Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 đến từ Bình Dương là tỷ phú trồng bưởi da xanh
Trai làng Bình Dương "liều" chặt vườn cây của bố mẹ để trồng bưởi da xanh là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
Nguyên Vỹ
Thứ tư, ngày 28/09/2022 05:34 AM (GMT+7)
Từ niềm đam mê và chút liều lĩnh, anh Lê Minh Sang là người đã truyền cảm hứng, lan rộng mô hình trồng bưởi da xanh trên khắp địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương). Anh Sang là 1 trong 100 nông dân của cả nước được bình chọn danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Với sản phẩm chủ lực là trái bưởi da xanh, HTX cây ăn quả Tân Mỹ do anh Sang điều hành cũng là một trong những mô hình kinh tế tập thể hiệu quả và điển hình của tỉnh Bình Dương.
Ông Lê Minh Sang - Giám đốc HTX cây ăn quả Tân Mỹ, Bình Dương được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 với mô hình trồng bưởi da xanh là chủ yếu. Thực hiện: Nguyên Vỹ
Từ thanh niên lén chặt vườn cây của mẹ để trồng bưởi da xanh
Nằm nép mình bên dòng sông Đồng Nai, đường vào xã Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) phủ kín một xanh của cây ăn trái, nhiều nhất cây có bưởi. Thế nhưng, cơ duyên cây bưởi sinh sôi trên đất Tân Mỹ, và quá trình HTX Tân Mỹ ra đời là cả hành trình gian nan, không kém phần thú vị.
Anh Sang kể, ngày trước, vùng ấp 2, xã Tân Mỹ vẫn trồng nhiều loại cây công nghiệp như điều, cao su. Gia đình anh cũng làm nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cha anh bị bệnh nặng. Anh Sang học học khóa đào tạo vệ sĩ rồi đi làm bảo vệ để có tiền chăm sóc gia đình.
Năm 2003 là thời điểm anh còn nhớ rất kỹ. Một buổi trưa, anh đang nằm ngủ thì nghe hàng xóm kháo nhau, có người trồng mấy sào bưởi da xanh mà bán được 300 triệu đồng.
Anh bán tín bán nghi bật dậy, chạy thẳng qua nhà hàng xóm. Nhìn thấy thương lái thu mua rồi trả tiền cho chủ vườn, niềm đam mê làm giàu với trái bưởi trong anh bừng dậy.
"Tôi bỏ tiền ra mua cây giống về trồng, cả bưởi da xanh và bưởi đường lá cam. Đến nay vườn bưởi lão đó vẫn còn, được 20 năm tuổi rồi", anh Sang kể.
Quá trình trồng bưởi không đơn giản. Anh Sang nói với mẹ, bưởi con trồng, rồi sẽ có giá vài chục ngàn mỗi trái. Mẹ anh biểu môi: "Người ta bán bưởi ngoài đường hay trước cổng bệnh viện có 5.000 đồng/trái. Mày đừng có sạo!"
Không được nhiều người ủng hộ, anh Sang vẫn không sờn lòng. Lúc này, anh đang trồng khoảng 120 cây bưởi, trên diện tích gần 4.000m2. Ngày ngày, anh vẫn xuống sông múc nước lên tưới từng gốc bưởi. Chỉ đến khi đường điện được kéo về địa phương, công việc mới bớt nhọc nhằn.
Đến khoảng 3 năm sau thì vườn bưởi bắt đầu thu hoạch lứa trái bói đầu tiên. Thương lái vào tận vườn, trả giá 150 triệu đồng. Đây là khoảng tiền lớn với nông dân thời điểm năm 2006.
"Cầm tiền trên tay rồi, mẹ tôi mới tin con mình bán trái bưởi giá vài chục nghìn là có thật", anh Sang kể.
Niềm vui được mùa thôi thúc, anh bắt đầu nghĩ đến chuyện tìm thêm đất trồng. Không có tiền mua đất thì lấy trộm đất của gia đình. Nghĩ là làm, anh lén gọi thêm mấy anh em chặt phá vườn trồng tầm vông của mẹ để trồng bưởi.
Anh dặn mọi người rất kỹ, phải chặt cho thật lẹ chứ để mẹ bắt gặp sẽ bị la rầy và ngăn cản. Thiệt tình, lúc đang chặt hăng say thì mẹ ra thăm vườn. Mẹ anh trầm ngâm hồi lâu rồi nghiêm mặt nói: "Biết trái bưởi có giá như vậy thì nên chặt tầm vông từ sớm".
Anh nghe xong mà như mở cờ trong bụng. Từ đó, nhiều diện tích vườn trồng của gia đình, khoảng hơn 10ha đều được trực chuyển đổi sang trồng bưởi.
Với các vườn trồng ở vùng thấp trũng, anh mượn vàng của người chị mua đất đổ lên. Vốn đầu tư thì nhiều, anh chỉ dám báo con số... ít ít để gia đình không sợ mình thiếu nợ, không cho làm.
Cực nhất là các vườn trồng điều, cao su trên rẫy cao vì đất đai khô cằn, thiếu nguồn nước tưới. Anh phải đưa nước từ dưới hố sâu, đi hàng cây số lên trên rẫy.
"Cứ thế, 10ha đất sau đó đều phủ một màu xanh ngát, bưởi cho trái xum xuê, điều mà không ai nghĩ tôi có thể làm được", anh Sang nói.
... đến giám đốc HTX cây ăn quả Tân Mỹ
Học theo mô hình của anh Sang, nhiều hộ dân ở ấp 2, xã Tân Mỹ cũng bắt đầu trồng bưởi. Cạnh nhà anh có người hàng xóm đang làm nghề trồng rau củ. Anh Sang khuyên người này trồng bưởi xen canh. Trồng rau thì lấy ngắn nuôi dài, còn trồng bưởi thì cho hiệu quả dài lâu.
Hồi đầu, vợ người hàng xóm không chịu. Nhưng cuối năm bán bưởi, lời cao, hiệu quả hơn cả mong đợi. Từ một người, vài người, rồi cả xóm rủ nhau trồng bưởi. Trên địa bàn xã Tân Mỹ, nhất là những vùng ven sông hiện nay gần như nhà nào cũng có một vườn bưởi.
Từ năm 2013, trái bưởi của anh bắt đầu vào siêu thị. Cũng từ thời điểm này, nhà nước có chủ trương mỗi xã phải có một đơn vị kinh tế hợp tác. Anh Sang và nhiều nông hộ xung quanh bắt đầu thành lập tổ hợp tác đầu tiên ở địa phương.
Một mình anh Sang bán bưởi có thể sử dụng giấy chứng nhận hộ nông dân. Nhưng muốn sản phẩm chung của tổ hợp tác, siêu thị đòi anh phải có hóa đơn, mã số thuế. Chính quyền thì lại bảo: Chưa từng nghe đến việc có tổ hợp tác nào lại đi xin cấp giấy phép kinh doanh. Đó là lúc ý tưởng về một hợp tác xã hình thành.
Anh Sang kể, Luật hợp tác xã năm 2012 mới có hiệu lực. Hợp tác xã cũng là mô hình khá mới mẻ. Lúc đầu, nhiều người e ngại, sợ không quản lý được.
Thế nhưng, được chính quyền địa phương hỗ trợ từ thủ tục pháp lý đến phương hướng hoạt động. Năm 2015, HTX cây ăn quả Tân Mỹ chính thức ra đời.
Tính đến nay HTX cây ăn quả Tân Mỹ có 22 thành viên với tổng diện tích 62ha, tổng vốn điều lệ 4 tỷ đồng. HTX đang trồng các loại bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, các loại cam và dưa lưới. Lợi nhuận bình quân của HTX đạt 3,8 tỷ đồng/năm, trên tất cả các sản phẩm.
Tại HTX Tân Mỹ, nguồn vật tư đầu vào giá thấp được phân bổ lại cho các thành viên, không thu lợi nhuận. Trong quá trình chăm sóc, thành viên nào có cách làm hay thì phổ biến ra toàn HTX để mọi người cùng nhau học hỏi.
Cách làm này giúp các thành viên chủ động chăm sóc tốt vườn bưởi của mình, không ỷ lại vào HTX. Tất cả các sản phẩm của HTX đều đạt chứng nhận VietGAP.
"HTX có trách nhiệm thu mua và đảm bảo đầu ra ổn định. Lợi nhuận được phân bố đồng đều cho tất cả các thành viên, hạn chế tình trạng thành viên tranh giành nhau lúc giác cao, hoặc chê bai khi giá thấp", anh Sang chia sẻ.
Dùy trì ngọn lửa đam mê với nông nghiệp
Điều gì khiến anh thấy tâm đắc khi gắn bó với nông nghiệp?
Sau 20 năm trồng bưởi, nhiều lúc ngồi nghĩ, nếu quay lại thời tuổi trẻ, không biết mình có làm được như ngày xưa hay không. Để làm nông nghiệp hiệu quả thì phải có đam mê, và chút liều lĩnh. Niềm đam mê và liều lĩnh đã giúp tôi và HTX vượt qua nhiều trở ngại, đi suốt một chặng đường dài.
Niềm đam mê và liều lĩnh này còn đúng trong bối cảnh nông nghiệp hiện tại hay không?
Đam mê thì lúc nào cũng cần nhưng hiện nay, sự liều lĩnh cần tính toán và đặt đúng chỗ. Ngày trước, HTX chỉ chuyên tâm vào sản xuất nông nghiệp. Bây giờ HTX tập trung vào kinh doanh và mở rộng thị trường.
Để kinh doanh hiệu quả thì khâu sản xuất phải được tổ chức bài bản trở lại, từ cây giống đến thành phẩm cuối cùng. HTX Tân Mỹ đang được Sở NNPTNT hỗ trợ các phần mềm quản lý mới của Nhật Bản, nhằm số hóa dữ liệu toàn bộ quy trình sản xuất cũng như kinh doanh. Đây cũng là điều kiện để HTX tiến tới cung cấp sản phẩm cho thị trường xuất khẩu.
Cây có múi là sản phẩm thế mạnh của Bình Dương. HTX Tân Mỹ có lo ngại diện tích cây có múi tăng nhanh dẫn đến dội hàng?
Cây bưởi da xanh tuy dễ trồng nhưng không phải nơi nào cũng thích hợp và cho ra chất lượng tốt. Cây bưởi nếu không được chăm sóc đầy đủ sẽ rất dễ suy kiệt. Ngay tại địa phương, trước kia, nhiều vườn trồng theo kiểu phong trào hiện đã sụt giảm năng suất.
Cung vượt cầu dẫn đến giảm giá là chuyện khó tránh khỏi. Ngoại trừ những biến cố quá lớn như đại dịch Covid-19, HTX Tân Mỹ vẫn hoạt động theo quy luật thị trường. Thế nhưng khi chúng tôi quản lý tốt và tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận từ cây có múi vẫn cao hơn cây điều, cây cao su.
Bưởi đường lá cam là đặc sản của vùng đất Đồng Nai, và sau này là ở xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên, Bình Dương). Bưởi đường lá cam của HTX Tân Mỹ liệu có sánh bằng?
Vùng đất Tân Triều (huyện Vĩnh Cữu, Đồng Nai), xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) và xã Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) cùng nằm dọc theo dòng uốn mình của sông Đồng Nai.
Nhiều người vẫn nghĩ đặc sản bưởi đường lá cam của Đồng Nai hoặc sau này là ở xã Bạch Đằng. Thế nhưng, ít ai biết rằng để có diện tích lớn tập trung thì phải kể đến HTX Tân Mỹ, với hơn 20ha.
Cả 3 xã cùng được hưởng lợi thế từ nguồn phù sa bồi đắp. Vì thế, bưởi đường lá cam trồng ở Tân Mỹ có chất lượng không thua kém các nơi địa phương khác.
Hơn nữa, tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp phân tích được nhu cầu dinh dưỡng của đất. Bưởi đường lá cam được HTX Tân Mỹ trồng trên diện tích tập trung. Các khâu chăm sóc đều theo một quy trình chuẩn, nhằm cho ra sản lượng và chất lượng đồng đều so với các hộ dân chỉ trồng nhỏ lẻ.
Một lợi thế khác của HTX Tân Mỹ là bưởi đường lá cam chưa có nhiều trên kệ hàng của siêu thị trong và ngoài tỉnh.
"Đã đến thời điểm thích hợp để HTX Tân Mỹ chào hàng trên thị trường cả nước. Đây cũng là bước đi liều lĩnh và có tính toán khi vùng trồng tập trung của HTX đã được chuẩn bị từ nhiều năm qua", anh Sang chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.