Sản vật đất Thái Nguyên: Lúa nếp Thầu Dầu thơm, ngon thế nào?

Hà Thanh Thứ bảy, ngày 02/11/2019 09:31 AM (GMT+7)
Nếp Thầu Dầu là giống lúa nếp đặc sản của huyện Phú Bình (Thái Nguyên) với vị đậm, mùi thơm đặc trưng và rất dẻo. Đặc biệt, khi được trồng trên những cánh đồng phì nhiêu nằm bên bờ sông Cầu ở vùng đất xã Úc Kỳ thì loại nếp này càng cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn.
Bình luận 0

Về xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình vào những ngày đầu tháng 11 này, khắp không gian đều ruộm một màu vàng, tràn ngập hương lúa chín của nếp Thầu Dầu đang vào độ thu hoạch.  

Từ lâu, lúa nếp Thầu Dầu đã trở thành đặc sản mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất ven sông Cầu của huyện Phú Bình. Với những đặc trưng riêng có, nếp Thầu Dầu được rất nhiều người ưa chuộng và trở thành một món quà quê ý nghĩa dành tặng bạn bè gần xa. 

img

Cánh đồng lúa nếp Thầu Dầu chín vàng đang vào độ thu hoạch ở xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Dừng chân bên một thửa ruộng nếp Thầu Dầu, PV Dân Việt có dịp trò chuyện với bà Hãn Thị Nghệ, người dân ở xóm Ngoài 1, xã Úc Kỳ. Vừa ôm những bó lúa mới cắt trên tay, bà Nghệ vừa vui vẻ nói: “Vụ mùa năm nay bà con nhân dân trong vùng được mùa lắm. Lúa năm nay tốt, nhiều hạt mà lại cứng cây không bị đổ như những vụ trước.

Vụ mùa này, ngoài hơn 2 sào lúa tẻ, nhà tôi cấy thêm gần 2 sào nếp Thầu Dầu mà cũng thu được tương đối thóc. Ở đây bà con cấy lúa nếp chủ yếu để bán vì gạo này được giá, còn lại mỗi nhà để dành một ít phòng những khi nhà có cỗ hay những dịp lễ tết thì mang ra đồ xôi, làm bánh”.

img

Bà Hãn Thị Nghệ phấn khởi vì vụ mùa năm nay gia đình bà và bà con nhân dân trong vùng được mùa.

Bà Nghệ còn phấn khởi cho biết thêm, gia đình nhà bà đã cấy lúa nếp Thầu Dầu từ nhiều năm nay nhưng trước đây chỉ cấy giống lúa thấp cây. Năm nay, Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai trồng loại giống cây cao này cho năng suất cao hơn. Trung bình mỗi sào lúa của gia đình bà cho khoảng hơn 2 tạ thóc, với giá bán ở thời điểm hiện tại từ 1,5 triệu đến 1,6 triệu đồng/tạ thóc.

img

Những bông lúa nếp Thầu Dầu sai trĩu hạt  

Chị Dương Thị Hảo (xóm Tân Lập, xã Úc Kỳ) cho hay, nhận thấy giá trị và năng suất mà lúa nếp Thầu Dầu mang lại nên những năm gần đây bà con trong vùng chủ yếu chuyển sang trồng nhiều lúa nếp. Còn lúa tẻ chỉ trồng để đủ ăn. Vụ này nhà chị trồng 4 sào lúa nếp Thầu Dầu với sản lượng trung bình đạt 2,5 tạ thóc/sào.

Cũng theo chị Hảo, nếp Thầu Dầu cho năng suất cao hơn rất nhiều so với các loại nếp thông thường, hơn nữa công chăm sóc lại ít và dễ, không tốn lân đạm nhiều. Nếu trồng đúng theo quy trình kỹ thuật được triển khai và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học mà Trung tâm khuyến nông tỉnh cung cấp thì bông lúa đều, sai hạt và chất lượng tốt.

"Lúa nếp Thầu Dầu phù hợp với thời tiết lạnh nên chỉ được trồng vào vụ mùa từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm. Đặc biệt đây là loại lúa chịu sâu bệnh tốt hơn những loại lúa nếp khác và hầu như không có sâu bệnh", chị Hảo nói.   

img

Những hạt thóc Thầu Dầu chắc mẩy sau khi thu hoạch được đem về phơi tại sân.

Ông Lê Cẩm Long – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết, vụ mùa năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Công ty Quế Lâm Phương Bắc, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình và UBND xã Úc Kỳ triển khai mô hình sản xuất lúa nếp Thầu Dầu theo hướng hữu cơ trên quy mô 14ha ở 5 xóm thuộc xã Úc Kỳ với 143 hộ dân tham gia.

Qua mô hình này, những hộ dân tham gia được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc BVTV, được tham gia tập huấn kiến thức trồng và chăm sóc cây lúa. Theo đánh giá bước đầu, mô hình này đã đạt hiệu quả kinh tế cao mang lại năng suất và chất lượng tốt, giảm chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động.  

Lúa nếp Thầu Dầu là giống lúa có thời gian sinh trưởng dài, phù hợp với chân ruộng không trồng cây màu vụ đông. Do đó, việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng và rút ngắn quá trình đẻ nhánh so với phương pháp thông thường. Trong quá trình chăm sóc, để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, cần chú ý đến công đoạn bón phân gồm 1 lần bón lót, 1 lần bón thúc khi cấy từ 10 – 12 ngày kết hợp với làm cỏ sục bùn và bón thúc lần 2 hay còn gọi là bón đón đòng.

Ông Dương Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ chia sẻ: Nếp Thầu Dầu được người dân địa phương gọi là Nếp Ả Thầu Dầu, đây là giống lúa thuần cổ truyền chất lượng cao được gieo cấy từ lâu đời trên vùng đất phù sa dọc bờ sông Cầu tại xã Úc Kỳ. Gạo nếp Thầu Dầu có hương thơm nhẹ, dẻo, vị đậm, là thực phẩm không thể thiếu trong những dịp lễ tết để làm bánh chưng, bánh giầy, làm xôi.

Ngoài làm bánh, đồ xôi, gạo nếp Thầu Dầu còn được dùng để làm món tương nếp rất ngon là đặc sản nổi tiếng của xã Úc Kỳ. Xưa nay tương nếp Úc Kỳ đã trở thành gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân nơi đây. Món tương này đã và đang từng bước khẳng định thương hiệu cũng như dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, rơm lúa nếp cũng được người dân địa phương tận dụng để làm chổi bán giúp tăng thêm nguồn thu nhập.

img

Ngoài làm bánh, đồ xôi, gạo nếp Thầu Dầu còn được dùng để làm món tương nếp đặc sản nổi tiếng của xã Úc Kỳ.

Nếp Thầu Dầu với người dân xã Úc Kỳ hôm nay không chỉ là sản phẩm đặc trưng của địa phương mà còn nông sản giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nhân dân. Năm 2012 lúa nếp Thầu Dầu đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận Nhãn hiệu tập thể “Lúa nếp Thầu Dầu Phú Bình”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem