Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bố mất, chỉ kịp về vuốt mặt rồi lại phải lên đường đi biểu diễn
Nghệ sĩ Trần Nhượng được phong Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015. Ông là một trong hai nghệ sĩ đầu tiên thuộc lực lượng công an được phong danh hiệu cao quý này. Trước lúc về hưu, ông mang hàm Đại tá, từng giữ chức Trưởng đoàn Đoàn kịch Công an.
Chia sẻ với Dân Việt, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng cho biết, ông sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật ở vùng thuần nông của tỉnh Hải Dương. Từ nhỏ, mỗi lần đoàn chèo Nam Sách, đoàn chèo Hải Hưng hay Đoàn kịch Tổng cục Chính trị… về biểu diễn tại quê hương là ông lại khát khao được có một ngày đứng trên sân khấu.
20 tuổi, Trần Nhượng nộp hồ sơ thi tuyển vào Đoàn Ca múa kịch Hải Hưng. Biết tin, gia đình ông hết sức phản đối. Gia đình tìm mọi cách tác động, thậm chí ép Trần Nhượng… lấy vợ hòng để ông rời xa sân khấu nhưng không lay chuyển được ý chí theo nghệ thuật của ông.
Về Đoàn Ca múa nhạc Hải Hưng với vai trò ca sĩ, Trần Nhượng vẫn nhớ như in buổi biểu diễn đầu tiên với ca khúc "Bài ca Trường Sơn" phục vụ Thương - bệnh binh Viện Quân y 7 tại nơi sơ tán Hang Ma, Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương năm 1972… Tuy nhiên, sau đó tự nhận thấy chất giọng của mình không có gì đặc biệt, Trần Nhượng chuyển sang làm diễn viên và những vai diễn đầu tiên như vai sĩ quan Ngụy trong vở kịch ngắn "Bác sĩ Huỳnh" (1973), tiếp theo là vai chính Phú trong vở "Chị Nhàn" (1974)…
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng cũng bén duyên với điện ảnh bằng vai chính Trần Văn Bang trong phim "Vệt sáng ngược" của điện ảnh CAND (1980), vai Bích trong "Ai giận, ai thương" (1981). Sau đó là một loạt vai trong các phim "Đêm hội Long Trì", "Những ngôi sao nhỏ", "Tình yêu và vực thẳm", "Cảnh sát hình sự", "Khi đàn chim trở về"…
Với một chặng đường dài rèn luyện và say mê làm nghệ thuật, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng không thể nhớ hết mình đã có bao nhiêu vai diễn. Tuy nhiên, có một kỷ niệm trong những năm tháng làm nghề mà ông không thể nào quên được.
"Tôi có một kỷ niệm không thể nào quên vì nó gắn bó với cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi. Trong câu chuyện này có cả câu trả lời cho câu hỏi: "Vì sao tôi đam mê sân khấu nhiều đến vậy?".
Mấy chục năm về trước, khi tôi đang đi diễn cách nhà 70km thì nhận được tin bố đang hấp hối. Thời đó, đất nước còn khó khăn nên đường xá đi lại rất vất vả, phương tiện di chuyển khan hiếm lắm. Đoàn kịch đã quyết định dùng chiếc xe tải vẫn thường dùng để chở đạo cụ sân khấu và anh chị em văn công đưa tôi về Hải Dương trước lúc bố mất.
Vừa về đến nhà, nghe tiếng tôi gọi, bố tôi ứa hai hàng nước mắt, nấc lên ba cái rồi trút hơi thở cuối cùng. Mặc dù rất đau đớn nhưng tôi chỉ kịp vuốt mặt cho bố tôi rồi phải leo lên xe quay trở lại điểm diễn để kịp giờ diễn buổi tối. Vì hôm đó tôi đóng vai chính trong vở "Chị Nhàn" nên không thể thay thế được.
Bước ra sân khấu, tôi buộc phải quên chuyện bố mình vừa qua đời để hóa thân vào vai diễn. Nhưng khi bước vào trong cánh gà hai hàng nước mắt lại ứa ra, ướt đẫm cả mặt. Cả buổi diễn hôm đó, tôi cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như thế", Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng chia sẻ với Dân Việt.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng, đối với ông, sân khấu có một "ma lực" rất lớn. Mỗi khi bước lên sân khấu ông như thành một con người khác. Vì thế mà dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách, thăng trầm… nhưng Trần Nhượng vẫn yêu sân khấu đến cháy bỏng.
"Sân khấu có một ma lực kỳ dị lắm! Bước lên sân khấu, người nghệ sĩ sẽ không còn biết mình là ai nữa, chỉ biết là nhân vật đang "nhập" vào mình thôi. Có nhiều hôm tôi ho rũ rượi nhưng khi bước ra sân khấu diễn thì cơn ho tự nhiên tan biến. Hoặc có những hôm người sốt 39 độ mà khi bước ra sân khấu vẫn diễn như mình đang rất khỏe mạnh.
