"Rũ" sạch tài sản tiềm ẩn rủi ro, "làm lại từ đầu" nhân sự cấp cao có giúp Bamboo Airways "bay cao hơn"?
"Rũ" sạch tài sản tiềm ẩn rủi ro, "làm lại từ đầu" nhân sự cấp cao có giúp Bamboo Airways "bay cao hơn"?
O.L
Thứ năm, ngày 15/06/2023 13:55 PM (GMT+7)
Động thái xin chấm dứt nhiệm kỳ Hội đồng quản trị trước thời hạn một năm trong bối cảnh Bamboo Airways ghi nhận lỗ hơn hơn 17.600 tỷ đồng chủ yếu do trích lập dự phòng cho thấy quyết tâm "rũ sạch" tài sản tiềm ẩn rủi ro cao, "làm lại từ đầu" của những ông chủ hãng bay này….
Đáng chú ý, Bamboo Airways dự trình Đại hội thông qua miễn nhiệm 5 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của các ông Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân. Cả 5 thành viên này đã có đơn xin từ nhiệm trước đó.
Song song đó, Đại hội đồng cổ đông của Bamboo Airways sẽ biểu quyết chấm dứt nhiệm kỳ HĐQT 2019 -2024 (sớm 1 năm) và bầu thông qua thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới 2023 - 2028. Thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới dự kiến 7 thành viên. Tuy nhiên, danh sách ứng viên để bầu tham gia HĐQT cho nhiệm kỳ mới chưa được hãng bay này tiết lộ. Tương tự HĐQT, Bamboo Airways cũng sẽ chấm dứt nhiệm kỳ 2019 -2024 của Ban Kiểm soát và bầu mới Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Theo tài liệu dự trình, Bamboo Airways đã công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022. Năm 2022, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu 12.017 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với năm trước đó. Do kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng bay lỗ gộp 3.209 tỷ đồng. Dù vậy, kết quả này vẫn có cải thiện đáng kể so với năm 2021 lỗ gộp hơn 4.060 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm từ 2.571 tỷ đồng xuống còn 121 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính gấp tới 4,5 lần lên 1.406 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 11% lên 348 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến gấp 80 lần lên 12.750 tỷ đồng.
Kết quả, Bamboo Airways lỗ sau thuế 17.619 tỷ đồng trong năm tài chính 2022. Lỗ lũy kế 19.336 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 836 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2022 Bamboo Airways đã mạnh tay trích lập dự phòng các khoản phải thu gần 12.500 tỷ đồng bao gồm ngắn hạn gần 9.700 tỷ đồng và dài hạn 2.800 tỷ đồng. Kết hợp với chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm 2022 tăng hơn 12.500 tỷ đồng cho thấy, Bamboo Airways lỗ nặng đến chủ yếu từ việc mạnh tay xử lý, rũ sạch tài sản xấu/tài sản tiềm ẩn rủi ro.
Nếu loại trừ các khoản dự phòng phải thu này thì hoạt động kinh doanh chính của Bamboo Airways trong năm 2022 lỗ hơn 5.000 tỷ đồng.
Giới tài chính cho rằng, đây được cho là một trong các động thái quyết liệt của Bamboo Airways trong quá trình tái cơ cấu, đưa bức tranh tài chính phản ánh đúng thực trạng của Công ty. Khoản trích lập dự phòng nói trên sẽ trở thành "của để dành" trong tương lai của Bamboo Airways, giúp ghi nhận tăng lợi nhuận nếu công ty thu hồi được các khoản phải thu đã trích lập.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Bamboo Airways hơn 18.000 tỷ đồng, giảm 8.849 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tiền và các khoản tương đương tiền khoảng 85 tỷ đồng, giảm tới 92,4% so với hồi đầu năm là gần 1.123 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Bamboo Airways thời điểm cuối năm 2022 ở mức 18.844 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn chiếm 10.144 tỷ đồng, tăng 137% so với đầu năm và chiếm 54% tổng nợ phải trả. Trong năm 2022, công ty đã phải trả 544 tỷ đồng chi phí lãi vay, gần gấp đôi so với năm 2021.
Ngoài mạnh tay trích lập dự phòng các khoản phải thu, điểm tích cực khác của Bamboo Airways trong năm 2022 là đã chi ra gần 11.000 tỷ đồng để trả nợ gốc vay.
