Tìm kiếm giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường ao nuôi cá tra tại Đồng Tháp
Tìm kiếm giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường ao nuôi cá tra tại Đồng Tháp
Y.Phong
Thứ tư, ngày 01/09/2021 16:57 PM (GMT+7)
Để giúp người dân tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có được giải pháp công nghệ tiên tiến trong xử lý môi trường nuôi, Vụ Phát triển KH&CN địa phương đã huy động các nhà khoa học tìm kiếm giải pháp KH&CN, quy trình kỹ thuật nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm trong thâm canh cá tra.
Đồng Tháp là tỉnh có vùng chuyên canh cá tra xuất khẩu lớn nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng cá tra thương phẩm hàng năm khoảng 530.000 tấn. Tổng giá trị sản xuất thủy sản năm 2020 đạt 16.831 tỷ đồng, chiếm 28,43% tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, tăng 20,1% so năm 2017. Ngành hàng cá tra đã hình thành chuỗi sản xuất ổn định, phát triển nhiều sản phẩm giá trị gia tăng đóng góp 10.355 tỷ đồng, tương đương 54,9% tổng giá trị thủy sản.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đồng Tháp, tính tới cuối tháng 6/2021, diện tích nuôi cá tra của tỉnh là 1.517,27 ha (trong đó diện tích năm 2020 chuyển sang là 1.072,9 ha), diện tích thu hoạch là 434,91 ha, sản lượng thu hoạch 181.198 tấn.
Đến nay địa phương này đã hình thành các vùng sản xuất cá tra chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành và huyện Cao Lãnh. Các vùng sản xuất đã được cấp 368 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm với diện tích hơn 1.509 ha; sản xuất theo quy trình, quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC và tương đương với diện tích 827 ha chiếm trên 55% diện tích nuôi.
Tỉnh Đồng Tháp hiện đang thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành hàng cá tra, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định cho công nghiệp chế biến xuất khẩu. Sản phẩm được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm giảm giá thành, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao.
Hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra đã được cải thiện, quản lý chất lượng hàng xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt, thị trường tiếp tục được xuất khẩu sang 134 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cơ cấu sản phẩm đã thay đổi, tăng số lượng sản phẩm giá trị gia tăng như: sản xuất các sản phẩm chả giò, bọc bột, ốp rau củ, cá viên, cá cắt khúc...
Bên cạnh giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển còn lớn, thì nghề nuôi cá tra đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về môi trường như: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường đất, môi trường không khí do phát sinh mùi hôi, dịch bệnh lan rộng, quá tải về nước thải, bùn thải,…
Nguyên nhân chính là trong quá trình nuôi, người nông dân thả cá với mật độ quá dày (40-70 con/m2), thức ăn thừa,nước thải và phân cá từ ao nuôi chưa được xử lý (ước tính khoảng 90%) xả trực tiếp ra kênh, rạch, sông...
Đồng thời, trước mỗi vụ nuôi mới, người nông dân thường cải tạo ao nuôi bằng cách tháo cạn nước,vét bớt bùn lỏng, rải vôi bột cân bằng độ pH và phơi đáy ao tiệt trùng, quá trình này tiêu tốn khá nhiều thời gian, công lao động và hiệu quả chưa cao.
Đáng chú ý, một số vùng nuôi cá tra vị trí đặt sâu trong nội đồng, khả năng trao đổi nước không tốt gây tích tụ trong các tuyến đường thủy và tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước. Bên cạnh đó, một vấn đề lớn nữa là việc thu gom bùn thải đến nay vẫn được thực hiện thủ công vào cuối vụ thu hoạch, quá trình này làm tăng nhanh lượng ô nhiễm tại khu vực môi trường ao nuôi, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của cá; đồng thời lượng bùn thải nạo vét từ các ao hiện tại chưa có phương pháp xử lý tổng thể, tích tụ theo thời gian tiềm ẩn nguy cơ tạo ổ dịch bệnh và gây ô nhiễm nặng môi trường.
Để giúp người dân tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có được giải pháp công nghệ tiên tiến trong xử lý môi trường nuôi – một vấn đề có tính cấp bách trong nuôi cá tra thâm canh đang phát triển nhanh hiện nay, bảo đảm tính bền vững và tạo sản phẩm cá chất lượng và giá trị kinh tế ngày càng cao. Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Đồng Tháp, Vụ Phát triển KH&CN địa phương, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ Khoa học và Công nghệ đồng hành với địa phương, huy động các nhà khoa học để tìm kiếm giải pháp khoa học và công nghệ, quy trình kỹ thuật nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm trong thâm canh cá tra một cách tổng thể, bền vững.
Cụ thể hóa mục tiêu này bằng việc tổ chức nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp quốc gia "Nghiên cứu giải pháp tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường ao nuôi cá tra thâm canh tại tỉnh Đồng Tháp và Vùng phụ cận". Hy vọng rằng, kết quả của nhiệm vụ sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất bền vững và góp phần nâng cao giá trị gia tăng của nghề nuôi cá tra cho tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.