Ôm một loạt đất vàng Hà Nội, Hanel làm ăn thế nào trước thềm "thoái vốn nhà nước"?

Quang Dân Thứ tư, ngày 02/12/2020 14:24 PM (GMT+7)
Năm 2020, HĐQT Hanel đề ra kế hoạch tổng doanh thu đạt 490,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (không bao gồm lợi nhuận khoản thu từ Cuba) là 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và giảm 65,6% so với thực hiện năm 2019.
Bình luận 0

Chưa xác định được thời điểm thoái vốn

Đầu năm 2016, thị trường chứng khoán xôn xao với thương vụ cổ phần hóa Công ty TNHH Hanel - một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Hà Nội.

Được biết, quá trình cổ phần hóa Hanel đã được UBND TP. Hà Nội khởi động và chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2014. Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của Hanel sau cổ phần hóa là 1.926 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước giảm về 29%, bán cho cổ đông chiến lược 61%, bán cho người lao động 0,06% và đấu giá ra công chúng 9,94%.

Tuy nhiên, tại phiên chào bán IPO, chỉ một phần rất nhỏ số lượng cổ phiếu chào bán công khai được mua với giá ngang mệnh giá là 10.000/cổ phần.

Bên cạnh đó, 2 nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt trước đó là Công ty Cổ phần Công nghiệp Tiến Việt (dự kiến mua 36%) và Công ty Sebrina Holdings của Singapore (dự kiến mua 25%) cũng không thu xếp được nguồn vốn để thực hiện cam kết mua cổ phần.

Tiếp đó, vào ngày 10/5/2016 Hanel chào bán thêm hơn 117,48 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, nhưng kết quả lại “ế” nặng, với việc không có bất kỳ cổ phiếu nào được mua.

Vì vậy, mặc dù đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, song Nhà nước vẫn đang sở hữu tới 98% vốn điều lệ tại Hanel.

Đáng chú ý, dù Công ty cổ phần Hanel được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước theo hình thức đấu giá tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vào ngày 20/4/2016.

Tuy nhiên, đến 31/12/2019, sau một thời gian làm thủ tục, Hanel mới được Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chấp thuận đăng ký giao dịch. Do đó, Hanel bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 300 triệu đồng do đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng.

Công ty Cổ phần Hanel làm ăn thế nào trong giai đoạn chờ "thoái vốn nhà nước" - Ảnh 1.

Công ty Cổ phần Hanel chưa xác định được thời điểm thoái vốn

Bên cạnh đó, vì UBND TP. Hà Nội đang nắm giữ đến 97,93% vốn, xấp xỉ 1.890 tỷ đồng của Hanel, nên doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện thoái vốn nhà nước theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/6/2020.

Theo lộ trình, UBND TP. Hà Nội đáng lẽ đã thoái vốn từ 2018. Mặc dù đã rất cố gắng tuy nhiên Công ty vẫn đang gặp nhiều vướng mắc do các quy định của Nhà nước. Điều này nằm ngoài khả năng kiểm soát của công ty nên công ty chưa xác định được thời điểm thoái vốn thành công.

Đến năm 2019, công tác thoái vốn nhà nước tại Hanel vẫn tiếp tục gặp một số vướng mắc, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết xong.

Theo ông Nguyễn Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT, việc chưa thoái vốn nhà nước ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án của Công ty. Đặc biệt, việc triển khai các chủ trương lớn của Hanel vẫn phải thông qua phê duyệt của UBND TP. Hà Nội (trước khi người đại diện vốn nhà nước biểu quyết tại cuộc họp HĐQT, ĐHĐCĐ) khiến tiến độ triển khai các dự án cũng như hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp bị hạn chế.

Trong năm 2020, Hanel sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện công tác thoái vốn Nhà nước, báo cáo UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để việc triển khai thoái vốn được hiệu quả.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về đối tác chiến lược mua lại phần vốn của UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Hanel cho biết, công ty cũng đã có một số cổ đông chiến lược, song công tác thoái vốn vẫn chưa thực hiện được.

