Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mô hình nuôi dúi của ông Triệu Tài Ngân (xã Hòa Bình, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được nhiều nông dân đến tham quan.tỉnh
Chia sẻ về mô hình nuôi dúi của mình, ông Triệu Tài Ngân (xã Hòa Bình, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, ông bén duyên với con dúi từ năm 2021, khi được một người bạn ở Tuyên Quang giới thiệu và gửi một cặp dúi nuôi thử. Thấy cặp dúi phát triển tốt và lớn nhanh, ông mạnh dạn mua thêm dúi về để nhân đàn.
Ông Ngân cho biết, hiện ông chủ yếu nuôi dúi Mốc Đại có nguồn gốc từ Phú Thọ và mới nuôi thử thêm 6 cặp dúi Má Đào có nguồn gốc từ Thái Lan.
Theo ông Ngân, dúi Mốc Đại có bộ lông thô màu mốc, mình tròn trịa, đôi mắt nhỏ, đôi tai nhỏ, bốn chân ngắn với móng vuốt sắc nhọn. Khi trưởng thành, dúi Mốc Đại nặng trung bình khoảng 3kg/con.
Trong khi đó, dúi Má Đào Thái Lan là loài dúi có hình dáng cơ thể lớn, cân nặng lớn hơn so với loài dúi Mốc Đại. Dúi Má Đào có hai má màu hồng hồng hoặc vàng vàng, khá mũm mĩm. Loài dúi Má Đào Thái Lan có thể nặng trung bình từ 4 - 4,5kg khi trưởng thành, thậm chí có con nặng đến 5-6kg/con.
Nhìn những con dúi gặm tre sột soạt, ông Ngân cho biết, so với các loại vật nuôi khác, dúi có sức đề kháng tốt nên ít bị bệnh. Thức ăn của dúi rất dễ kiếm trong tự nhiên và giá thành lại rất rẻ, chủ yếu là tre nứa.
"Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi, không nên cho dúi ăn những cây tre quá non khiến dúi bị tiêu chảy, nên cho dúi ăn tre từ 1-3 năm tuổi. Ngoài tre, tôi còn cho dúi ăn mía, bông chít, sắn... Đối với mía, cần cạo sạch vỏ mía trước khi cho ăn và chỉ cho ăn một khúc khoảng 5cm, không nên cho dúi ăn quá nhiều mía" - ông Ngân chia sẻ.
Về địa điểm nuôi dúi, ông Ngân chia sẻ nên nuôi dúi ở nơi yên tĩnh, ít người qua lại. Đặc biệt khi dúi sinh sản, nên tránh làm dúi mẹ giật mình, hạn chế xem chuồng dúi để tránh gây tiếng ồn. Bên cạnh đó, cần tránh cho người lạ tiếp xúc dúi con vì sẽ để lại mùi, dúi mẹ có thể sẽ cắn chết dúi con.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dúi của mình, ông Ngân cho biết, chuồng dúi thiết kế đơn giản, được xây bằng gạch men, không tốn nhiều diện tích. Tuy nhiên chuồng dúi cần tránh ánh sáng trực tiếp, khô ráo, không ẩm ướt. Dúi ở khá sạch và không có mùi hôi, nhưng người nuôi vẫn cần thường xuyên quét dọn, xử lý phân thải và thức ăn cũ thừa, vệ sinh chuồng trại nuôi dúi sạch sẽ.
Nuôi dúi không khó nhưng phải đặc biệt chú ý đến nhiệt độ, do đó ông Ngân lắp đồng hồ đo nhiệt độ trong chuồng nuôi dúi. Để đảm bảo chuồng nuôi dúi luôn thoáng mát vào mùa hè, ngoài xây chuồng cao ráo, ông Ngân còn đầu tư thêm hệ thống quạt trần, tấm cách nhiệt. Về mùa đông, ông lắp thêm bóng sưởi, che chắn chuồng kín để tránh gió lùa vào chuồng nuôi, gây giảm nhiệt độ đột ngột.
Mỗi năm, dúi Mốc Đại sinh sản khoảng 3 lứa, mỗi lứa đẻ 2-3 con. Dúi Mốc Đại thương phẩm nuôi từ 8 tháng trở lên đã có thể xuất chuồng, tuy nhiên theo ông Ngân, nên nuôi dúi đến 1 năm tuổi mới xuất bán bởi nuôi càng lâu, thịt dúi càng thơm ngon, săn chắc hơn.
Sau hơn hai năm nuôi dúi, từ những 15 cặp dúi giống ban đầu, đến nay, ông có khoảng 30 cặp dúi bố mẹ và hơn 100 dúi con. Vừa qua, ông đã xuất bán hơn 20 cặp dúi giống và nhiều dúi thương phẩm.
Dúi có da dày, thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn như thịt dúi xào xả ớt, thịt dúi giả cầy, thịt dúi xào lăn, thịt dúi hấp bia... nên được các nhà hàng, quán ăn đặc sản thu mua với giá cao.
"Hiện nay, tôi đang bán dúi Mốc Đại thương phẩm với giá từ 700.000 - 750.000 đồng/kg và bán dúi Mốc Đại giống với giá khoảng 3 triệu đồng/đôi. Các nhà hàng gọi hỏi suốt ngày, nhưng không có mà bán" - ông Ngân nói.
Chia sẻ về dự định sắp tới, ông Ngân cho biết sắp tới ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích chuồng trại cùng với đó là tăng số lượng đàn dúi để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi dúi cho những ai có nhu cầu, nhằm giúp bà con có thu nhập ổn định hơn.
Dù mới nuôi dúi được 2 năm, nhưng mô hình nuôi dúi của ông Ngân đã trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều nông dân đã, đang hoặc mong muốn phát triển mô hình nuôi dúi thương phẩm. Ông Ngân cũng sẵn sàng cung cấp dúi giống cho các hộ nông dân đến tham quan, học tập nếu họ có nhu cầu.
Tham quan mô hình nuôi dúi của ông Triệu Tài Ngân, chị Đỗ Thị Chính (thôn Hải Tiến, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ, gia đình chị bắt đầu nuôi dúi từ tháng 11/2022 với hai loại dúi Mốc Đại và Má Đào, số lượng hơn chục cặp. Khi tham gia tham quan ở đây, chị có thể tham khảo, học hỏi thêm một số kinh nghiệm nuôi dúi từ ông Ngân.
"Trước đây tôi đã nuôi lợn, trâu bò,... và hiện tại đang có ý định nuôi dúi. Khi tham quan mô hình nuôi dúi của ông Ngân, tôi thấy mô hình rất khả quan vì con dúi dễ nuôi, thức ăn lại dễ kiếm. Trong thời gian tới, tôi sẽ tận dụng và sửa sang lại chuồng trại cũ để nuôi dúi" - anh Nguyễn Hữu Hưng (thôn Hải Tiến, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) cho hay.
Ông Vũ Văn Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đánh giá, mô hình nuôi dúi của ông Triệu Tài Ngân là mô hình mới, nhưng khá phù hợp với điều kiện của địa phương. Giá trị kinh tế từ nuôi dúi mang lại lớn, chi phí chăm sóc không nhiều, lại không gây ô nhiễm môi trường nên thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân nhân rộng mô hình.
Đồng thời, Hội Nông dân xã cũng sẽ tích cực tạo điều kiện giúp các hộ dân có nhu cầu được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, Hội sẽ phối hợp UBND xã, các ban, ngành để tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật giúp bà con phát triển mô hình hiệu quả, nâng cao thu nhập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.