Những người "mẹ đỡ đầu" mang quân phục

Q. Nguyễn Thứ ba, ngày 08/03/2022 06:15 AM (GMT+7)
Họ là những nữ chiến sĩ công an dũng cảm, gai góc trong "cuộc chiến" phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự nhưng cũng đầy dịu dàng, yêu thương khi nhận làm mẹ đỡ đầu cho các cháu bé có hoàn cảnh khó khăn.
Bình luận 0

Hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mồ côi của Hội LHPN Việt Nam, thời gian qua Hội Phụ nữ Công an nhiều tỉnh, thành đã phát động chung tay thực hiện bằng những việc làm cụ thể.

Theo đó, đối tượng hỗ trợ và nhận đỡ đầu là trẻ em dưới 18 tuổi, mồ côi cha mẹ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi do những nguyên nhân khác.

"Mẹ đỡ đầu" có thể là cá nhân hoặc tập thể (đơn vị, Hội Phụ nữ) nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi bằng 2 cách thức: Trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi tại gia đình, cộng đồng, trung tâm, bệnh viện hoặc gián tiếp thông qua gia đình, người nuôi dưỡng, Chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương" tại các cấp Hội. Có thể nhận đỡ đầu các em đến khi trưởng thành hoặc trong một thời gian nhất định tùy theo điều kiện cá nhân đỡ đầu và nguyện vọng của gia đình.

Những người "Mẹ đỡ đầu" mang quân phục - Ảnh 2.

Theo thượng tá Hoàng Thị Chung, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Thanh Hóa, với phương châm "Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau", Chương trình đặt ra mục tiêu 100% các cấp Hội Phụ nữ Công an tỉnh thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" phù hợp với thực tế tại đơn vị địa phương.

Cũng theo thượng tá Hoàng Thị Chung, khác biệt của Chương trình là không phải huy động bao nhiêu tiền cho các con mà tìm cho các con "mẹ đỡ đầu" hỗ trợ, nuôi dưỡng các con về tài chính, giáo dục sức khỏe, tinh thần… nâng đỡ các con ngay tại cộng đồng và được chăm sóc tại gia đình.

Hiện nay, Ban Thường vụ Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình "Mẹ đỡ đầu" nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đồng thời làm tốt vai trò kết nối "Mẹ đỡ đầu" và các em, tạo điều kiện để các em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ.

Mặc dù hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc triển khai thực hiện Chương trình có nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần "không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau", ngay sau khi triển khai Chương trình, các cấp Hội Phụ nữ và các đơn vị Công an trong tỉnh đã chủ động phối hợp khảo sát, nắm nhu cầu, xác minh hoàn cảnh thực tế và đăng ký với Ban Thường vụ Hội Phụ nữ Công an tỉnh. Đến nay, đã có 100% cấp Hội nhận đỡ đầu ít nhất một trường hợp trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn.

Những người "Mẹ đỡ đầu" mang quân phục - Ảnh 3.

Hội phụ nữ Công an tỉnh Thanh Hóa nhận đỡ đầu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Điển hình như Ban Thường vụ Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhận đỡ đầu 2 trường hợp là cháu Nguyễn Thị Duyên (SN 2009) và cháu Nguyễn Văn Hải (SN 2012) là 2 chị em ruột ở Thôn Yên Tôn Hạ (xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc) mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hiện 2 cháu đang ở với ông bà nội đã trên 90 tuổi và người bác ruột bị thiểu năng trí tuệ. Nguồn thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào nghề đánh cá trên sông bữa có bữa không.

Hay như Hội Phụ nữ Công an huyện Hà Trung đã nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi đối với cháu Dương Văn Dũng (SN 2006 ở thôn Đà Sơn, xã Hà Bắc, huyện Hà Trung) mồ côi cha mẹ, hiện đang ở với ông bà ngoại đã già yếu.

Cũng với tinh thần tương thân tương ái, mới đây, Hội phụ nữ Công an TP.Bắc Giang đã đến thăm hỏi động viên và trao quà nhận đỡ đầu cho cháu Nguyễn Nhi Bình, sinh năm 2011, ở Tổ dân phố Hòa Yên, phường Thọ Xương. Mẹ cháu Bình mất do bị bệnh ung thư từ khi cháu còn nhỏ. Cháu hiện sống với bố và chị gái, bố bị bệnh tim thường xuyên phải đi bệnh viện điều trị, sức khỏe yếu lại phải chăm lo cho các con với số tiền hỗ trợ là 2.400.000đ/1 năm.

Hội phụ nữ Công an TP.Bắc Giang cũng đến thăm hỏi và tặng 1 suất quà trị giá 2.000.000 đồng cho cháu Lã Thị Thu Hà, sinh năm 2007, ở Tổ 3, phường Mỹ Độ mắc bệnh bẩm sinh.

Những phần quà tuy giá trị không lớn nhưng là tình cảm, sự sẻ chia, động viên khích lệ các cháu khắc phục vượt lên khó khăn, thi đua học tập, rèn luyện nhất là trong bối cảnh tình hình tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Những người "Mẹ đỡ đầu" mang quân phục - Ảnh 4.

Hội phụ nữ Công an TP.Bắc Giang đến thăm hỏi, động viên và trao quà nhận đỡ đầu cho cháu Nguyễn Nhi Bình.

Có thể nói, "Mẹ đỡ đầu" là chương trình ý nghĩa, mang yêu thương từ những trái tim ấm áp lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nuôi dưỡng và chăm sóc được nhiều trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, chắp cánh cho các em thêm nghị lực trở thành những công dân có ích.

Hướng đến ngày 8/3, đại tá Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Công an cùng đoàn công tác đã đến thăm và tặng 4 bộ máy vi tính phục vụ công tác cho Công an xã, Trường Tiểu học xã Quảng Nhâm; tặng 200 suất quà là dụng cụ học tập, 30 thùng sữa cho các em học sinh trường tiểu học Quảng Nhâm và các trường tiểu học trên địa bàn huyện A Lưới; trao tặng 1.000 con gà giống cho 10 hộ gia đình chính sách, cựu thanh niên xung phong, nhân dân có đóng góp cho công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã Quảng Nhâm; khánh thành công trình "Nước sạch cho em" tại trường THCS và THPT Hồng Vân, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tổng trị giá gần 200 triệu đồng.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm ngày 112 năm ngày Quốc tế phụ nữ, đoàn đã dành tặng phần quà là những chiếc áo dài cho nữ giáo viên và học sinh trường tiểu học xã Quảng Nhâm trong khuôn khổ hoạt động "Tặng áo dài - Trao yêu thương" của Hội Phụ nữ Bộ Công an.

Cũng trong chương trình, các hoạt động đã tiếp tục được triển khai tại Huyện Sa Muối, tỉnh Salavan và huyện Ka Lưm, tỉnh Sê - Kông. Tại đây, đoàn đã trao tặng 6 bộ máy vi tính, 06 bộ lưu điện cùng 310 suất dụng cụ học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Tổng trị giá 151 triệu đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem