TP.HCM: Một dự án thăng trầm, “chôn vùi” hàng trăm tỷ đồng tiền nhà nước

Đông Anh - Nguyên Minh Chủ nhật, ngày 26/03/2023 18:30 PM (GMT+7)
Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn 1), được UBND TP.HCM cho phép thực hiện từ năm 2015. Nhưng sau 8 năm, dự án mới xây dựng được vài khối bê tông dang dở… Trong khi đó, hơn 560 tỷ đồng tiền ngân sách đã bị “chôn vùi” vào dự án...
Bình luận 0

560 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng

Không phải ngẫu nhiên, giữa tháng 3/2023 vừa qua, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan sớm hoàn thiện giải pháp chấm dứt thực hiện trước thời hạn Hợp đồng BOT đối với chủ đầu tư dự án nói trên. Đồng thời, gửi văn bản lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tìm phương án khai thông, tiếp tục đầu tư dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức hợp đồng BOT là dự án trọng điểm thuộc chương trình đột phá về giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; đáp ứng nhu cầu giao thông khu vực cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, phục vụ phát triến kinh tế xã hội của thành phố và khu vực.

TP.HCM: Một dự án thăng trầm, “chôn vùi” hàng trăm tỷ đồng tiền nhà nước - Ảnh 1.

Sau 8 năm thực hiện, dự án đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương mới làm được vài cây cầu bê tông còn dang dở... Ảnh: T.L

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, ngày 13/10/2015 UBND TP.HCM đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo hình thức hợp đồng BOT. Theo đó, dự án sẽ xây dựng 02 đường song hành 2 bên, đáp ứng 3 làn xe mỗi bên (rộng 14,5 m), chiều dài tuyến khoảng 2,7km (từ nút giao với Quốc lộ 1 đến nút giao với đường Tân Tạo - Chợ Đệm).

Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh và Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương là doanh nghiệp dự án. Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.557 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng). Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 14,8% và số còn lại là đi vay (85%). Chủ đầu tư được xây dựng 1 trạm thu phí trên đoạn tuyến nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM – Trung Lương, thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài 17 năm 8 tháng. TP.HCM sẽ chi ngân sách bồi thường, di dời, giải tỏa và giao đất sạch cho chủ đầu tư.

TP.HCM: Một dự án thăng trầm, “chôn vùi” hàng trăm tỷ đồng tiền nhà nước - Ảnh 2.

Cầu dẫn xây dang dở trơ gan cùng tuế nguyệt, với lõi sắt bê tông đang gỉ sét. Ảnh: T.L

Theo hợp đồng BOT, thời gian khởi công và hoàn thành giai đoạn 1 dự án là năm 2015-2017. Tuy nhiên tới hạn, dự án không những không hoàn thành đúng tiến độ mà tiền nhà đầu tư chi ra chỉ đạt khoảng 140 tỷ tương đương 12% phần khối lượng xây lắp.

Báo cáo mới đây nhất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM thể hiện, ngân sách TP.HCM đã chi ra hơn 560 tỷ đồng để bồi thường giải tỏa  250 trường hợp bao gồm 5 doanh nghiệp, 106 hộ dân có nhà đất, 139 hộ có đất nông nghiệp để bàn giao mặt bằng sạch hơn 85% cho nhà đầu tư. Nhưng, dự án đã dừng thi công hoàn toàn từ năm 2018 đến nay (tháng 3/2023).

Loay hoay tìm lối ra cho dự án

Từ ngày dự án bị đình trệ nghiêm trọng, chính quyền TP.HCM đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư (Công ty Yên Khánh) và doanh nghiệp dự án (Công ty BOT TP.HCM – Trung Lương) giải trình, chứng minh tiềm lực tài chính, phương án khắc phục các vi phạm hợp đồng…

Tuy nhiên, tới tháng 9/2020, hết thời hạn giải trình, chứng minh, phía chủ đầu tư lẫn doanh nghiệp dự án vẫn… lặng thinh.

Tới tháng 10/2020 thì Công ty Yên Khánh, Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương xác nhận chưa thể cung cấp các văn bản thỏa thuận, cam kết và pháp lý liên quan đến việc chứng minh nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay, đảm bảo thực hiện hợp đồng theo đúng quy định pháp luật.

TP.HCM: Một dự án thăng trầm, “chôn vùi” hàng trăm tỷ đồng tiền nhà nước - Ảnh 4.

Bảng thông tin dự án trải qua năm tháng, giữa bãi cỏ rậm rạp, hoang hóa, không có người trông nom. Ảnh: T.L

Trước thực tế này, cơ quan chức năng đã phải kiến nghị UBND TP.HCM  chỉ đạo Sở ngành liên quan làm thủ tục chấm dứt trước thời hạn Hợp đồng BOT đã ký với Công ty Yên Khánh và Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP.HCM- Trung Lương hoặc phương án xử lý khác phù hợp theo quy định.

Theo Sở giao thông vận tải TP.HCM, trong quá trình phối hợp rà soát, tổng hợp báo cáo để tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, bất ngờ nhận được đề xuất của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - chi nhánh TP.HCM (LienVietPostBank) báo cáo, cung cấp hồ sơ tài liệu chứng minh ngân hàng này là đại diện duy nhất có đủ thẩm quyền của bên cho vay, để thực hiện hợp đồng BOT đã ký kết.

LienVietPostBank còn cung cấp tài liệu chứng minh năng lực của nhà đầu tư do ngân hàng đề xuất. Nhà đầu tư này tiếp nhận toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của Công ty Yên Khánh để tiếp tục hoàn thành dự án… Tuy nhiên, LienVietPostBank lại chưa cung cấp văn bản thỏa thuận giữa ngân hàng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các bên liên quan về tiếp nhận dự án.

Chưa hết, tới tháng 4/2021, Công ty Yên Khánh bỗng có văn bản số 31/2021/CV-YK đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án, bởi đã thu xếp được nguồn vốn. Nhưng Công ty Yên Khánh chỉ nêu các đối tác góp bổ sung phần vốn chủ sở hữu còn thiếu, không cung cấp hồ sơ năng lực của các đối tác…

Sau đó, LienVietPostBank lại thông tin, "không tiếp tục tài trợ vốn vay" theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, do doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư "vi phạm hợp đồng tín dụng, công tác thi công đình trệ, kéo dài nên đã ảnh hưởng đến phương án tài chính, nguồn thu để trả nợ cho ngân hàng".

TP.HCM: Một dự án thăng trầm, “chôn vùi” hàng trăm tỷ đồng tiền nhà nước - Ảnh 6.

Một hạng mục khác chỉ mới đúc xong trụ cầu. Ảnh: T.L

LienVietPostBank cũng không tiếp tục đề xuất chỉ định nhà đầu tư mới như trước đó và không thực hiện quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay theo hợp đồng BOT đã ký kết.

Còn Công ty Yên Khánh cũng có văn bản báo cáo rằng, "không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan chức năng TP.HCM".

Chẳng đặng đừng, tháng 6/2021, UBND TP.HCM buộc phải ra thông báo chấm dứt thực hiện trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký. Và, từ tháng 6/2022, UBND TP.HCM thông báo ngừng thực hiện dự án.

Kể từ đó đến nay, hơn 560 tỷ đồng tiền ngân sách bồi thường, di dời hàng chục doanh nghiệp và các hộ dân tại dự án cũng… sa lầy, bị "chôn vùi" theo thời gian, cùng sự bất động vô thời hạn của dự án.

TP.HCM: Một dự án thăng trầm, “chôn vùi” hàng trăm tỷ đồng tiền nhà nước - Ảnh 7.

Hình ảnh một phần đường nối Võ Văn Kiệt lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương chưa làm xong. Ảnh: T.L

Vấn đề đặt ra với chính quyền và cơ quan chức năng TP.HCM liên quan đến dự án này: Ai phải chịu trách nhiệm trước những lãng phí, các phát sinh trong tương lai, khi dự án đã bị đình trệ hơn 8 năm? (bởi, nếu tiếp tục triển khai với nhà đầu tư mới, chắc chắc dự án sẽ đội vốn lớn).

Trước đây, Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh (quận 1, TP.HCM) do Đinh Ngọc Hệ (còn gọi "Út trọc") làm chủ. Sau đó, công ty được giao cho bà Vũ Thị Hoan (em ruột Đinh Ngọc Huệ) làm chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật. Năm 2014, Công ty này trúng đấu thầu thu phí tuyến cáo tốc TP.HCM - Trung Lương.

Tháng 8/2020 Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra vụ tiêu cực xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Theo đó cơ quan công an cáo buộc, từ chỉ đạo của cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, công ty của Đinh Ngọc Hệ đã trúng thầu quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương và chiếm đoạt tiền thu phí hơn 720 tỷ đồng. Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh không có vốn, không có cơ cấu tổ chức, nhân lực...; lập ra chỉ để ký hợp đồng liên doanh phục vụ cho mục đích cá nhân, kiếm lời. Hiện Đinh Ngọc Hệ, Vũ Thị Hoan và các cá nhân liên quan đang thụ án tù do các sai phạm liên quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem