Mắng trò cũng cần "kỹ năng"
Hơn 10 năm nay, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền được bố trí dạy khối 9, "chèo đò" chặng về đích cam go nhất của bậc trung học cơ sở.
Áp lực vào lớp 10 công lập tại Hà Nội không chỉ là gánh nặng tâm lý của mỗi phụ huynh, học sinh mà còn là nỗi niềm riêng của chính người thầy. Làm sao có thể vừa trang bị cho trò bộ kỹ năng hoàn chỉnh để giành chiến thắng trong kỳ thi khắc nghiệt, vừa không gây sức ép học hành quá mức lên các con là điều chưa bao giờ dễ dàng.
Cô Huyền tự nhận mình là một giáo viên nghiêm khắc, không ngại mắng học trò. Thậm chí mắng "xối xả". Nhưng mắng phải ra được kết quả, tức khiến trò sửa được lỗi, có động lực để học tập, chứ không phải mắng cho trò "đụt" người đi, khiến trò căng thẳng và mất tự tin vào bản thân.
"Nếu bạn hỏi cần kỹ năng gì khi mắng để học trò không ghét mình thì tôi không có kỹ năng gì cả. Bọn trẻ rất nhạy cảm. Chúng có thể cảm nhận và phân biệt rất rõ lời mắng mỏ vì thương vì lo và lời mắng mỏ ác ý.
Thế nên cô vừa mắng xối xả xong, hết tiết học học trò lại nhao nhao cười đùa với cô như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Các con rất bao dung, hiểu những áp lực của cô và hiểu cô đang làm tất cả vì chúng. Nếu gọi đó là "kỹ năng mắng" thì cũng được, đó là đặt tình yêu thương vào trong câu mắng của mình", cô Huyền tâm sự.
Cô Huyền cho hay, với học sinh lớp 9, việc dạy học không còn đơn thuần là truyền thụ kiến thức. Học sinh lớp 9 cần được rèn giũa như rèn binh: Chuẩn chỉ, chính xác, kỷ luật.
Bởi chỉ một lỗi nhỏ cũng có thể quyết định học sinh đỗ hay trượt, đạt mục tiêu hay không đạt mục tiêu. Giáo viên không thể xuề xòa, dễ dãi. Học để thi cũng không thể "nhàn".
Cô Huyền không ngại nói thẳng với phụ huynh và học sinh rằng, tâm lý muốn "học nhàn", học mà không cần phải cố gắng, không mất nhiều thời gian, không có áp lực gì vẫn đạt được kết quả cao là sự tham lam và thiếu thực tế.
"Trong bất kỳ hoạt động nào của đời sống, muốn có kết quả tốt đều cần phải cố gắng nỗ lực. Thành quả chỉ đến với người biết học hỏi, biết kiên trì, biết cố gắng, làm sai thì làm lại cho đến khi không sai nữa.
Hành trình ấy làm sao tránh được những lúc mệt mỏi, chán nản, căng thẳng và áp lực. Nhưng nếu kiên trì đi đến cùng thì quả ngọt cũng hiện ra.
Tôi luôn động viên các con cố gắng hết mình. Dù kết quả thi cử có thể không như mong muốn, nhưng các con chắc chắn vẫn nhận được nhiều giá trị. Giá trị lớn nhất là thói quen làm mọi việc bằng sự kiên trì, kỷ luật, tự giác, không bỏ cuộc.
Điều đó sẽ là hành trang quý giá theo con suốt cuộc đời và giúp con vững vàng trong tương lai dù con làm bất kỳ công việc gì", cô Huyền chia sẻ.
Thế nên, trong suốt 27 năm dạy học, những học trò mà cô Huyền yêu thương nhất không phải học sinh xuất sắc mà là học sinh từ điểm 3 nhích dần lên điểm 4, điểm 5, điểm 6. Với cô, mỗi nấc điểm mà học trò tiến đến là rất nhiều nỗ lực và cả sự đền đáp cho những động viên lẫn mắng mỏ của người thầy.
Không ngại thay đổi, làm mới mình mỗi ngày để thích nghi với học trò Gen Z
Gần 3 thập kỷ cầm phấn, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền không có thành tích gì đáng kể, như lời cô nói. Nhưng với các phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, được học cô Huyền là một may mắn.
Chị Võ Kiều Trang, một phụ huynh có con học cô Huyền hai năm nay cho biết: "Cô Huyền thực sự là một giáo viên đáng kính bởi sự nhiệt huyết, thương yêu học trò, nghiêm khắc và mẫu mực.
Lớp gần 50 học sinh nhưng cô đều theo rất sát. Các con gần cô, không bao giờ e ngại việc hỏi lại bài khi không hiểu. Cách của cô với các con vừa là người thầy, vừa là người bạn.
Con tôi rất may mắn khi được cô dạy dỗ từ lớp 8 tới nay. Cô khơi dậy được ở các con niềm yêu thích với môn toán và với việc học tập".
Nói về bí quyết làm bạn với trò mà vẫn giữ cái uy của người thầy, cô Huyền chia sẻ: "Đó là việc không ngại thay đổi, làm mới mình để thích nghi với các con chứ không phải bắt các con thích nghi với cô".
Ở tuổi 50, cô Huyền rất chú trọng chuyện ăn mặc, trang phục, trang điểm khi lên lớp. Cô tập yoga hằng ngày để duy trì sức khỏe và giữ gìn vóc dáng cân đối. Tất cả là để luôn trẻ trung, rạng rỡ trong mắt học trò.
"Chẳng học trò nào lại thích một cô giáo mặt khó đăm đăm và đeo kính trề xuống mũi. Dù chỉ còn vài năm nữa đến tuổi hưu, tôi vẫn muốn mình luôn chỉn chu, năng động, trẻ trung trong mắt học trò", cô Huyền bày tỏ.
Có những ngày hai tiết toán liền kề nhau, nhìn mặt học sinh lộ rõ vẻ chán ngán, cô Huyền ngừng giảng. Cô bảo, có giảng thêm thì cũng không vào đầu chúng. Thay vào đó, cô làm trò mua vui cho bọn trẻ. Cô mượn kẹp tóc của học sinh nữ cài lên đầu khiến cả lớp lăn ra cười. Cười "no" rồi, cô mới quay trở về với bài học.
Một lớp gần 50 học sinh, cô Huyền không bỏ sót ai. Cô chia lớp thành 4 nhóm theo 4 mức độ tiếp nhận kiến thức, đặt mục tiêu riêng cho từng nhóm, tương ứng là các nhiệm vụ khác nhau.
Do đó, học sinh học chưa tốt không bị áp lực so sánh với các bạn nhóm dẫn đầu. Học sinh thuộc nhóm dẫn đầu không nhìn các bạn yếu hơn để chủ quan mà luôn có mục tiêu phù hợp để phấn đấu.
Mỗi nhóm cô lại có các "mưu kế" khác nhau để khích lệ học trò. Có "bài" áp dụng thành công với trò này nhưng vô hiệu hóa với trò khác.
"Đó là khi cô chưa hiểu trò. Không phải trò nào cũng mắng được đâu. Có trò mắng 1 câu phải dỗ 5 câu. Có những trò chỉ có thể khích lệ chứ không được khích tướng.
Phải lựa tính trò mà có cách thức dạy dỗ phù hợp. Còn phải nắm rõ hoàn cảnh riêng của trò để biết "lựa lời mà mắng". Có những con lớn lên trong gia đình bố mẹ ly hôn, hoặc sống xa bố mẹ, hoặc kinh tế khó khăn, mình cần hiểu để tránh những chủ đề gợi nhắc chuyện buồn, vô tình làm tổn thương các con", cô Huyền tâm sự.
Ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề, cô Huyền hoài niệm về thập niên 90, khi học trò tấp nập đến nhà thầy cô chơi để được ăn bánh kẹo mỗi dịp 20/11.
Ngày đó, có ba cô bé học trò đạp xe hơn 5 cây số đến thăm cô giáo dạy toán. Chiếc xe đạp cà tàng chỉ chở được một người. Một người chạy bộ theo sau. Cứ mỗi quãng lại "thay ca" để người chạy bộ được lên xe còn người vừa ngồi trên xe xuống chạy bộ. Cô nhìn thấy trò không cầm được lòng, quay vào nhà lấy xe đạp đuổi theo để chở trò về.
Chuyện cũ khiến cô Huyền tâm tư: "Giáo viên chúng tôi thi thoảng tâm sự với nhau rằng, xã hội càng hiện đại, thầy trò càng xa cách. Gần gũi một chút là bị dị nghị. Thế nên cô phải giữ khoảng cách với trò, phụ huynh.
Có lần trò đòi tới nhà cô, tôi phải nói với con rằng, con cố gắng học cho tốt, sau này ra trường rồi thì cô mời tới nhà cô chơi. Nói câu ấy, lòng tôi không khỏi nôn nao buồn".