Sách Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới - bài 3: Sách mới nên không tránh được bỡ ngỡ

Bạch Dương Thứ hai, ngày 12/10/2020 06:19 AM (GMT+7)
Trước phản ứng của phụ huynh, giáo viên về sách tiếng Việt lớp 1 chương trình mới, lãnh đạo ngành giáo dục và các chuyên gia nhận định, đây là chương trình hoàn toàn mới nên không thể tránh khỏi bỡ ngỡ.
Bình luận 0

Khuyến khích giáo viên đổi mới

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, năm học 2019 – 2020, học sinh mầm non nghỉ kéo dài do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Năm học 2020 – 2021, các trường tựu trường muộn hơn so với những năm trước khoảng 2 tuần.

Do đó, học sinh lớp 1 chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để làm quen với trường, lớp, cô giáo, bạn bè. Việc chuẩn bị tâm lý và trang bị những kĩ năng cần thiết cho học sinh trước khi chính thức học chương trình lớp 1 có nhiều hạn chế, đặc biệt ở những trường có sĩ số học sinh đông.

Sở GDĐT TP.HCM yêu cầu các trường tiểu học cần căn cứ điều kiện thực tế của nhà trường, thực tế của học sinh lớp 1 để chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp. Bên cạnh đó, chú ý tận dụng tối đa các tiết thực hành, ôn tập, ôn luyện để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh hình thành các kỹ năng cơ bản, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Ông Hiếu nhấn mạnh: "Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của từng môn học/hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, linh hoạt xác định yêu cầu cần đạt theo từng chặng để giúp học sinh nắm vững các kiến thức, kỹ năng của môn học.

Trên cơ sở đó, giáo viên linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học sao cho gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng học sinh. Đặc biệt, giáo viên chú trọng đổi mới phương pháp, kỹ thuật, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học, sử dụng linh hoạt các thiết bị dạy học, thiết kế một số trò chơi học tập nhằm kích thích hứng thú học tập của học sinh.

Không đặt ra yêu cầu đạt chung

Dạy học phân hoá đối tượng, không đặt ra yêu cầu cần đạt chung đối với các đối tượng học sinh khác nhau trong lớp ở giai đoạn đầu năm học, tránh gây áp lực với một số em tiếp thu bài chưa tốt, chưa nhớ bài. Giáo viên nắm kỹ đặc điểm từng học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp".

Sách Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới Bài 4: Sách mới nên không tránh được bỡ ngỡ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cụ thể như đối với môn Tiếng Việt 1, giai đoạn đầu năm học, giáo viên có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kỹ năng. Đối với kỹ năng đọc đoạn, những học sinh đọc chưa tốt chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn. Những học sinh này có thể vừa đánh vần vừa đọc.

Đối với kỹ năng viết, với những học sinh viết chưa tốt chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ. Yêu cầu về các kỹ năng này sẽ được nâng cao dần qua từng chặng học tập tiếp sau.

Ngoài ra, giáo viên cũng ghi nhận sự tiến bộ, cố gắng cho dù nhỏ của từng học sinh, có biện pháp động viên, khen ngợi kịp thời để khuyến khích học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Tuyệt đối không chê bai hay phê bình học sinh.

Đồng thời giáo viên cần phối hợp với phụ huynh bằng nhiều hình thức: Thông qua cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm, giáo viên giải thích, hướng dẫn để phụ huynh hiểu những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo niềm tin và tâm lý sẵn sàng hỗ trợ con em ở nhà cho phụ huynh. Các trường tạo điều kiện cho phụ huynh gặp gỡ giáo viên sau các buổi học nếu phụ huynh có nhu cầu. Với những học sinh tiếp thu bài chưa như mong muốn, giáo viên cần chủ động mời phụ huynh đến để trao đổi, tư vấn, hướng dẫn, bàn biện pháp phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên để giúp các em tiến bộ. 

Sở cũng yêu cầu giáo viên tuyệt đối không giao bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường; không sử dụng hình thức nhắn tin (hoặc các hình thức tương tự) nhận xét về những em học sinh học tập chưa như mong muốn, tránh gây áp lực tâm lý cho phụ huynh, học sinh.

Sau mỗi tiết dạy, Sở GDĐT yêu cầu giáo viên rút kinh nghiệm, khuyến khích giáo viên làm nhật ký giảng dạy để ghi nhận những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn khi thực hiện chương trình để báo cáo với các cấp quản lý, đồng thời chuyển cho các nhà xuất bản để điều chỉnh SGK cho phù hợp khi tái bản.

Dự kiến cuối tháng 10/2020, Sở GDĐT TPHCM sẽ tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 1, qua đó rút kinh nghiệm việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa và công tác tổ chức dạy học. 

Chương trình mới đã được chuẩn bị kỹ

Nghiên cứu kỹ các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới ban hành, ông Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GDĐT TP.HCM) cho rằng cần một thời gian dài hơn mới có thể đánh giá chương trình nặng hay nhẹ. Giống như 20 năm trước, lần thay đổi chương trình năm 2000, dư luận cũng phản ứng tương tự với sách mới nhưng rồi mọi việc dần ổn định.

Ông Điệp phân tích, với chương trình và sách giáo khoa cũ, giáo án của giáo viên qua các năm không thay đổi nhiều. Ở mỗi giờ học, giáo viên nắm rõ những phản ứng (tiếp thu dễ hoặc khó) của học sinh với từng bài, từ đó điều chỉnh phù hợp. Trong khi với sách giáo khoa mới, tiết dạy của thầy cô cũng là lần đầu, phản ứng của học sinh với bài học cũng tương tự. Cả cô và trò đều bỡ ngỡ là điều dễ hiểu.

Cô Huỳnh Thị Thanh Huê, giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Chính (quận 9) cho biết, phụ huynh của lớp cũng khá hoang mang. Nhưng sau buổi họp đầu năm, khi được giáo viên chia sẻ về chương trình mới, về việc hướng dẫn làm bài ở nhà, về việc phối hợp với giáo viên trong giờ tự học, phụ huynh đều cảm thấy yên tâm. Bởi với chương trình này, phụ huynh phải đồng hành, cùng học và cùng tìm hiểu với con.

Bà Nguyễn Thị Kim Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Chính (quận 9) cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thành lập hội đồng tư vấn bao gồm ban giám hiệu, đại diện phụ huynh lớp 1, tổ trưởng chuyên môn các khối, nhân viên tin học và nhân viên thư viện. Hội đồng này có nhiệm vụ lắng nghe những tâm tư của giáo viên, từ đó có sự hỗ trợ về chuyên môn, phương pháp giảng dạy cũng như mặt kỹ thuật để giúp chương trình hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, trường cũng đã tổ chức một tiết học mở để phụ huynh có thể thấu hiểu được hoạt động của con tại lớp, từ đó có sự chia sẻ và đồng hành cùng giáo viên.

Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GDĐT quận Tân Phú, chương trình giáo dục phổ thông mới đã có sự chuẩn bị rất kỹ, từ khung chương trình, SGK, tập huấn giáo viên... Khi áp dụng vào thực tế, giáo viên nói lo lắng là một tín hiệu đáng mừng, vì nếu không thì không biết chỗ nào còn hạn chế để sửa chữa, rút kinh nghiệm hay đổi mới.

Với chương trình mới, vai trò của người làm công tác quản lý giáo dục, hiệu trưởng rất quan trọng, đó là tiếp cận cái mới để hỗ trợ giáo viên. Giáo viên trong quá trình giảng dạy cần phải nhận diện khó khăn ở khâu nào để qua đó có biện pháp điều chỉnh. Còn đối với phụ huynh, thường có tâm lý thích con mình học cái gì cũng biết ngay. Phụ huynh cần hiểu về chương trình, yêu cầu của chương trình như thế nào và con mình đã đạt được ra sao chứ không nên tạo ra áp lực cho con.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem