nhân lực ngành y tế Bình Dương còn thấp. Ảnh: Trần Khánh

Theo HĐND tỉnh, thực tế triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 05/2019 của HĐND tỉnh có phát sinh một số vướng mắc. Một số đơn vị sự nghiệp y tế công lập khi chuyển sang cơ chế tự chủ thì không đủ kinh phí để thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực và cử viên chức, người lao động đi đào tạo, bồi dưỡng.

Theo Nghị quyết số 05, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên do đơn vị tự chi trả. Điều này là phù hợp với các quy định về quản lý đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính.

Khu vực y tế công hiện tại thực hiện tự chủ tài chính, thế nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, dẫn đến giảm nguồn thu.

"Điều này dẫn đến một số hệ lụy như không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến một bộ phận nhân viên y tế bỏ việc", bà Nguyễn Trường Nhật Phượng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem