Mục tiêu của hội nghị nhằm kết nối kinh doanh giữa các chủ thể OCOP và các hệ thống thương mại, doanh nghiệp, qua đó các chủ thể OCOP nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, cải tiến sản phẩm nhằm tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Dự hội thảo có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang; ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL; các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp, các nhà thương mại, HTX; siêu thị, sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp đầu vào, doanh nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghệ.
Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tính đến nay, các tỉnh vùng ĐBSCL đã có gần 3.000 sản phẩm OCOP, của 1.521 chủ thể đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Các địa phương vùng ĐBSCL đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung, ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung, như: trái cây, thủy sản, lúa gạo... để phát triển các sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái của vùng ĐBSCL.
Riêng tỉnh Kiên Giang, hiện có 269 sản phẩm đạt hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 6 sản phẩm đạt chuẩn hạng 5 sao, 36 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 227 sản phẩm đạt hạng 3 sao; với 138 chủ thể tham gia.
Sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL đã từng bước có sự khởi sắc, thay đổi tích cực; có mẫu mã, bao bì đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp yêu cầu của thị trường. Các chủ thể OCOP đã có những bước chuyển mình, tự tin, chủ động hơn trong mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kênh phân phối.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Trường Sơn, sản phẩm OCOP nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, như: Chưa tập trung xứng đáng sự quan tâm đến các sản phẩm đặc sắc chủ lực của vùng như thủy sản; quy mô sản xuất nhỏ, năng lực sản xuất hạn chế, tính liên kết yếu; một số sản phẩm bao bì, nhãn mác có tiến bộ nhưng còn đơn giản, đóng gói bao bì chưa bắt kịp xu thế của người tiêu dùng, tư duy về xây dựng thương hiệu còn hạn chế...
Do đó, Chánh Văn phòng, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương mong muốn các chủ thể OCOP cần phải tiếp tục nỗ lực, chuyển đổi về tiếp cận, tư duy trong sản xuất và thương mại, tiếp tục nâng cao chất lượng và năng lực để tiếp cận tốt hơn vào thị trường.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đầu vào (nhà mua) đã chia sẻ yêu cầu, tiêu chí của các đơn vị của mình về sản phẩm cần mua và cung cấp thông tin kết nối giao thương với các chủ thể OCOP; các chủ thể OCOP cũng giới thiệu sản phẩm của mình, vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, sản lượng và thông tin liên lạc…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đã thông tin đến hội thảo về thị trường Trung Quốc, hiện Trung Quốc rất chuộng sản phẩm nông sản của Việt Nam và sau thời gian đàm phán Trung Quốc đã mở cửa nhập khẩu sản phẩm cá sấu, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam và trong thời gian tới tiếp tục là các sản phẩm nông sản như: chanh không hạt, dừa…
Đồng thời, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các chủ thể OCOP, doanh nghiệp, HTX cần chủ động quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường. Đặc biệt, các chủ thể cần quan tâm chất lượng sản phẩm; liên kết để tháo gỡ khó khăn, vì lợi ích chung để đưa sản phẩm của mình đến các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.