Những người phụ nữ của bộ lạc Gabra nhảy múa tại một lễ hội. (Ảnh: kwekudee-tripdownmemorylane)
Bộ lạc Gabra là những người chăn nuôi du mục với dân số khoảng 31.000 người, sống ở vùng đông bắc Kenya dọc theo cả 2 bên biên giới với Ethiopia. Họ có gốc rể liên quan tới bộ tộc Oromo lớn hơn ở vùng Sừng châu Phi.
Bộ lạc Gabra rất gắn bó với lạc đà, nhưng sẵn sàng chia sẻ thậm chí cho người khác vay lạc đà để không ai phải sống trong nghèo đói. (Ảnh: kwekudee-tripdownmemorylane)
Bộ lạc Gabra sinh sống tại vùng lãnh thổ phía đông hồ Turkana của Kenya, dọc theo rìa sa mạc Chalbi và kéo dài tới Ethiopia. Marsabit và thị trấn Kachala ở trung tâm sa mạc Chalbi được các cư dân bộ lạc Gabra sử dụng làm các "hố nước".
Bộ lạc Gabra rất gắn bó với lạc đà và đã phát triển một môi trường văn hóa phong phú, bắt nguồn từ chính môi trường sống khắc nghiệt của mình.
Để sống cân bằng với môi trường luôn phải cố gắng bảo vệ đất đai, gia súc và đồng loại, bộ lạc Gabra thực thi một số quy định "cấm kỵ" với cả thực phẩm, thực vật và con người như: bảo tồn những cây cối đã phát triển đầy đủ được gọi là "korma" (bò đực); cấm bán lạc đà và các sản phẩm phụ của lạc đà như thịt và sữa ra ngoài bộ lạc; rất coi trọng phụ nữ và gia súc mang thai; di cư lên vùng cao hơn trong mùa mưa để đồng cỏ vừa qua mùa khô được bổ sung nguồn nước…
Các thanh niên trẻ của bộ lạc Gabra chịu trách nhiệm trông coi một phần đàn gia súc của gia tộc. (Ảnh: kwekudee-tripdownmemorylane)
Bộ lạc Gabra chia các khu trại của họ thành hai địa điểm gồm: khu trại chính (i"ola") và khu trại vệ tinh nhỏ hơn ("fora") cách xa i"ola".
Sống tại các "fora" là lớp thanh niên trẻ chịu trách nhiệm trông coi một phần đàn gia súc của gia tộc, để đồng cỏ không bị chúng chén sạch quá nhanh. Việc tách đàn cũng được họ thực hiện để tránh cho gia súc bị lây nhiễm dịch bệnh, bị trộm hoặc bị tấn công.
Khoảng 50% phụ nữ của bộ lạc Gabra không kết hôn trước tuổi 30, nên họ có thêm nhiều thời gian tham gia các hội hè. (Ảnh: kwekudee-tripdownmemorylane)
Cũng vì các chàng trai phải sống xa i"ola" một thời gian dài nên hôn nhân thường bị trì hoãn, dẫn tới tình trạng khoảng 50% phụ nữ của bộ lạc Gabra không kết hôn trước tuổi 30. Điều đó cùng với một "cấm kỵ" nữa với phụ nữ là không được quan hệ tình dục thời hậu sản (thường khoảng 6 tuần sau khi sinh), được cho là nhằm "kiểm soát dân số".
Theo truyền thống của bộ lạc Gabra, hôn nhân là nghi lễ quan trọng nhất với quy định phụ nữ Gabra phải còn trinh khi kết hôn, nếu không sẽ bị coi là phạm tội và bị "đi đày". Với phụ nữ điều đó có nghĩa là phải rời bộ lạc Gabra, nhưng vẫn được kết hôn với người của bộ lạc khác.
Sau khi kết hôn, phụ nữ Gabra được "thả lỏng" khá tự do trong quan hệ. (Ảnh: kwekudee-tripdownmemorylane)
Trong khi nam giới nếu quan hệ tình dục trước hôn nhân thì bị phạt nhẹ hơn - chỉ không được tham gia các nghi lễ của bộ lạc Gabra, cho đến khi làm lễ tẩy rửa và nộp phạt cho nhà cô gái bị trục xuất. Sau đó anh ta lại có thể kết hôn và sống bình thường.
Một điều đặc biệt nữa là tuy phải giữ trinh tiết đến ngày cưới, nhưng sau khi kết hôn phụ nữ Gabra lại được "thả lỏng" khá tự do, thậm chí còn được khuyến khích "quan hệ ngoài luồng".
Một cô dâu của bộ lạc Gabra được chồng mới cưới và lạc đà đưa về i"ola". (Ảnh: kwekudee-tripdownmemorylane)
Và mặc dù tục lệ đa thê được cho phép, nhưng đa số hôn nhân của bộ lạc Gabra là chung thủy một vợ một chồng. Đàn ông thường chỉ lấy thêm vợ nếu người vợ không sinh được con trai. Khi đó anh ta sẽ chọn trong số chị em gái của vợ một người làm cô dâu mới, nhưng người chồng có trách nhiệm chăm sóc các bà vợ công bằng như nhau.
Cư dân bộ lạc Gabra sống trong các i"ola" nhỏ, thường di chuyển có thể tới 12 lần mỗi năm để tìm kiếm nơi chăn thả lạc đà và các gia súc khác tốt hơn. (Ảnh: kwekudee-tripdownmemorylane)
Một phong tục nữa cùng khá thú vị là khi chú rể đưa cô dâu vào "động phòng" (lều cưới), cặp đôi tân hôn đem theo 1 phù dâu và 1 phù rể. Kể từ thời điểm đó phù rể được phép "tiếp cận" tình dục với cô dâu. Có lẽ vì thế mà phù rể thường được chọn phải là một chàng trai trẻ đẹp.
"Nhà" của bộ lạc Gabra gọi là "Mandasse" - là chiếc lều nhẹ hình vòm, được làm bằng rễ cây keo, mái phủ cỏ Sisal hoặc vải hay da lạc đà, với một thanh trục dễ dàng tháo rời để tạo thành kiệu cưỡi lạc đà khi di chuyển. (Ảnh: kwekudee-tripdownmemorylane)
Nghi thức cuối cùng mà chú rể phải thực hiện sau 4 ngày hôn lễ là… chui qua bụng một con lạc đà sao cho khéo léo. Nếu bị lạc đà đá có nghĩa là chú rể đã phạm lỗi gì đó (như quan hệ trước hôn nhân) và chắc sẽ không thoát khỏi bị trừng phạt. Nếu vượt qua ổn thỏa có nghĩa là hôn nhân tốt đẹp…
Cư dân bộ lạc Gabra tham gia Lễ hội Hồ Turkana nổi tiếng, thường được tổ chức vào tháng 6 hàng năm tại thị trấn Loyangalani trên bờ biển Ngọc (Jade Sea). (Ảnh: kwekudee-tripdownmemorylane)