"Khi xác định được giá khởi điểm cổ phần, Hanel sẽ thực hiện chào bán cổ phần công khai để các nhà đầu tư trong và ngoài nước căn cứ vào đó để đầu tư vào Hanel", ông Vinh thông tin.

Kinh doanh trồi sụt

Đáng chú ý, kể từ khi cổ phần hóa tình hình kinh doanh của Hanel khá trồi sụt.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 (cho kỳ hoạt động từ 28/6/2017 đến 31/12/2017), doanh thu của công ty đạt 723 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn sản phẩm chiếm khá cao, nên công ty chỉ lãi gộp 69 tỷ đồng.

Nguồn lợi nhuận trước thuế lên đến 120 tỷ đồng trong năm của Hanel phụ thuộc nhiều vào lãi tiền gửi, lãi phải thu của đối tác bên phía Cuba (52 tỷ đồng) và lãi từ đầu tư vào công ty liên kết là 100 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Hanel làm ăn thế nào trong giai đoạn chờ "thoái vốn nhà nước" - Ảnh 2.

Công ty Cổ phần Hanel có tình hình kinh doanh trồi sụt

Năm 2018, trong khi doanh thu lên đến 1.071 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của Hanel chỉ đứng ở mức dưới 10%, đạt 91 tỷ đồng.

Khác với năm trước, ngoài doanh thu tài chính (85,5 tỷ đồng) và lãi từ đầu tư vào công ty liên kết là 109 tỷ đồng, công ty có thêm khoản thu từ đối tác Grupo De La Electrónica - Cộng hòa Cuba lên đến 153 tỷ đồng.

Kết quả lợi nhuận trước thuế tăng đột biến lên 273 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với 2018. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu tâm là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã đảo chiều thành âm 106 tỷ đồng.

Năm 2019, Hanel ghi nhận doanh thu đạt 845 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 152 tỷ đồng, giảm lần lượt 21% và 45% so với năm trước đó.

Sự sụt giảm này là do công ty thiếu hụt khoản doanh thu tài chính và thu nhập khác, bên cạnh đó, ban lãnh đạo Hanel cho biết công ty chịu ảnh hưởng từ tình hình khó khăn chung của cả thị trường trong nước, cũng như quốc tế, khiến doanh thu giảm sút.

Năm 2020, HĐQT Hanel đề ra kế hoạch tổng doanh thu đạt 490,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (không bao gồm lợi nhuận khoản thu từ Cuba) là 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và giảm 65,6% so với thực hiện năm 2019.

Theo Hanel, trong năm 2020, công ty dự kiến nộp bổ sung tiền thuê đất và chậm nộp tại Khu công nghiệp Sài Đồng B cho các năm 2018, 2019, 2020 khoảng 30 tỷ đồng, tương ứng làm giảm lợi nhuận so với kế hoạch trong trường hợp sản xuất kinh doanh bình thường như mọi năm.

Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực khách sạn, sản xuất, dịch vụ cho thuê văn phòng, phát triển các dự án bất động sản…. Đây là những lĩnh vực hoạt động chính và mang lại nguồn thu cho Hanel nên sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận năm 2020. Dự kiến giảm lợi nhuận ít nhất 10 tỷ đồng do ảnh hưởng cuả dịch bệnh.

Bà Bùi Thị Hải Yến, Tổng giám đốc Hanel, chia sẻ, hiện nay các công ty thành viên và bản thân công ty mẹ chưa dự đoán được thiệt hại sẽ lớn đến đâu nếu tình hình dịch bệnh kéo dài. Dịch bệnh làm doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí trong những tháng đầu năm các doanh nghiệp liên doanh, các công ty con và công ty ty liên kết đều lỗ do hầu như chỉ phát sinh chi phí duy trì bộ máy và trả lương cho người lao động.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem