Sau loạt bài "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp, Quán quân Startup Việt 2020, Giám đốc Công ty Tép Bạc nói gì?

Trần Quang Thứ tư, ngày 20/12/2023 11:13 AM (GMT+7)
Sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng bài: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Kỳ lạ hệ thống cảm biến ao cá... nằm bờ vì mạng chập chờn", phóng viên đã liên hệ với ông Trần Duy Phong, nhà sáng lập, Giám đốc Công ty TNHH Tép Bạc (CEO Tép Bạc) - Quán quân Startup Việt 2020 để ghi nhận phản hồi xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0
Sau loạt bài "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp:  Thiết bị số gặp lỗi, người dân không có nhu cầu sử dụng?  - Ảnh 1.

Ông Trần Duy Phong, nhà sáng lập, Giám đốc Công ty TNHH Tép Bạc (CEO Tép Bạc) - Quán quân Startup Việt 2020.

Do khách hàng không có nhu cầu sử dụng?

Sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng bài: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Kỳ lạ hệ thống cảm biến ao cá... nằm bờ vì mạng chập chờn", phản ánh thực trạng thiết bị cảm biến, sản phẩm của Tép Bạc lắp đặt hỗ trợ người dân chăm sóc cá gặp nhiều lỗi, người dân sử dụng không hiệu quả, đến nay đơn vị đã khắc phục như thế nào?

- Bên tôi đã cử người ra Vĩnh Phúc hỗ trợ, xử lý rồi. Kể cả trước đây, trong quá trình lắp đặt, công ty vẫn luôn cử cán bộ theo dõi và hỗ trợ khách hàng, kể cả khi thiết bị gặp trục trặc, Tép Bạc cũng xử lý kịp thời giúp người dân sử dụng thiết bị đảm bảo luôn hiệu quả. Không có tình trạng khách hàng không sử dụng được sản phẩm của công ty mà chúng tôi bỏ khách hàng.

Trong quá trình khảo sát người dân chuyển đổi số, sử dụng thiết bị cảm biến của Tép Bạc, phóng viên phát hiện ra rất nhiều vấn đề, thậm chí có hộ dân (khách hàng của Tép Bạc) sau một thời gian sử dụng không hiệu quả đã đưa thiết bị lên bờ và ngắt hệ thống, ngừng sử dụng hoặc có chủ trại nuôi cá trẻ tuổi  trong quá trình sử dụng thiết bị bị dứt dây kết nối hệ thống cũng gặp khó khăn trong việc thay thế thiết bị để tiếp tục sử dụng, Tép Bạc xử lý vấn đề này như thế nào?

- Vấn đề này để chúng tôi xác nhận lại với đơn vị phối hợp ở Vĩnh Phúc xem chính xác hộ nuôi nào và họ đang gặp vấn đề gì để xử lý. Vừa qua, chúng tôi cũng đã cùng với đơn vị ở Vĩnh Phúc đi kiểm tra và xử lý hết các hộ nuôi gặp vấn đề về thiết bị.

Tép Bạc đã phối hợp với một cơ quan của Vĩnh Phúc thực hiện Mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh 2 đợt. Đợt 1 khoảng 2 năm đầu và dù các thiết bị lắp đặt đã hết hạn bảo hành (thiết bị cảm biến bảo hành 1 năm) nhưng chúng tôi vẫn hỗ trợ khách hàng xử lý các trục trặc phát sinh trong quá trình sử dụng và đến thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, khi Tép Bạc trao đổi, khách hàng phản hồi: Không có nhu cầu sử dụng thiết bị số. Vấn đề nằm ở chỗ: Khi triển khai mô hình, chúng ta chưa khảo sát, tìm hiểu kỹ nhu cầu của người chăn nuôi và các cán bộ, kỹ thuật không tư vấn kỹ về các giải pháp mới mang lại hiệu quả cho chăn nuôi nên sau một năm sử dụng, khách hàng kêu: Không có nhu cầu sử dụng thiết bị này tiếp nên không có nhu cầu bảo trì, bảo dưỡng nữa.

Trong khi triển khai Mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh ở Vĩnh Phúc có sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm thiết bị hỗ trợ cho người dân chuyển đổi số, áp dụng thiết bị mới vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Nếu người dân không tiếp cận, khó sử dụng công nghệ mới mà Nhà nước hỗ trợ thì sẽ gây lãng phí ngân sách và người dân không được thụ hưởng các chủ trương, chính sách hỗ trợ của địa phương?

-Tép Bạc phối hợp với Vĩnh Phúc làm Mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh nhưng trong đợt 1 (năm 2022) chúng tôi không trực tiếp làm mà phải thông qua một đơn vị khác. Tép Bạc chỉ đóng vai trò là doanh nghiệp cung cấp thiết bị cho đơn vị trung gian đấu thầu phối hợp với Vĩnh Phúc thực hiện mô hình trên. Theo đó, Tép Bạc không làm việc, hay tư vấn kỹ thuật trực tiếp cho khách hàng.

Thông qua Báo điện tử Dân Việt, chúng tôi cũng rất mong muốn trước khi thực hiện, chuyển giao các thiết bị, công nghệ mới đến nông dân, chúng ta phải tìm hiểu, khảo sát rất kỹ nhu cầu của khách hàng và các giá trị, hiệu quả mà các thiết bị đó mang lại cho người dùng như thế nào? Qua đó giúp người dân hiểu rõ về giá trị sản phẩm mới để bà con yên tâm lắp đặt và sử dụng thiết bị mới mang lại hiệu quả cao nhất.

Sau loạt bài "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp:  Do thiết bị số gặp lỗi, người dân không có nhu cầu sử dụng? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn điều khiển hệ thống cho cá ăn tự động tại ao của gia đình ở huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).

Ở Vĩnh Phúc, nông dân nuôi cá truyền thống không quan tâm và không có nhu cầu sử dụng thiết bị mới nên khi được hỗ trợ lắp đặt, bà con sử dụng một thời gian còn sợ tốn điện, tốn tiền mạng internet nên rút phích cắm, ngắt mạng nên thiết bị nhanh hư hỏng hoặc có sử dụng lại cũng không được hiệu quả như mong muốn.

Hiện nay, Tép Bạc phối hợp với đơn vị của Vĩnh Phúc hỗ trợ người dân lắp đặt 2 thiết bị: Thiết bị điều khiển tự động, thiết bị đo môi trường. Trong đó, thiết bị đo môi trường thì người nuôi cá không quan tâm nhưng thiết bị điều khiển tự động vẫn có người dùng.

Các thiết bị này Tép Bạc đã nghiên cứu và đưa ra thị trường từ năm 2016 nên đến giờ sản phẩm số vẫn còn mới mẻ và vẫn có tỷ lệ bị lỗi. Đến nay, chúng tôi đã lắp đặt thiệt bị mới này tại một số tỉnh, thành như Vĩnh Phúc, Nghệ An, Long An, Bạc Liêu...

Trong quá trình lắp đặt thiết bị, đội ngũ kỹ thuật của Tép Bạc đã hỗ trợ người chăn nuôi rất nhiệt tình, khi có khách hàng báo lỗi là công ty sẽ cho người sửa chữa ngay. Tuy nhiên, đối với các khách hàng không có nhu cầu sử dụng, công ty liên hệ để xử lý, bảo dưỡng thiết bị rất khó khăn.

Chúng tôi cũng khẳng định lại: Tép Bạc xác định làm sản phẩm thật, chứ không phải làm cho có.

Thiết bị có tỷ lệ hư hỏng, lỗi

Là người làm báo về mảng nông nghiệp, chúng tôi rất quan tâm đến việc nông dân áp dụng các thiết bị, phần mềm, công nghệ mới, nhất là phần mềm, thiết bị số vào sản xuất đạt hiệu quả cao giúp nâng cao thu nhập cho bà con. Nếu sau khi được chuyển giao công nghệ mới nhưng người dân sử dụng thiết bị kém hiệu quả và có nhiều nông dân phản ánh, chúng tôi về ghi nhận thực tế thấy đúng thực trạng trên thì do trách nhiệm của đơn vị, doanh nghiệp và thiết bị lắp đặt có vấn đề, có lỗi?

- Đúng rồi, thiết bị bên Tép Bạc, trong đó có thiết bị cảm biến môi trường nước vẫn có tỷ lệ hư hỏng, lỗi nhưng chúng tôi vẫn hỗ trợ, bảo trì, bảo hành, bảo dưỡng cho khách hàng đầy đủ.

Sau loạt bài "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp:  Do thiết bị số gặp lỗi, người dân không có nhu cầu sử dụng? - Ảnh 5.

Nông dân ở các vùng tại Vĩnh Phúc áp dụng công nghệ mới chăm sóc cá thuận lợi hơn sau loạt bài: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp đăng trên Báo điện tử Dân Việt.

Trong thời gian tới, Tép Bạc có giải pháp khắc phục lỗi, hỗ trợ người dân, khách hàng của mình sử dụng thiết bị số hiệu quả hơn?

-Thực ra thiết bị của Tép Bạc hướng đến đối tượng nuôi tôm là chính nhưng phía Vĩnh Phúc triển khai kết hợp cả thiết bị điều khiển và đo môi trường để lấy phản hồi nhu cầu của người nuôi.

Tôm và cá đều là thủy sản nhưng về môi trường nuôi vẫn có thể có sự khác nhau về nhiệt độ, pH... Nếu chúng ta lắp thiết bị nuôi tôm để nuôi cá sẽ không chuẩn và không đảm bảo tính hiệu quả của thiết bị và đối tượng nuôi?

-Đúng rồi! chính xác. Cá có thể nuôi ở nước dơ nhưng nuôi tôm phải xử lý thường xuyên và có phương pháp xử lý riêng mới đem lại hiệu quả kinh tế. Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề cần phải giải quyết.

Xin cảm ơn ông!

Loạt bài "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp của tác giả Trần Quang, Nguyễn Quỳnh (Báo điện tử Dân Việt) đã đoạt giải Nhất Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam 2023 tại Lễ trao giải ngày 10/12/2023 vừa qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem