Đó là chia sẻ của một nhân viên điều dưỡng đã túc trực tại hiện trường vụ sập công trình hầm thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).
“Chúng tôi đã rất hoảng loạn”
Lực lượng cứu hộ ngày đêm khoan hầm cứu các nạn nhân đang mắc kẹt.
Sáng 17.12, chúng tôi đã tiếp cận được anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân của Công ty cổ phần Sông Đà 505, người may mắn thoát nạn trong vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra sáng 16.12. “Tôi đang đi sau chiếc xe máy đào thì bất ngờ nghe tiếng đất đá đổ ầm ập xuống. Ngay lập tức, tôi quay đầu chạy thục mạng ra ngoài gọi mọi người đến cứu. Rồi liền sau đó quay vào để giúp đỡ anh em bên trong. Khi nghe tin, anh em ở các công trường khác kéo về cùng nhau đào đất để đưa những người bên trong ra. Nhưng càng đào, đất càng đổ xuống. Ban đầu, vẫn còn có thể nhìn được vào bên trong nhưng sau đó không lâu thì lấp hẳn” - anh Tuấn bàng hoàng kể.
“Lúc đó, ngoài 12 người vào bên trong còn có tôi và 2 người khác nữa đang đi vào sau. Khi xảy ra tai nạn tại công trường chỉ còn 3 chúng tôi và 2 người khác nữa đau chân nằm trong lán. Vậy nên, tất cả đã rất hoảng loạn. Phải khoảng 1 giờ sau, lực lượng cứu hộ, cứu nạn mới đến được hiện trường” - anh Tuấn kể tiếp.
Đã hơn một ngày trôi qua, anh Tuấn vẫn chưa một phút nào ngơi dõi theo những người bị nạn. Bởi trong đó không chỉ có đồng nghiệp mà có cả thân thích của anh. Khi chúng tôi gặp, anh đang thất thểu từ trong hầm đi ra với quần áo lấm lem bùn đất. Anh bảo “vẫn chưa tiến triển được nhiều” rồi ngồi bệt xuống đất nhìn về phía cửa hầm.
“Cả đêm qua, lòng em như lửa đốt”
Không chỉ anh Tuấn, mà gần như trên tất cả khuôn mặt của những người đang ở tại hiện trường vụ tai nạn đều chung một nỗi lo lắng. Cil Mup Gluyết, một nhân viên cấp dưỡng của trung tâm y tế huyện Lạc Dương, cũng túc trực suốt từ sáng qua đến giờ. Cô gái hơn 20 tuổi này chia sẻ với chúng tôi: “Em thấy sốt ruột và mong những người trong đó như chính người thân của mình. Chắc họ đã phải sợ hãi lắm, bởi trong đó họ đang phải chống chọi với bóng tối và cái rét thấu xương. Ở trong đó, không chỉ có đàn ông, thanh niên mà còn có cả một cô gái mới 26 tuổi". “Cô ấy chắc sợ hãi lắm!” - một nữ công nhân khác nói với chúng tôi.
Đêm qua, ở hiện trường vụ tai nạn, niềm vui như vỡ òa khi lực lượng cứu hộ đã “bắt tín hiệu” được với những người bị nạn. Cil Mup Gluyết kể: “Tất cả mọi người ai nấy đều rất hân hoan. Một niềm vui rất khó tả lan tỏa một cách nhanh chóng đến tất cả mọi người”.
Nhưng cũng thời điểm đó, ở một nơi khác có một người đang đứng ngồi không yên. Đó là chị Phan Thị Hoa, quê ở Hà Nam, vợ nạn nhân Trương Tuấn Việt. Chị Hoa biết tin từ trưa 16.12 nhưng do không mua được vé máy bay nên đến chiều nay chị mới vào được. Cũng như hàng triệu người dân đang nghẹt thở theo dõi thông tin về các nạn nhân trên báo chí, chị Hoa đã rất vui mừng khi biết tin đã liên lạc được với các nạn nhân. “Em đã rất mừng nhưng cũng rất lo bởi tất cả các thông tin đều chưa rõ ràng. Cả đêm qua em không thể ngủ được, lòng như lửa đốt. Lúc mới hay tin, em như muốn rụng rời chân tay nhưng không có cách nào có thể vào ngay được” - chị Hoa nói với chúng tôi khi vừa đến hiện trường.
Khoảng 16 giờ ngày 17, chị Hoa đến hiện trường với dáng vẻ rất mệt mỏi. Lo lắng cho sức khỏe của chị, các nhân viên y tế túc trực tại hiện trường đã dìu chị vào lán trại thăm khám sức khỏe và cho chị nghỉ ngơi. “Nhà neo người chỉ có vợ chồng em cùng hai đứa con sống chung với ông nội các cháu. Em đi thế này, mấy cháu nhỏ ngoài đó phải giao cho ông. Cuộc sống khốn khó quá nên mới đành để ảnh đi làm, chứ ảnh đi rồi mẹ con em ngoài đó vất vả lắm” - chị Hoa rưng rưng.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gọi điện cho tôi, chỉ đạo phải tìm cách nhanh nhất để cứu các nạn nhân ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng cứu hộ cũng như rút kinh nghiệm cho việc triển khai các công trình tương tự"
(Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến)
Dù nước vẫn đang dâng lên nhưng họ đã tìm được những vị trí cao để bám trụ. Với tốc độ nước dâng lên như hiện nay, phải đến vài ngày mới có thể gây nguy hiểm cho anh em trong hầm. Trong khoảng thời gian này, chắc chắn lực lượng cứu hộ sẽ khoan đến nơi, hút nước ra ngoài"
(Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng)
Nhiều lực lượng đến cứu hộ, cứu nạn
Quân khu điều 30 người của Lữ đoàn Công binh tham gia cứu hộ, cứu nạn.
2 giờ sáng (18.12) 10 thợ lò đặc biệt tinh nhuệ của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam sẽ tiếp ứng cùng 8 thợ lò đã có mặt tại hiện trường vụ sập hầm thủy điện. Họ sẽ “mở đường máu” cứu 12 công nhân đang bị mắc kẹt.
TS. BS Nguyễn Trường Sơn- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, 3 bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên Lâm Đồng sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tỉnh Lâm Đồng trong việc ứng cứu các nạn nhân.
Chiều 17.12, đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TP.HCM cho hay, đoàn xe chi viện do Sở PCCC TP điều động gồm 2 xe cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp, 2 xe chuyên dụng chở 45 cán bộ chiến sĩ, cùng nhiều thiết bị, máy móc chuyên nghiệp lên đường đến hiện trường khu vực sập hầm mỏ ở Lâm Đồng để tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ...
Anh Tuấn - DH - Anh Thư
Vui lòng nhập nội dung bình luận.