Bamboo Airway cho hay, với mục tiêu tái cấu trúc toàn diện và sức khỏe tài chính doanh nghiệp, Công ty đã vừa thực hiện trích lập các khoản dự phòng và lỗ lũy kế từ giai đoạn dịch bệnh vừa phát hành tăng vốn cổ phần thông qua việc hoán đổi nợ thành cổ phần và tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Theo đó, mặc dù sau trích lập dự phòng, lợi nhuận sau thuế năm 2022 lỗ hơn 17.600 tỷ đồng, giá trị vốn điều lệ tại thời điểm tháng 5/2023 đạt 26.220 tỷ đồng, giảm tỷ lệ nợ vay. Theo đó, hệ số nợ tài chính/vốn chủ giảm về mức 0,70 lần.
Tại ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 4, ông Nguyễn Khắc Hải - Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, năm 2023, tình hình của công ty đã tích cực hơn.
Còn ông Nguyễn Ngọc Trọng - Chủ tịch HĐQT thông tin, hãng đã gần đạt điểm hòa vốn trong quý 1/2023 khi đội tàu bay hoạt động hết công suất.
Công ty cũng tiết lộ, trong 5 tháng đầu năm 2023, Bamboo Airway ghi nhận doanh thu thuần đạt khoảng 51% so với tổng doanh thu thuần cả năm 2023.
Gần đây, doanh nghiệp đã có một số thay đổi ở vị trí lãnh đạo trong quá trình chuyển giao sang nhà đầu tư mới. Ở vị trí tổng giám đốc, ông Nguyễn Minh Hải được bổ nhiệm thay thế cho ông Nguyễn Mạnh Quân từ tháng 5/2023. Ông Hải từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Vietnam Airlines.
Bamboo Airways dự kiến năm 2023 kinh doanh tăng trưởng 15%-20%
Trong năm 2023, Bamboo Airways dự kiến phát triển đội tàu bay đến cuối năm đạt 30-36 tàu bay trong đó tập trung tăng trưởng đội bay thân hẹp. Mục tiêu duy trì hệ số sử dụng ghế đạt 81,5%, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ tiếp tục phấn đấu đạt trên 90%.
Với thị trường quốc tế dự kiến tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, doanh thu vận tải hành khách và hàng hóa kỳ vọng đạt mức tăng trưởng hai con số trong khoảng 15-20% so với các năm trước.
Hãng bay chưa đưa ra kế hoạch kinh doanh cụ thể cho năm 2023.
Để đạt được mức tăng trưởng như trên Bamboo Airways đã định hướng một số hoạt động cụ thể như:
Đối với thị trường châu Âu: Căn cứ trên năng lực bố trí tàu bay thân rộng để thu xếp tần suất khai thác đảm bảo cạnh tranh được với các hãng bay thẳng và bay vòng.
Đối với mạng đường bay Đông Bắc Á: Tiếp tục bổ sung thêm tuyến bay đi đến SGN, đồng thời mở thêm đường bay mới đến các điểm bay mới như Busan, Osaka hoặc thị trường Trung Quốc;
Đối với thị trường Đông Nam Á: Hoàn thiện tần suất khai thác đến Singapore, Thái Lan;
Đối với thị trường Úc: Tiếp tục hoàn hiện tần suất bay để cạnh tranh với sản phẩm thường nhật của các đối thủ cạnh tranh;
Đối với thị trường nội địa: Tiếp tục bổ sung thêm tàu bay, tranh thủ cơ hội khi đối thủ đang thu hẹp quy mô cũng như định hướng duy trì slot bay đúng giờ để được xem xét cấp bổ sung slot mới.
Về hoạt động vận tải hàng hóa, sau giai đoạn đầu triển khai dưới hình thức Tổng đại lý (GSA) để nhanh chóng thâm nhập vào các thị trường trong nước và quốc tế, từ năm 2023 BAV cũng triển khai giải pháp nhằm tối ưu hơn các hoạt động trong mua bán. Cụ thể, thành lập Công ty Bamboo Air Cargo để điều hành toàn bộ hoạt động bán, phân phối hàng hóa tại các thị trường nội địa và quốc tế.
Về phát triển đội tàu bay, Bamboo Airway sẽ triển khai đề nghị Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương cho phép tăng đội bay lên trên 30 tàu và đầu tư mở rộng đội bay để đáp ứng nhu cầu thương mại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.