Ngày 20/7, thông báo của Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ cho biết, chính sách xuất khẩu liên quan đến gạo trắng không phải gạo basmati dù ở hình thức nào (gạo xay xát một phần hoặc toàn bộ, đã hoặc chưa đánh bóng hoặc tráng men) đều được chuyển từ “tự do” thành “cấm”. Chính sách này có hiệu lực ngay lập tức.
Gạo trắng không phải gạo basmati chiếm từ 25-30% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Tính về giá trị, xuất khẩu loại gạo này của Ấn Độ đạt kim ngạch 4,2 triệu USD trong năm tài chính 2022-2023, so với mức 2,62 triệu USD trong năm trước đó.
Các thị trường lớn của gạo trắng không phải gạo basmati của Ấn Độ là Thái Lan, Italy, Tây Ban Nha, Sri Lanka và Mỹ. Về khối lượng, Ấn Độ đã xuất 6,5 triệu tấn loại gạo này trong năm tài chính 2022-2023, tăng 22% so với mức 5,3 triệu tấn của năm trước đó.
Lệnh dừng xuất khẩu gạo được Ấn Độ đưa ra trong bối cảnh giá gạo tại nước này đã tăng hơn 11,5% trong vòng 1 năm qua và 3% chỉ trong tháng vừa qua. Các diễn biến thời tiết không thuận trong vụ lúa xuân hè càng thúc đẩy Chính phủ Ấn Độ đi tới quyết định này.
Lượng mưa sụt giảm tại các bang nông nghiệp quan trọng như Bibar - giảm 40%, Odisha - giảm 15%, Jharkhand - giảm 44%; trong khi mưa lại gia tăng vượt mức thông thường tại một số bang nông nghiệp khác như Punjab - tăng 52% và Haryana - tăng 65%, đang tác động tới sản lượng và chất lượng của các mặt hàng lương thực, ngũ cốc. Lệnh dừng xuất khẩu được cho là nhằm thúc đẩy nguồn cung lương thực trong nước và giúp kiểm soát lạm phát.
Hiện Ấn Độ cung cấp hơn 40% gạo xuất khẩu trên thế giới. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ B.V. Krishna Rao, việc ban hành lệnh cấm đột xuất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới khách hàng quốc tế khi họ chưa thể tìm được nhà cung cấp thay thế, trong đó khách hàng tại châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định này.
Nói với Dân Việt ngày 14/7, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, việc Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo nguyên nhân đến từ việc hạn hán, cộng với lạm phát trên thế giới nên tích trữ đảm bảo an ninh lương thực.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, trong tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, đạt khoảng 101.000 tấn, tăng 56,64% so với tháng 5 năm 2022, vươn lên đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ tính về khối lượng.
Tính trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 367,5 nghìn tấn gạo Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.