Tăng cường quản lý rác thải cồng kềnh, tại sao không?

Mỹ Quỳnh Thứ hai, ngày 21/09/2020 15:41 PM (GMT+7)
Rác thải cồng kềnh đã là vấn nạn từ rất lâu đối với ngành xử lý môi trường nhưng, giải pháp thu gom, quản lý, xử lý loại rác thải cồng kềnh này vẫn chưa có một đường hướng cụ thể để mang lại hiệu quả. Rác thải cồng kềnh, thường gộp chung với rác thải sinh hoạt đã khiến cho không ít công nhân ngành môi trường vất vả.
Bình luận 0

Không thu gom hay thu gom, đều gặp khó

Rác thải cồng kềnh trên thực tế được người dân thải ra, hầu hết là những vật dụng sinh hoạt đã không còn sử dụng như: Đồ gỗ, gường tủ, ghế, nệm, trần thạch cao, v.v…

Tăng cường quản lý rác thải cồng kềnh, tại sao không? - Ảnh 1.

Chất thải rắn cồng kềnh là đồ gỗ gia dụng đã phế thải, nhưng được vứt nhan nhản bên hè phố...

Phần lớn rác cồng kềnh này vừa khó chất xếp lên xe vận chuyển thủ công, xe tải nhỏ; vừa khó cuốn ép, cũng như mang đi chôn lấp. Bên cạnh đó, rác cồng kềnh còn có nhiều chất liệu đa dạng, từ gỗ, nhựa, thạch cao, sắt, thép… nên gần như không thể đem đi chôn lấp tất cả mà cần phải được phân loại để xử lý cho phù hợp.

Hiện nay, hầu hết rác thải cồng kềnh vẫn được người dân bỏ lẫn lộn với rác thường tại các điểm tập kết. Đáng nói hơn, do ngại vận chuyển đến điểm chân rác, nhiều chiếc bàn, ghế, sofa đệm mút… vẫn bị bỏ ngay trên vỉa hè, trước cửa nhà dân mà không cần biết chúng có được sớm vận chuyển đi xử lý hay không.

Vô hình chung, hành động này tạo nên những chướng ngại vật trên hè đường, vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến giao thông, vừa làm mất mỹ quan đô thị. Thậm chí nhiều trường hợp, do duy tâm, giường, tủ của người đã khuất còn bị đem vứt xuống sông, hồ hoặc thiêu đốt. Đó chính là một trong những nguồn gây ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến dòng chảy của sông, hồ và tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn.

Tăng cường quản lý rác thải cồng kềnh, tại sao không? - Ảnh 2.

Các địa phương mở chiến dịch thu gom quét dọn rác trên đường phố, nơi công cộng...

Anh Nguyễn Văn Lâm, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường-Đô thị TP.HCM cho rằng: "Rác thải cồng kềnh có chất liệu đa dạng, từ gỗ, nhựa, thạch cao, sắt, thép… nên không thể đem chôn lấp tất cả mà cần phải được phân loại để xử lý cho phù hợp. Trong nhóm rác cồng kềnh, giường, tủ, bàn, ghế… là còn tương đối dễ xử lý hơn các loại như: tủ lạnh, biển hộp có gắn đèn, bình nóng lạnh…".

Thực tế là vâỵ, nhưng hiện nay, quy định của Nhà nước mới chỉ có quy định riêng đối với chất thải xây dựng, chất thải y tế…; còn chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh vẫn chưa được đưa vào nhóm cần được quan tâm, xử lý riêng, đặc thù. Vì vậy, các loại rác có cấu kiện điện tử và cả một số chất liệu có khả năng gây độc hại, hiện vẫn được xử lý chung với rác sinh hoạt mà chưa được phân loại.

Tăng cường quản lý rác thải cồng kềnh, tại sao không? - Ảnh 3.

Chất thải rắn cồng kềnh là nệm, drap... phế thải.

TP.HCM tăng cường quản lý

Ngày 8/9 vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản số 3445/UBND-ĐT gửi Sở Tài nguyên-Môi trường, các công ty dịch vụ công ích quận huyện và các công ty xử lý rác. Qua đó,UBND TP.HCM chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất thải rắn cồng kềnh trên địa bàn TP.

Theo UBND TP.HCM, với chủ trương đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư, quản lý chất thải trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, thực hiên cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch".

Trong đó, nhằm khắc phục tình trạng chất thải rắn cồng kềnh thải bỏ không đúng nơi quy định trên địa bàn TP, UBND TP.HCM đã giao Công ty TNHH MTV Môi trường-Đô thị TP, các công ty dịch vụ công ích tại 24 quận huyện hoặc đơn vị trúng thầu cung ứng dịch vụ quét dọn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn xây dựng đề án, tổ chức thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh.

Tăng cường quản lý rác thải cồng kềnh, tại sao không? - Ảnh 4.

Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TP.HCM tặng thưởng cho công nhân có thành tích xuất sắc.

UBND TP.HCM cho rằng, cần phải xây dựng phương thức tổ chức thu gom tại nguồn; xác định địa điểm tại địa phương để thiết lập điểm tập kết tiếp nhận và xử lý sơ bộ chất thải rắn cồng kềnh như: tháo rã, giảm thể tích… Tăng cường tái sử dụng và tái chế các loại chất thải rắn cồng kềnh để tiếp nhận. Các thành phần không thể tái sử dụng, tái chế, thì được vận chuyển đến các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt để xử lý.

UBND TP cũng yêu cầu các tổ chức, đơn vị liên quan phải xây dựng và ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh để thỏa thuận cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh với chủ nguồn thải, hộ gia đình.

UBND TP chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi hộ dân về chủ trương quản lý chất thải rắn cồng kềnh. Đặc biệt, UBND TP đã chỉ đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho Công ty TNHH MTV Môi trường-Đô thị, các công ty dịch vụ công ích quận huyện … có được các điểm tập kết để tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh.

Tăng cường quản lý rác thải cồng kềnh, tại sao không? - Ảnh 5.

Lãnh đạo UBND TP.HCM tham quan khu xử lý rác Gò Cát (quận Bình Tân, TP.HCM).

Tổ chức lắp đặt camera giám sát tại các vị trí thường xuyên phát sinh chất thải rắn cồng kềnh thải bỏ không đúng nơi quy định. Tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm đối với các trường hợp địa phương đã công bố dịch vụ thu gom mà người dân không tuân thủ và thải bỏ chất thải rắn cồng kềnh không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị…

Ông Huỳnh Minh Nhựt – Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường – Đô thị TP.HCM – nói: "Tại các nước phát triển trên thế giới đã có các quy định hết sức chặt chẽ về việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải cồng kềnh. Thí dụ như ở Hàn Quốc, việc xử lý các vật dụng lớn như giường, tủ, đệm, sofa, bảng, biển, bình nóng lạnh, tủ lạnh… sẽ phải trả phí từ 2.000 - 15.000 won (tương đương 40.000 - 300.000 đồng) cho mỗi món đồ tùy vào kích thước lớn nhỏ và độ phức tạp khi xử lý.

Nhưng ở Việt Nam, thì vẫn chưa có quy định nào rõ ràng về chi phí này. Đã tới lúc Nhà nước cần hình thành một quy định cụ thể cho việc quản lý, xử lý loại rác thải đặc thù và rất phổ biến này".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem