"Thay vì làm nhiều việc, chỉ cần thay tướng": Loạt "điểm cộng" tại EVN, PVN (Bài 3)
"Thay vì làm nhiều việc, chỉ cần thay tướng": Loạt "điểm cộng" tại EVN, PVN (Bài 3)
H.Anh
Thứ sáu, ngày 07/06/2024 07:00 AM (GMT+7)
EVN và PVN là 2 trong 3 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ dẫn chứng cho việc "khi thay một vài người trong bộ máy lãnh đạo đã tạo hiệu quả cao trong công việc". Từ cuối năm 2023, riêng EVN đã có hàng chục dự án hoàn thành, trong đó nhiều công trình trọng điểm.
LTS: Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tuần trước, ĐBQH - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong triển khai các công việc nói chung và các dự án giao thông nói riêng.
"Chính sách là con người, tổ chức thực hiện là con người, lãnh đạo cũng là con người. Nhiều lúc tôi chia sẻ thay vì làm nhiều việc thì làm một việc là thay người mà rất hiệu quả", Thủ tướng nói và dẫn chứng ở một số đơn vị như Đường sắt Việt Nam (VNR), Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN) khi thay một số nhân sự cấp cao trong bộ máy lãnh đạo đã tạo ra hiệu quả đáng kể trong công việc.
Nhân phát biểu của Thủ tướng, Báo Dân Việt triển khai loạt bài "Thay vì làm nhiều việc, chỉ cần thay tướng" - Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước "lột xác" nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể về những chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước sau khi có những thay đổi về mặt thượng tầng; cùng các chuyên gia phân tích và đưa ra một số giải pháp để giúp các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước có thể hoạt động trơn tru, hiệu quả hơn.
EVN lột xác hậu "thay tướng"
Tại EVN, "người tiền nhiệm" là ông Trần Đình Nhân. Ông Nhân được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc EVN từ tháng 12/2018. Tháng 12/2023, ghế Tổng Giám đốc EVN được thay thế: Ông Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm thay ông Nhân. Động thái này diễn ra sau "lùm xùm" về tình trạng gián đoạn cung ứng điện diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2023, gây xôn xao dư luận.
Thực tế, tình trạng thiếu điện không phải "chuyện xưa nay hiếm". Tình trạng cắt điện luân phiên vì thiếu điện là "điệp khúc" lặp lại trong vài chục năm trở lại đây.
Tuy nhiên, trong giai đoạn ông Trần Đình Nhân còn đương nhiệm, tình trạng này lên đến "đỉnh điểm" khi thiếu điện, cắt điện luân phiên diễn ra trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, gây thiệt hại cho nền kinh tế. "Sức nóng" của việc thiếu điện lan cả vào nghị trường Quốc hội trong các kỳ họp.
Có rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến việc thiếu điện đã được "mổ xẻ". Thế nhưng, một trong những lý do ít được nhắc đến đó là do yếu tố con người trong các khâu điều hành, tính toán không khoa học, quan liêu, không đôn đốc, đi sâu đi sát kiểm tra... Nhiều dự án của EVN chậm tiến độ khiến tình trạng thiếu điện cũng trở nên nghiêm trọng hơn.
Không chỉ để xảy ra tình trạng gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, EVN giai đoạn 2018 - 2023 còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thua lỗ liên tiếp dẫn đến lỗ lũy kế lớn.
Thống kê của Dân Việt cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2019 đến cuối năm 2023, doanh thu của Tập đoàn tăng trưởng liên tục qua các năm, với mức tăng bình quân 5,2%/năm.
Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận lại không hề "sáng". Riêng khoản lỗ sau thuế hợp nhất năm 2022 là trên 20.700 tỷ đồng và năm 2023 (ước tính) khoảng 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng. Chỉ tính đến 30/6/2023, EVN đang gánh số lỗ lũy kế lên đến 43.845 tỷ đồng.
Một chỉ tiêu khác cũng đáng lưu tâm tại EVN giai đoạn này. Theo đó, tổng tài sản của EVN đến cuối năm 2023 chỉ còn trên 630.500 tỷ đồng, "bốc hơi" 90.000 tỷ so với thời điểm 31/12/2019 – năm đầu tiên ông Nhân đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc (tương đương giảm 12,6%).
Quy mô tài sản suy giảm, trong khi vốn chủ sở hữu không biến động mạnh là điều không hề mong muốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhà nước.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu luôn duy trì quanh mức 2% (giai đoạn 2018 – 2022). Đáng chú ý, nợ phải thu khó đòi có chiều hướng gia tăng trong giai đoạn này. Trên thực tế, nợ khó đòi của các doanh nghiệp nhà nước tăng cao là vấn đề được nhắc nhiều trong các báo cáo tình hình kinh tế xã hội khi Chính phủ gửi tới Quốc hội trong tất cả các kỳ họp.
Những bất cập tồn tại của EVN được nhận diện. Công cuộc "tái cơ cấu" dàn nhân sự đã diễn ra tại EVN và các đơn vị thành viên sau sự cố về cung ứng điện năm 2023, nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị thành viên; đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn Nhà nước tại đơn vị này.
Theo đó, ông Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc thay thế ông Nhân vào tháng 12/2023 và trước đó vào tháng 7/2023, Thứ trưởng Đặng Hoàng An được điều động, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch tập đoàn này.
Hậu "thay người", công tác cung ứng điện của EVN đã ghi nhận những "điểm cộng" trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ trong 4 tháng đầu năm EVN và các đơn vị đã khởi công 34 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 36 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV, trong đó đã hoàn thành trong tháng 4 một số dự án quan trọng như: Trạm biến áp 220kV Phố Cao và đấu nối, máy biến áp 220kV thứ 2 trạm biến áp Thái Thụy...
Các điểm nghẽn cho các dự án dần được tháo gỡ. Kết quả, đến hết ngày 31/5/2024, Dự án đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn NMNĐ Nam Định I – Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành công tác dựng cột, đáp ứng được mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500kV hiện hữu, đảm bảo tiêu chí N-1. Đồng thời giúp nâng cao độ dự trữ ổn định truyền tải trên giao diện Bắc - Trung, kết hợp với các cung đoạn đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, NMNĐ Nam Định I - Phố Nối, góp phần bổ sung công suất từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc.
Tính đến hết ngày 31/5/2024, toàn tuyến đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đã hoàn thành 1.177/1.177 vị trí móng. Toàn tuyến đã bàn giao 775/1.177 cột thép; hoàn thành lắp dựng và đang lắp dựng 748/1.177 cột; hoàn thành và đang kéo dây 41/513 khoảng néo.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối là dự án trọng điểm cấp bách và phải hoàn thành vào tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc ngay từ mùa nắng nóng năm nay. Hiện tại EVN đang rốt ráo để sớm hoàn thành dự án này.
Đến hết tháng 5 mặc dù sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc tính theo ngày đã đạt kỷ lục mới, vượt 1 tỷ kWh, song tình trạng thiếu điện diện rộng gây bức xúc dư luận, đặc biệt là tại miền Bắc như tình trạng diễn ra trong năm 2023 chưa xảy ra.
Đối với các dự án chậm tiến độ như dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I, tiến độ đã đạt gần 60%, trong khi tính toán dự kiến trước đó chỉ đạt 61% vào cuối năm nay.
Mặc dù vậy, nếu nhìn ở góc độ tài chính, có lẽ EVN chưa thể ngay lập tức thoát lỗ trong năm 2024 và có thể lâu hơn. Cũng còn quá sớm để khẳng định rằng việc "thay tướng" lần này là phương án tốt nhất đối với EVN, thế nhưng những thay đổi tích cực nhãn tiền có thể thấy là không thể phủ nhận.
Còn tại PVN, từ năm 2005 đến 2017, PVN đã trải qua 4 đời Chủ tịch và cả 4 cựu lãnh đạo trên đều bị khởi tố bắt tạm giam, liên quan đến tham nhũng. Điều này khiến cho hoạt động kinh doanh của PVN gặp nhiều khó khăn. Chỉ đến giữa năm 2019, dàn lãnh đạo thượng tầng được củng cố, PVN từng bước vượt khó.
