Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 22/02/2024 13:56 PM (GMT+7)
Hôm nay 22/2, tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị công bố quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Bình luận 0

Tại hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tâm thế rất vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu mà tỉnh đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đ.T

Theo đó, kinh tế của tỉnh Đồng Tháp đã có những bước phát triển khởi sắc. Cụ thể, quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2023 đã vượt mốc hơn 110 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 68 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng.

Năm 2023, tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 98%, là năm giải ngân cao nhất, nằm trong nhóm đầu cả nước. Thu nhập và chất lượng đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội luôn giữ vững.

Thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Tháp xác định phát triển hài hòa 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường, đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL.

Tỉnh cũng sẽ phấn đấu để có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc...

Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đã định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc: 4 vùng kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế và 4 đô thị trung tâm. Đây được xem là cấu trúc phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực trung tâm và biên giới, giữa đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, sẽ nâng cao vai trò, tầm quan trọng của sự hiệp đồng, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa các ngành kinh tế, giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế, lấy kinh tế nông nghiệp làm động lực để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp- Ảnh 2.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đ.T

Để đạt được kết quả theo nhiệm vụ được giao, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp mong các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm, hỗ trợ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Đồng Tháp là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước. Đất Sen hồng đứng thứ 3 cả nước về tổng sản lượng lúa của cả nước với 3,3 triệu tấn/năm, sau Kiên Giang 4,3 triệu tấn/năm, An Giang 4,1 triệu tấn/năm. Đồng thời, đứng thứ 4 cả nước về xuất khẩu thủy sản với tổng kim ngạch khoảng 900 triệu USD, trong đó riêng cá tra đứng đầu cả nước về sản lượng xuất khẩu.

Tỉnh Đồng Tháp có vị trí chiến lược với gần 50 km đường biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế với Campuchia, nằm trên các tuyến giao thông thuận lợi kết nối với TP.HCM, TP.Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Đây còn là địa danh nổi tiếng với nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh mang nét độc đáo và riêng biệt của vùng sông nước ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, quy hoạch của tỉnh Đồng Tháp mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới, được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đồng Tháp phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu nêu trên, tỉnh Đồng Tháp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất là trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường.

Do đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Đồng Tháp thực hiện quy hoạch một cách khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng Tháp cần huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp cần tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại Đồng Tháp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cảm ơn sự có mặt của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm lựa chọn Việt Nam, lựa chọn Đồng Tháp là điểm đến hợp tác kinh doanh. Điều này cho thấy tiềm năng lợi thế, cơ hội đầu tư hấp dẫn của tỉnh Đồng Tháp và cũng thể hiện tâm huyết, trách nhiệm đối với vùng đất sen hồng.

Phó Thủ tướng mong rằng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu tiềm năng đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Tháp và của cả nước trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem