Phạt báo chí - thẩm quyền chồng chéo

Thứ ba, ngày 31/12/2013 06:32 AM (GMT+7)
Hiện tại có rất nhiều nghị định trong nhiều lĩnh vực đưa ra những quy định để nhiều cơ quan khác ngoài ngành dọc (thông tin – truyền thông) có thể xử phạt đối với báo chí.
Bình luận 0
Điều này không chỉ gây ra nỗi lo lắng trong báo giới mà còn khiến dư luận không ít băn khoăn, nghi ngại.

Chồng chéo ngăn cản sự phát triển


Trao đổi với NTNN về vấn đề này, luật sư Triệu Dũng – Văn phòng Luật sư Triệu Dũng và cộng sự cho rằng: “Việc các bộ ngành khi làm luật phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để kiểm tra, rà soát văn bản hiện nay được thực hiện khá lỏng lẻo. Vậy nên mới có chuyện rất vui là giờ chủ tịch xã cũng có quyền phạt báo chí như báo đã đưa tin”.

Luật sư Dũng đưa ra ví dụ: “Hành vi không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; đăng, phát thông tin sai sự thật bị xử phạt còn dễ hiểu. Nhưng thế nào là đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống thì về mặt pháp lý, nếu không phải cơ quan chuyên môn, rất khó kết luận chính xác được! Cho nên, nếu cứ để thẩm quyền chồng chéo nhau như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của báo chí. Ngoài ra, điều này còn vi phạm quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật”.

Hiện có rất nhiều quy định xử phạt báo chí khi thông tin sai, không trích dẫn nguồn... (ảnh minh họa).
Hiện có rất nhiều quy định xử phạt báo chí khi thông tin sai, không trích dẫn nguồn... (ảnh minh họa).

Còn luật sư Vũ Văn Thiệu - Công ty Luật Hợp danh INCIP đánh giá: Khi không tìm được công cụ quản lý hữu hiệu với lực lượng báo chí trong thời đại thông tin đang bùng nổ như hiện nay, việc có nhiều cơ quan chức năng được phép xử phạt báo chí âu cũng là điều dễ hiểu.

Một nguyên nhân nữa cũng không thể loại trừ là do trình độ lập pháp của chúng ta khi ban hành một văn bản chưa rà soát lại các văn bản liên quan để ban hành một văn bản cho phù hợp về pháp chế và thực tiễn. Việc làm trên ảnh hưởng sẽ dẫn tới hậu quả là sự tùy tiện khi xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí. Cụ thể, nhiều cơ quan xử phạt và các cán bộ công chức trực tiếp thực thi việc xử phạt không có kiến thức về báo chí thì không thể đánh giá hành vi nào đó là đúng hay sai.

Ai cũng “vơ vào”

Về tình trạng này, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh nhận định, đây là một thực trạng hết sức đáng buồn của các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam. Vấn đề này không phải đến nay mới xảy ra và cũng không phải chỉ xảy ra trong lĩnh vực báo chí.

Mỗi bộ, cơ quan ngang bộ khi tham mưu cho Chính phủ xây dựng nghị định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực mình quản lý thì đều “vơ vào” tất cả những hành vi được cho là xâm phạm đến hoạt động quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ đó. Từ đó họ đưa ra các chế định phạt khác nhau, tạo nên sự hỗn độn, chồng chéo, lạm quyền và có thể kết luận đây chính là những hành vi vi phạm nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bởi tại khoản 1, Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật”.

Bên cạnh đó, tại khoản 3, Điều 1, Nghị định 159 cũng đã quy định: “Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động báo chí, xuất bản không quy định tại nghị định này mà quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác thì áp dụng các quy định đó để xử phạt”.

Như vậy, trên thực tế thì có rất nhiều các văn bản pháp luật quy định về việc xử phạt đối với hoạt động báo chí. Tuy nhiên, sau thời điểm ngày 1.1.2014 - khi mà Nghị định số159/2013 có hiệu lực thì gần như chỉ áp dụng Nghị định 159 để điều chỉnh và xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động báo chí mà thôi.

Nhà báo Lê Duy Phong – phóng viên Báo Kinh tế Nông thôn: Ảnh hưởng đến đấu tranh


Từ ngày 1.1.2014, Nghị định 159/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, trước đấy và hiện nay có rất nhiều bộ, ban, ngành ban hành các quy định về xử phạt hành chính đối với hoạt động báo chí. Việc này gây nên sự chồng chéo trong xử phạt, nếu rà soát lại thì hầu hết các cơ quan đều có quyền xử phạt báo chí.


Báo chí đang ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng và giám sát xã hội. Nếu cơ quan nào cũng có thể xử phạt báo chí thì sẽ ảnh hưởng và giảm sút chức năng vốn có của báo chí. Ví dụ, mới đây 2 cộng tác viên của Tạp chí Giáo dục Xã hội gây sức ép để ký hợp đồng quảng cáo tại Hà Tĩnh, việc này chưa đến mức hình sự thì phải kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước về báo chí xử phạt nhưng Công an huyện Nghi Xuân lại tiến hành xử phạt hành chính.


Trong quá trình tác nghiệp thực tế, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp thỉnh thoảng gặp các trường hợp bị một số cơ quan lập biên bản... Việc này không chỉ cản trở báo chí mà còn khiến công chúng giảm sút niềm tin vào báo chí. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là Bộ Thông tin và Truyền thông cần kiến nghị Chính phủ rà soát lại các văn bản xử phạt báo chí của các bộ, ban ngành khác, huỷ hoặc sửa đổi để thống nhất quản lý...

Nhà báo Nguyễn dũng -phóng viên báo điện tử VTC News:Một số quy định thiếu thực tế


Hiện tại có rất nhiều nghị định, quy định xử phạt báo chí, đến các địa phương họ cũng không hiểu thẩm quyền xử phạt của mình đối với báo chí như thế nào. Nhưng thực chất nhiều lúc báo chí thông tin đúng sai thế nào họ còn không biết, huống gì nói xử phạt. Theo tôi, một số nghị định xử phạt ngoài việc trái thẩm quyền thì nó không thể áp dụng trong thực tế. Người ta hay nói đến việc ngồi phòng máy lạnh làm luật để nói đến những quy định, điều luật xa rời thực tiễn. Tôi nghĩ một số nghị định cũng ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Thắng Quang (ghi)


Quyết Thắng (Quyết Thắng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem