Phát huy sức mạnh của mô hình kinh tế tập thể tại TP.HCM

Quang Sung Thứ ba, ngày 21/05/2024 09:48 AM (GMT+7)
Nhiều tổ hợp tác chưa phát huy được sức mạnh của tổ viên và sức mạnh của kinh tế tập thể. Do đó, trong thời gian tới, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể.
Bình luận 0

Tính đến hết năm 2023, TP.HCM có 606 hợp tác xã (HTX) và 9 liên hiệp HTX đang hoạt động. Trong năm 2022 và 2023, có 68 HTX và 1 liên hiệp HTX mới thành lập. Số lượng HTX ngừng hoạt động là 188 HTX, chiếm tỷ lệ 24%, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022 (176 HTX).

Tổng số tổ hợp tác (THT) năm 2023 là 2.800. Hoạt động của THT chủ yếu ở mức độ câu lạc bộ khuyến nông (học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất), chưa phát huy được sức mạnh của từng tổ viên và sức mạnh của kinh tế tập thể, do đó, số lượng THT nâng cấp thành lập HTX chỉ thực hiện ở lĩnh vực nông nghiệp.

Phát huy sức mạnh của mô hình kinh tế tập thể tại TP.HCM- Ảnh 1.

Phát huy sức mạnh của mô hình kinh tế tập thể tại TP.HCM, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Q.S

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX, thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp sở ban ngành UBND TP.Thủ Đức và quận huyện có nhiều văn bản gửi UBND thành phố xem xét trình HĐND thành phố về việc xây dựng Nghị quyết quy định các chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, HTX ở TP.HCM.

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp với sở ban ngành và cơ quan liên quan tham mưu trình HĐND thành phố xem xét, ban hành Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên và hỗ trợ lương cho lao động trẻ; nguồn ngân sách triển khai chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2024-2025 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó dự kiến giai đoạn 2024-2025, ngân sách thành phố bố trí hơn 230 tỷ đồng.

Tại huyện Bình Chánh, các hiệp hội, đoàn thể trên địa bàn huyện triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tập thể và vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể với phương châm “công tác tuyên truyền vận động có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể theo hướng chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả và bền vững”.

UBND huyện Bình Chánh đã chỉ đạo Phòng Kinh tế hướng dẫn, hỗ trợ HTX Phước An, HTX chăn nuôi dê Đa Phước, HTX Đại Thành Công ký kết hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định.

Phát huy sức mạnh của mô hình kinh tế tập thể tại TP.HCM- Ảnh 3.

Chăn nuôi dê lấy sữa tại HTX chăn nuôi dê Đa Phước. Ảnh: L.G

UBND huyện Bình Chánh giới thiệu HTX Hoa lan Việt tham gia xét chọn giải thưởng Thương hiệu Vàng nông nghiệp TP.HCM với các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng của ngành nông nghiệp thành phố. Bên cạnh đó còn triển khai thông tin và hỗ trợ HTX Hoa lan Việt, Hoa lan Đa Phước, HTX nuôi dê xã Đa Phước tham gia hoạt động trưng bày triển lãm tại các hội chợ, hội nghị... để quảng bá, giới thiệu, mua bán sản phẩm và kết nối giao thương.

Tại huyện Hóc Môn, UBND huyện đã hỗ trợ các HTX xã tham gia hiệu quả vào Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của huyện, thành phố. Trong 2 năm, huyện có 5 HTX với 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp thành phố, đạt tỷ lệ 12,5% trong tổng số sản phẩm được công nhận cấp huyện và cấp thành phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem