Theo quyết định này, các đối tượng được vay vốn với lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất vay tối thiểu. Theo đó, quy mô đầu tư của phương án dưới 1 tỷ đồng được vay tối đa bằng 90% giá trị đầu tư dự án; quy mô đầu tư của phương án trên 1 tỷ đồng được vay tối đa bằng 80% giá trị đầu tư dự án.
Có vốn để mở rộng quy mô trang trại
Bà Nguyễn Thanh Thủy - nông dân giỏi trồng bưởi ở Bàu Bàng. Ảnh: Hồ Văn
"Để tăng định mức cho vay, các hộ có thể kê khai thêm các tài sản có giá trị khác gắn liền với đất. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai sản xuất, thời gian qua quỹ cũng chi tạm ứng ban đầu khi các hộ cung cấp đầy đủ các chứng từ, hóa đơn liên quan”. Ông Phan Văn Chiến - |
Ông Mai Bá Thọ - chủ trang trại 34ha bưởi da xanh ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng cho biết, nhờ Hội ND tỉnh, ông đã tiếp cận nguồn vốn từ Quyết định 04. Sau khi Sở NNPTNT khảo sát phương án vay vốn, trang trại của ông đã được Quỹ Đầu tư phát triển chấp thuận cho vay 6 tỷ đồng để phát triển trang trại.
“Nhờ Quyết định 04, gia đình tôi có được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để mạnh dạn đầu tư phát triển quy mô trang trại chứ trông chờ vào nguồn vốn từ các ngân hàng thì rất khó, chưa kể việc thẩm định cho vay của các ngân hàng thương mại trên địa bàn là rất rắc rối và khó khăn”- ông Thọ nói.
Trường hợp như ông Thọ không phải là hiếm trên địa bàn tỉnh Bỉnh Dương. Theo ông Đỗ Ngọc Huy - Chủ tịch Hội ND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2018, thực hiện theo Quyết định 04, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương đã thẩm định 11 phương án với tổng số tiền 107 tỷ đồng, đã duyệt cho vay 8 phương án với số tiền 75,3 tỷ đồng và đã giải ngân được 19,3 tỷ đồng theo tiến độ. “Giờ về Bình Dương, đâu đâu cũng là những mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”- ông Huy tự hào khoe.
Còn nhiều rào cản cần tháo gỡ
Mặc dù Quyết định 04 được đánh giá mang lại hiệu quả rất lớn, giúp nông dân Bình Dương vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững, tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn theo quyết định này của nông dân thời gian qua cũng đang gặp phải những khó khăn trong việc cung cấp hóa đơn, hợp đồng mua bán vật tư, tài sản bảo đảm vốn vay…
Theo ông Trịnh Đức Dũng-Chủ tịch Hội ND huyện Phú Giáo, hiện nay để đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nông dân cần vốn khá lớn, nhưng việc thẩm định tài sản để thế chấp vay vốn còn thấp do giá trị đất nông nghiệp không cao. Bên cạnh đó, một trong những quy định của chính sách hỗ trợ là người dân phải có các hóa đơn, chứng từ khi đầu tư cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, đầu tư giống, vật tư… làm cơ sở để giải ngân nguồn vốn cho vay.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung- Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Dương thừa nhận: “Những chính sách cho vay ưu đãi phát triển nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh tương đối thuận lợi hơn với các đối tượng như doanh nghiệp lớn. Còn những hộ nông dân, trang trại vay với quy mô từ 500 triệu - dưới 1 tỷ đồng thì gặp khó hơn”- bà Nhung nói thêm.
Bà Nguyễn Minh Thủy- Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định, nếu điểm nào vướng mắc trong các thủ tục duyệt vay theo Quyết định 04 còn chưa phù hợp thì cần phải kiến nghị để Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét điều chỉnh sao cho có lợi với người nông dân hơn nữa.