Ở Kiên Giang, nông dân trồng thứ cây ra quả gọi là củ, ăn ngọt bùi, bất ngờ cho lãi gấp đôi

Thúy Vy Thứ sáu, ngày 22/12/2023 05:23 AM (GMT+7)
Cứ đến mùa nước nổi, ông Lương Văn Đấu (SN 1980, ngụ ấp Hòa Sơn, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) lại tận dụng ruộng lúa để trồng ấu, tăng thêm nguồn thu nhập. Hàng năm, ông Đấu thu lãi 100 triệu đồng, cao gấp đôi so với việc trồng lúa.
Bình luận 0

6 năm về trước, ông Đấu là người đầu tiên đem giống ấu Đài Loan từ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp về trồng trên quê hương xã Hòa Thuận. 

Ở Kiên Giang, nông dân trồng thứ cây ra quả gọi là củ, ăn ngọt bùi, bất ngờ cho lãi gấp đôi- Ảnh 1.

Ông Lương Văn Đấu (SN 1980, ngụ ấp Hòa Sơn, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) cho biết: Mùa nước nổi là thời điểm lượng phù sa nhiều nên trồng ấu mùa này là tốt nhất, cây sẽ đạt năng suất cao, sai củ. Ảnh: Thúy Vy.

Ban đầu, ông chỉ trồng ấu thử nghiệm trên 1 công đất, nhưng vì chưa nắm vững được kỹ thuật trồng, ông Đấu đã thất bại ở mùa vụ đầu tiên.

Không nản chí mà vẫn kiên trì học hỏi kinh nghiệm, sang đến mùa nước nổi năm sau, ông Đấu đã trồng thành công, cây ấu đạt năng suất cao.

"Củ ấu to, tươi ngon, có vị ngọt bùi nên bà con xung quanh cứ tấm tắc khen và đến hỏi mua liên tục, có ngày thu hoạch gần 100kg mà vẫn không đủ bán" – Ông Đấu phấn khởi chia sẻ.

Với quyết tâm không để đất hoang hóa, sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, ông Đấu lại tất bật dọn 7 công đất, lót phân, tận dụng mùa nước nổi để trồng cây ấu. 

Ông Đấu bộc bạch: "Cây ấu rất dễ trồng, chủ yếu là bón phân đủ liều lượng và phun thuốc phòng ngừa sâu, ốc tấn công lúc cây còn nhỏ. 

Đặc biệt, cây ấu có thời gian trồng ngắn, khoảng gần 3 tháng cho thu hoạch. Mùa nước nổi là thời điểm lượng phù sa nhiều nên trồng ấu mùa này là tốt nhất, cây sẽ đạt năng suất cao, sai củ".

Cây ấu nổi bồng bềnh trên mặt nước như cây lục bình, còn củ ấu thì lớn lên dưới nước, được tán lá xanh phía trên che chở. 

Ở Kiên Giang, nông dân trồng thứ cây ra quả gọi là củ, ăn ngọt bùi, bất ngờ cho lãi gấp đôi- Ảnh 3.

Sau khi thu hoạch, ấu được đưa lên bờ, rửa sạch và phân loại rồi đem bán. Ảnh: Thúy Vy

Khi còn nhỏ, củ ấu bám vào gốc, có màu hồng nhạt. Khoảng 30 ngày là củ ấu lớn, bắt đầu căng mọng, vỏ xanh đen, cứng cáp, nhìn trông giống như hai chiếc sừng trâu, đấy cũng là lúc ấu có thể thu hoạch.

Củ ấu già khi tách lớp vỏ ra sẽ thấy phần thịt ấu trắng nõn, ăn sống thì giòn ngọt như hạt sen. Khi luộc thì củ ấu mềm mịn, ngào ngạt mùi thơm, vị bùi bùi, ngon ngọt.

Giống ấu Đài Loan có chất lượng tốt, thời gian thu hoạch kéo dài. Với hơn 7 công đất trồng ấu, mỗi mùa vụ, ông Đấu thu hoạch được trên 1 tấn ấu tươi. Trung bình mỗi ngày, ông bán từ 80kg đến 100kg ấu. Thương lái vào tận nhà ông thu mua ấu với mức giá từ 9.000 - 15.000 đồng/kg.

Ngoài ra, ông Đấu còn dựng một túp lều nhỏ phía trước ruộng để bán ấu tươi cho bà con gần xa với mức giá 20.000 đồng/kg.

Sau khi trừ đi các chi phí, ông Đấu thu lãi được hơn 100 triệu đồng/năm chỉ từ việc trồng ấu. So với trồng lúa, trồng ấu thu về lợi nhuận cao gấp 2 lần.

Ở Kiên Giang, nông dân trồng thứ cây ra quả gọi là củ, ăn ngọt bùi, bất ngờ cho lãi gấp đôi- Ảnh 5.

So với trồng lúa, trồng ấu thu về lợi nhuận cao gấp 2 lần, ông Lương Văn Đấu, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) tiết lộ. Ảnh: Thúy Vy

Ở Kiên Giang, nông dân trồng thứ cây ra quả gọi là củ, ăn ngọt bùi, bất ngờ cho lãi gấp đôi- Ảnh 6.

Củ ấu già chủ yếu được luộc làm món ăn vặt. Vì chứa nhiều tinh bột, củ ấu còn được dùng chế biến nhiều món ăn như hầm canh, nấu chè, làm bánh hoặc làm thuốc. Ảnh: Thúy Vy

Từ thành công mô hình trồng ấu vào mùa nước nổi của gia đình ông Đấu. Nhiều hộ dân đã đến nhà ông để mua giống, học hỏi cách trồng, ông Đấu cũng rất nhiệt tình hỗ trợ triển khai kỹ thuật cho bà con.

Trong những năm gần đây, cây ấu được nhiều hộ gia đình tại xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đầu tư trồng và mang lại thu nhập cao cho người nông dân vùng này. Tầm cuối năm là mùa ấu chín, thời điểm này, người dân bắt đầu xuống đồng thu hoạch ấu đem bán.

Ông Lê Trường Thọ - Bí thư Đoàn xã Hòa Thuận, cho biết: "Từ mô hình trồng ấu mùa nước nổi của ông Đấu, hiện nay trong xã đã có hơn 5 hộ dân học hỏi làm theo và đang hưởng lợi. 

Xã Hòa Thuận đã và đang tiếp tục nhân rộng mô hình ra khắp địa bàn xã nhằm tránh bỏ hoang đất ruộng mùa nước nổi, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Trong thời gian sắp tới, chính quyền xã Hòa Thuận sẽ tích cực tham mưu và tạo điều kiện thuận lợi cho ông Đấu trong quá trình đăng ký củ ấu tươi trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Giồng Riềng. Điều này nhằm mục tiêu khẳng định và nâng cao giá trị của cây ấu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem