Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Hộ tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày cho biết: Hiện vẫn tồn tại song song hai luồng ý kiến khác nhau: Thứ nhất, tán thành việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định hiện hành. Thứ hai, bỏ quy định cấp giấy khai sinh mà thay bằng việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định trong Dự án Luật Căn cước công dân.
Các đại biểu cho rằng vẫn nên duy trì giấy khai sinh nhưng đừng biến thành thủ tục hành chính gây khó cho người dân.
Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Cần cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh. Trong nghị trường, hầu hết ý kiến phát biểu của các đại biểu cũng nghiêng theo hướng này. Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho biết: Việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em là cần thiết, phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, phù hợp với Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. “Giấy khai sinh là giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc làm các thủ tục tiếp theo và là văn bản pháp lý đầu tiên do Nhà nước cấp cho công dân để ghi nhận về mặt pháp lý việc ra đời của công dân và làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước. Mặt khác, nếu quy định bỏ cấp giấy khai sinh nhưng lại cấp quy định cấp trích lục hộ tịch khi đăng ký khai sinh cho người khai sinh thì cũng không giảm bớt được thủ tục hành chính”- đại biểu Thủy khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Điều Huỳnh Sang (Bình Phước) nói thẳng: “Không bỏ quy định cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh, bởi giấy khai sinh và văn bản pháp lý đầu tiên do Nhà nước cấp cho công dân, để ghi nhận về mặt pháp lý cho việc ra đời của công dân”. Theo đại biểu này, trong Luật Căn cước công dân có quy định về việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi và ông không đồng tình quy định này vì những người ở độ tuổi dưới 14 sẽ thay đổi rất nhanh về nhân dạng. Hơn nữa, ở độ tuổi này chưa phải chịu trách nhiệm hình sự và các giao dịch dân sự. Vì vậy, đại biểu Sang đề nghị tiếp tục cấp giấy khai sinh cho cá nhân khi đủ 14 tuổi.
Cũng trong ngày 28.10, khi thảo luận về Luật Căn cước công dân, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) nêu ý kiến về việc nhóm máu là đặc điểm riêng của mỗi cá nhân nên dự thảo luật không quy định thông tin về nhóm máu là chưa phù hợp. Đồng tình với quan điểm này, các đại biểu Nguyễn Thị Thu Phương (Bắc Kạn), Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cũng đề nghị bổ sung thông tin về nhóm máu vào thẻ căn cước công dân.
Tuy vậy, vấn đề được quan tâm nhiều hơn là sự băn khoăn về độ tuổi cấp thẻ căn cước công dân. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nêu ý kiến: “Việc cấp Thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi là chưa thực sự cần thiết bởi những thông tin quan trọng về nhân dạng của công dân chưa được thể hiện trên thẻ, dẫn đến lãng phí nguồn lực”.
Không thống nhất với các quan điểm này, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) lại khẳng định: “Việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi là cần thiết để bảo đảm quyền của trẻ em theo quy định của Hiến pháp”. Đại biểu Minh cũng bổ sung thêm: “Tôi nhất trí với việc cấp thẻ cho trẻ em dưới 14 tuổi và đổi thẻ khi đủ 14 tuổi, đồng thời điền đầy đủ thông tin cá nhân, góp phần hiện đại hóa trong quản lý hành chính nhà nước”.
Khi thảo luận về Luật Hộ tịch, đại biểu Nguyễn Thị Nhung nêu ý kiến về việc không “đặt tên xấu” và chỉ nên “đặt tên thuần Việt” khi khai sinh cho trẻ em, để tránh gây mặc cảm cho các em do tên quá dài, phức tạp như trường hợp tên “Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân” hay “Đinh San U”, Cao Nokia”…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.