Đến năm 2023, PVN đã lập một loạt kỷ lục kinh doanh mới như: Doanh thu đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm. Quy mô doanh thu năm 2023 đã tăng 66,6% so với năm 2020, tương đương 9,2% GDP cả nước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại PVN duy trì mức cao, có thời điểm lên tới trên 11,5%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, vượt 57% kế hoạch năm. Năm 2022 và 2021, PVN cũng lãi "khủng".
Trước đó, năm 2020 trong bức tranh nhiều gam tối của ngành dầu khí thế giới năm 2020 với hàng loạt tập đoàn tên tuổi bị thua lỗ, thậm chí phá sản, PVN là một trong số ít các doanh nghiệp dầu khí "vượt bão" an toàn.
Về đầu tư, giá trị thực hiện đầu tư của năm 2023 đạt mức tăng trưởng cao nhất sau nhiều năm với mức tăng 24% so với thực hiện năm 2022. PVN đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm khó khăn gồm: Dự án Thái Bình 2; Kho cảng LNG Thị Vải; đưa vào khai thác sớm 4 mỏ/công trình dầu khí (nhiều hơn so với kế hoạch năm 1 mỏ công trình).
Đáng nói, PVN cũng có 2 phát hiện dầu khí mới, đồng thời cũng thực hiện ký kết các hợp đồng EPC dự án phát triển mỏ thuộc Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn sau nhiều năm....
Tuy nhiên, PVN vẫn còn những hạn chế được Kiểm toán Nhà nước nhắc tên trong báo cáo gửi tới Quốc hội kỳ này như: Dự án chậm tiến độ, đặc biệt có trường hợp chậm trên 10 năm như PETEC Cái Mép; dự án dừng, tạm dừng thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn, chưa được xử lý dứt điểm như PVCFC (03 dự án 3,56 tỷ đồng); PVPOWER (Dự án Công trình Luông Prabang (Lào) 131,56 tỷ đồng, Dự án tiểu khu 2 tại Nhơn Trạch 25,7 tỷ đồng); PVFCCo (03 dự án 81,73 tỷ đồng); quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn;...
Hiện ông Lê Mạnh Hùng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN. Ông được bổ nhiệm từ 1/1/2024. Trước khi được bổ nhiệm, ông Hùng là Tổng Giám đốc của PVN (từ tháng 6/2019). Ông Lê Ngọc Sơn giữ chức vụ Tổng Giám đốc của PVN.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương:
Tái cơ cấu, cải cách doanh nghiệp nhà nước được đặt ra từ rất lâu trong quá trình đổi mới của Việt Nam. Có những cội nguồn rất căn cơ, đó là bản thân các doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả. Thực tế, quá trình tái cơ cấu, cải cách các doanh nghiệp nhà nước kéo dài, lúc lên lúc xuống, điều này cho thấy công cuộc tái cơ cấu, cải cách rất khó khăn. Đến nay, những quá trình này vẫn phải tiếp tục, mục tiêu làm thế nào nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh.
Trong số 19 Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, một số đơn vị nỗ lực để đạt được trọng trách của mình, nay đem lại những thành quả tích cực như câu chuyện của PVN trong một vài năm gần đây, hay như EVN, Petrolimex,... Những nỗ lực ấy xuất phát từ con người trong tổ chức, trong đó có vai trò của người đứng đầu.
Thế nhưng, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, đặc biệt là của những người đứng đầu tổ chức, việc cải cách tạo ra khung khổ pháp lý để doanh nghiệp nhà nước như PVN, EVN,... hoạt động được tự chủ hơn, linh hoạt hơn, thích nghi được hơn với thị trường và hiệu quả hơn cũng đang được thực hiện. Tuy nhiên, những cải cách này còn hơi chậm.
Cho nên, câu chuyện của EVN, PVN hay các doanh nghiệp nhà nước khác nhiều năm qua đó là có tiền nhưng không dám đầu tư và không thu hút được người tài. Cần phải nâng cao mức độ tự chủ của doanh nghiệp, hệ thống động lực cho doanh nghiệp.
Một ông Tổng Giám đốc ngân hàng lương 300 triệu, trong khi một lãnh đạo thượng tầng tại doanh nghiệp nhà nước quy mô hàng chục tỷ USD chỉ mấy chục triệu, như vậy làm sao thu hút, nuôi dưỡng được nhân tài và cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác trên thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.