Chính vì thế, sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung mới gắn với tôi cho đến tận bây giờ. Bao nhiêu năm qua, tôi chỉ sống với nghề này chứ không có một nghề tay trái nào khác. Từ sự đam mê và tình yêu với nghệ thuật mà tôi có được nguồn năng lượng bền bỉ để theo nghề tới tận tuổi này.
Tôi từng học nghề đạo diễn truyền hình nhưng chỉ làm khoảng chục phim rồi trở lại với sân khấu vì tôi mê sân khấu quá. Tôi thấy sân khấu chỉ rộng có vài chục mét vuông nhưng cả thế giới nằm trên đó. Người nghệ sĩ ngoài đời chỉ là một con người bình thường nhưng bước lên đó lại biến hóa thành nhiều dạng người khán nhau. Dù đó chỉ là giả nhưng khán giả lại bị cuốn hút không dứt ra được", Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng chia sẻ thêm với Dân Việt.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp nhưng hạnh phúc riêng lại không trọn vẹn. Ông từng trải qua 2 đời vợ và ở tuổi ngoài 70 vẫn sống một mình. Kể từ khi chia tay người vợ thứ 2, sức khỏe của Trần Nhượng nhiều phần sa sút.
Chia sẻ với Dân Việt, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng cho biết, hiện ông đang bị thoát vị đĩa đệm và thoái hóa đốt sống cổ. Nhiều hôm chỉ cần đứng lâu một chút là hai chân tê cứng không bước nổi. Ngoài ra, mỗi khi trái gió trở trời, xương khớp của ông cũng nhức mỏi không chịu nổi. Đó là chưa kể nhiều năm qua, ông phải sống chung với tiểu đường, trào ngược dạ dày, tiền liệt tuyến… Cách đây hai năm, ông cũng vừa phải mổ sỏi mật.
"Bây giờ, mỗi ngày tôi vẫn phải uống thuốc và thỉnh thoảng có ai mách cho thuốc gì tốt thì vẫn cố tìm mua. Tuy nhiên, tình hình vẫn không cải thiện được nhiều. Dẫu vậy, tôi vẫn đam mê sân khấu và vẫn muốn cống hiến hết mình. Nói như các cụ là "cái nghiệp đã vận vào thân" thì chỉ khi nào nhắm mắt xuôi tay mới hết được", Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng bày tỏ.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng thừa nhận: "Có lẽ, từ ngày chia tay người vợ thứ hai, sức khỏe tôi có dấu hiệu giảm sút nhanh hơn. Trước đó, tôi được bà ấy chăm sóc kỹ lưỡng nên béo khỏe, da dẻ căng mọng… Phải thừa nhận là bà ấy chăm sóc chồng con rất tốt. Nếu bà ấy không có tính "điên", không nóng tính… thì sống với bà ấy rất tốt. Bà ấy cũng hỗ trợ rất nhiều cho tôi trong sự nghiệp.
Từ sau khi chia tay người vợ thứ hai tôi sống một mình. Mới đầu thì cũng có nhiều vất vả nhưng bây giờ cũng đã quen dần. Hằng ngày, tôi ăn cơm bình dân ở ngoài quán. Nhưng nói chung là sống một mình nên ăn uống cũng thất thường lắm".
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng có 2 con, con trai đầu là đạo diễn Trần Bình Trọng, con gái là Trần Anh Phương. Cả hai con đều theo nghiệp nghệ thuật của cha. Trần Bình Trọng là đạo diễn của serie "Làng ế vợ", "Đại gia chân đất"… Anh còn là diễn viên trong nhiều phim truyền hình nổi tiếng.
Trần Anh Phương từng đỗ thủ khoa ngành Thiết kế mỹ thuật của Đại học Sân khấu - Điện ảnh, 4 năm học đều có học bổng, tốt nghiệp cũng Thủ khoa. Sức hút làm diễn viên quá lớn so với nghề thiết kế sân khấu nên Anh Phương bỏ ngành học cũ, theo đuổi con đường diễn xuất và có vai đầu tiên ở tuổi 26.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng cho biết, ông từng có mong muốn cùng hai con là Bình Trọng và Anh Phương cùng đứng trên một sân khấu và cuối cùng, ước mơ này đã thành hiện thực vào năm 2023. Dù lựa chọn những hướng đi khác nhau nhưng ba cha con vẫn luôn đồng hành, ủng hộ cho con đường nghệ thuật. Ông là người trân trọng sự tự do và không muốn làm phiền con cái nên luôn muốn sống riêng, không ở chung với con cái. Dẫu vậy, mối liên hệ giữa cha con, ông cháu vẫn khăng khít, bền chặt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.