Dân Việt

Quy định về vạch mắt võng người dân cần biết để tránh vi phạm

Việt Sáng 08/11/2023 11:08 GMT+7
Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu rõ quy định về vạch mắt võng người dân cần nắm để tránh vi phạm.

Bạn đọc hỏi về vạch mắt võng

Cho tôi hỏi khi di chuyển trên đường mà gặp vạch mắt võng thì phải đi thế nào cho đúng luật?

Trường hợp đi không đúng thì bị xử phạt thế nào?

(Bạn đọc Hoàng Hà trú tại Thanh Xuân, Hà Nội hỏi).

 Vạch mắt võng là gì?

Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội: Theo Phụ lục G Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT, vạch mắt võng là vạch kẻ đường được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.

Tùy theo sự cần thiết mà có thể sử dụng vạch mắt võng ở các vị trí thích hợp, cụ thể:

Vạch mắt võng có thể sử dụng để xác định phạm vi cấm dừng trong phạm vi nút giao cùng mức, trên nhánh dẫn cửa vào hoặc cửa ra của nút giao hoặc những vị trí mặt đường cần thiết không cho phép dừng xe.

Tùy theo mặt bằng nút giao rộng, hẹp để bố trí vạch mắt võng để đảm bảo cân đối, mỹ quan.

Gặp vạch mắt võng đi thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 11, khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.

Trong đó, hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

Như đã đề cập ở trên, khi thấy vạch mắt võng, người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.

Quy định về vạch mắt võng người dân cần nắm để tránh vi phạm - Ảnh 2.

Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu rõ quy định về vạch mắt võng người dân cần nắm để tránh vi phạm. Ảnh: MXH.

Tuy nhiên, khi đi qua vạch mắt võng có thể gặp phải những trường hợp sau:

Một là trên vạch mắt võng không có mũi tên chỉ hướng:

Lái xe đi qua vạch mắt võng thì không vi phạm luật;

Nếu dừng xe trên phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch mắt võng thì bị xem là vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường.

Hai là trên vạch mắt võng có mũi tên xác định hướng phải đi:

Lái xe đi theo hướng phải đi của mũi tên được phép đi qua;

Nếu lái xe đi qua vạch nhưng không đi theo hướng mũi tên thì vẫn bị xem là vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường.

Mức xử phạt khi vi phạm về vạch mắt võng

Quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức xử phạt đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường của người điều khiển phương tiện giao thông như sau:

Loại phương tiệnMức phạt hành chínhHình phạt bổ sung

Xe máy

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. (Điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông. (Điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Ô tô

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. (Điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông. (Điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Máy kéo, xe máy chuyên dùng

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. (Điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông. (Điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)