Tìm hướng gỡ khó trước dự báo thị trường lao động năm 2023 còn nhiều khó khăn

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 03/03/2023 09:38 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19, tác động của khủng hoảng kinh tế, cách mạng công nghệ 4.0... là những yếu tố khiến cho thị trường lao động năm 2023 tại Việt Nam sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn. Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn này?
Bình luận 0

Hoàn thành 2 chỉ tiêu quan trọng về việc làm

Ngày 2/3, tại TP. Vũng Tàu, Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ thuộc lĩnh vực việc làm năm 2023, với sự tham dự của 30 Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Cục Việc làm, tình hình thị trường lao động năm 2022 có nhiều biến động. Dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động cả nước. Có tình trạng DN thiếu đơn hàng phải cắt giảm giờ làm, cho người lao động (NLĐ) tạm ngừng việc hoặc thôi việc.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương các cấp đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đề ra trong năm 2022, lĩnh vực việc làm đã hoàn thành 2 chỉ tiêu quan trọng do Quốc hội giao. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị quý III/2022 thấp hơn 4% (đạt kế hoạch đề ra). Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 67% (đạt kế hoạch đề ra và tăng 1% so với năm 2021).

thị trường lao động việc làm

Cục Việc làm tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: NN

Bên cạnh đó, đến hết năm 2022, hơn 14,33 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chiếm trên 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi (đạt kế hoạch đề ra).

Về lĩnh vực thị trường lao động, thu nhập của người lao động được cải thiện, số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm.

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động còn 2,32%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi còn 2,21%. Nhờ làm tốt công tác tạo việc làm mà thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng lên. Thu nhập năm 2022 là 6,7 triệu đồng/tháng, tăng 927 nghìn đồng so với năm 2021, tăng 759 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận các nội dung về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; Kế hoạch thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg về Chương trình phát triển thị trường lao động đến năm 2030; theo dõi nắm bắt tình hình biến động của thị trường lao động; tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của các DN; các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ…

Thị trường lao động, việc làm "khó khăn xen lẫn cơ hội"

Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh: "Bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030".

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu rõ bối cảnh khó khăn mà ngành đang đối mặt như tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống; đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua…

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng: "Trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta có cả những cơ hội đan xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Khi nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách trong năm 2023, dự báo thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức".

thị trường lao động

Thị trường lao động xuất hiện khó khăn đan xen cơ hội. Ảnh: Buổi tư vấn tuyển dụng việc làm tại Phú Thọ - NN

Thứ trưởng nhấn mạnh 3 thách thức lớn (Dịch Covid -19; lạm phát giá nguyên vật liệu tăng; kinh tế suy thoái) do bối cảnh xung quanh gây ra mà ngành phải đối mặt, tính toán phương án thích hợp để giải quyết nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023.

Bởi vậy Thứ trưởng cho rằng cần có những giải pháp khắc phục và trả lời những vấn đề đang đặt ra trong lĩnh vực lao động, việc làm.

Theo Thứ trưởng, Việt Nam luôn kiên định thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội. Trong năm 2022, mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng cả giai đoạn 2021-2022 chỉ tăng trưởng bình quân xấp xỉ khoảng 5,2%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, 2023 được xác định là năm bản lề quyết định khả năng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025 hay không.

Năm 2023, Bộ LĐTBXH đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên khoảng 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 27,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị: dưới 4%; Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội: khoảng 39-40 %; Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp: khoảng 31,5-32%. 

Tại hội nghị, ban tổ chức đề nghị thảo luận triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023:

1. Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; kế hoạch thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg về Chương trình phát triển thị trường lao động đến năm 2030.

2. Theo dõi nắm bắt tình hình biến động của thị trường lao động; tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của các doanh nghiệp; các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động.

3. Góp ý các nội dung (cụ thể) cần sửa đổi, bổ sung về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp... trong Luật Việc làm (sửa đổi).

4. Triển khai thực hiện các nội dung về việc làm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

5. Triển khai các chính sách tạo việc làm, đặc biệt từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn vốn khác của Ngân hàng Chính sách xã hội.

6. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 09/9/2021 của Ban Bí thư về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam.

7. Chủ động, tích cực thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; tập trung triển khai các giải pháp thu hồi dứt điểm tiền bảo hiểm thất nghiệp hưởng sai quy định; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá dịch vụ sự nghiệp công về bảo hiểm thất nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem