Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Khám chữa bệnh từ xa là bước tiến lớn của ngành y tế"

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 25/09/2020 19:10 PM (GMT+7)
Chiều 25/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ khánh thành 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa trong toàn quốc. Thủ tướng nhận định, đây là sự kiện quan trọng, là bước tiến lớn của ngành y tế.
Bình luận 0

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vui mừng nhắc lại, hơn 4 tháng trước, ông và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành đã tham dự buổi khai trương thí điểm khám chữa bệnh từ xa với 6 điểm cầu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. 

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, chúng ta đã có tới 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Khám chữa bệnh từ xa là bước tiến lớn của ngành y tế"  - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

"Đây là sự kiện quan trọng, là bước tiến lớn của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân. Kết quả này cũng thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới", Thủ tướng cho biết. 

Thủ tướng biểu dương và chúc mừng Bộ Y tế đã nhanh chóng cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia trong ngành y bằng việc xây dựng và triển khai thành công Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Khám chữa bệnh từ xa là bước tiến lớn của ngành y tế"  - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe các ca hội chẩn trực tuyến từ các bệnh viện.

“Mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn tuyến, hướng tới sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế. 

Người dân cả nước tại bất cứ đâu đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Khám chữa bệnh từ xa là bước tiến lớn của ngành y tế"  - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã cùng ấn nút khánh thành 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh trên cả nước.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, trong quá trình xây dựng, Bộ Y tế đã lựa chọn thông điệp chủ đạo của Đề án là “Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Với thông điệp này, Đề án không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành y tế mà đề án có tính nhân văn sâu sắc. Đề án giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Khám chữa bệnh từ xa là bước tiến lớn của ngành y tế"  - Ảnh 4.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Viettel phát biểu, trao tặng 178 trung tâm hội chẩn cho các bệnh viện tuyến trên, tuyến dưới.

"Thông qua các hoạt động khám chữa bệnh từ xa được triển khai, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân trên cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên", Quyền Bộ trưởng cho biết. 

Trong thời gian ngắn tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam là nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao hơn nữa tay nghề để phục vụ nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Khám chữa bệnh từ xa là bước tiến lớn của ngành y tế"  - Ảnh 5.

Tại điểm cầu Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Quyền Bộ trưởng cũng cho biết, để lan tỏa và phát triển bền vững các hoạt động của chương trình khám chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này, đồng thời tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng các cơ chế tài chính, danh mục kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật… nhằm thực hiện thành công Đề án này.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong quá trình triển khai Đề án, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ và tích cực của Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel và các bệnh viện.

Tổng số có 26 bệnh viện tuyến trên, trong đó có 2 bệnh viện tuyến cuối của TP.Hà Nội và 6 bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM tham gia Đề án.

Tính đến ngày 24/9 đã đạt 1.000 bệnh viện tuyến dưới đăng ký tham gia Đề án. Toàn bộ 63 tỉnh, thành đều có bệnh viện đăng ký.

Có một số bệnh viện của nước bạn Lào (2 bệnh viện) và Campuchia (1 bệnh viện) đã đăng ký tham gia làm bệnh viện tuyến dưới. Nhiều bệnh viện/trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cũng đã đăng ký tham gia Đề án.

Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải chuyển tuyến trên; những điểm cầu vùng sâu, vùng xa như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé được kết nối với bệnh viện trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem