TP.HCM phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 14/10/2022 07:08 AM (GMT+7)
Sở NNPTNT TP.HCM vừa ban hành kế hoạch chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu xuất khẩu cá cảnh đạt 100 triệu USD vào năm 2030. Kế hoạch này giúp nâng cao thu nhập cho người dân góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bình luận 0
TP.HCM: Xuất khẩu cá cảnh đạt 100 triệu USD vào năm 2030 - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ xuất khẩu cá cảnh đạt 100 triệu UDS vào năm 2030. Ảnh: Trần Đáng

Theo đó, để đạt được mục tiêu xuất khẩu cá cảnh này, ngành nuôi cá cảnh ở TP.HCM  phải sản xuất được 300 triệu con cá cảnh vào năm 2030.

Tín hiệu vui xuất khẩu cá cảnh

Trong đó, tập trung nuôi cá cảnh ở địa bàn các huyện Củ Chi, Bình Chánh với các hình thức nuôi trong hồ, bể chiếm 30 – 40% với các loại cá, như: Cá dĩa, cá ông tiên, cá neon… Còn lại diện tích nuôi trong ao chiếm 60 – 70%, gồm: Cá chép, cá bảy màu, cá hòa lan, cá hồng kim.

Cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu cá cảnh, TP.HCM sẽ cũng cố tăng cường hoạt động các tổ chức nghề nghiệp, như Hội, chi hội cá cảnh. Tập hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nghệ nhân thành các THT, HTX, làng nghề trên các địa bàn trọng điểm để tổ chức sản xuất và tiêu thụ cá cảnh.

Đồng thời, TP.HCM tiếp tục nghiên cứu, phát triển các loài giống cá cảnh mới, thuần dưỡng các loài cá tự nhiên và khả năng làm cảnh, thức ăn cá cảnh nhằm đa dạng hóa sản phẩm…

TP.HCM: Xuất khẩu cá cảnh đạt 100 triệu USD vào năm 2030 - Ảnh 3.

Chuẩn bị xuất khẩu cá cảnh tại Công ty Cổ phần sinh vật cảnh Thiên Đức (Củ Chi, TP..HCM). Ảnh: Trần Đáng

TP.HCM cũng sẽ mở rộng xúc tiến thương mại hơn nữa nhằm quảng bá sản phẩm cá cảnh chất lượng cao của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Cá cảnh là sản phẩm tiềm năng của nông nghiệp TP.HCM. Việc thúc đẩy nghề cá cảnh là chủ trương của TP.HCM, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2022, TP đã xuất khẩu cá cảnh được 6,37 triệu con. Kim ngạch xuất khẩu là 6,96 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu chiếm 55,79%, châu Á 27,42%, châu Mỹ 14,31%.

Nông dân phục hồi nuôi, xuất khẩu cá cảnh

Sau thời gian đình trệ xuất khẩu cá cảnh vì dịch Covid-19, anh Lê Hữu Thiện, Giám đốc Công ty Cổ phần sinh vật cảnh Thiên Đức (xã Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM) cho biết, tình hình xuất khẩu cá cảnh đang phục hồi trở lại. Trước dịch Covid-19, mỗi năm công ty này xuất khẩu cá cảnh gần 2 triệu con với hơn 50 loại cá cảnh.

Trại nuôi cá cảnh cảnh của anh Thiện nổi tiếng với 3 loại cá cảnh là: Cá dĩa, cá neon vua và sóc đầu đỏ. Trong khi cá dĩa và neon vua đã được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP.HCM, thì cá cảnh sóc đầu đỏ đang đi tìm danh hiệu này.

TP.HCM: Xuất khẩu cá cảnh đạt 100 triệu USD vào năm 2030 - Ảnh 4.

Nông dân TP.HCM nuôi và xuất khẩu cá cảnh. Ảnh: Trần Đáng

Hiện nay, số lượng cá nhân xuất khẩu cá cảnh qua cửa khẩu TP là 21 đơn vị. Trong đó, Công ty cổ phần Sài Gòn cá kiểng và Hợp tác xã sinh vật cảnh Sài Gòn là đơn vị xuất khẩu chiếm tỷ lệ trên 80% sản lượng cá cảnh xuất khẩu. 

Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết: “Tốc độ đô thị hóa ở TP.HCM đang diễn ra nhanh chóng. Trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp TP đã chuyển mạnh sang nông nghiệp đô thị với những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao chính như rau, hoa, bò sữa, tôm nước lợ. Cá cảnh được xác định là một sản phẩm tiềm năng, phù hợp với nông nghiệp đô thị của TP.HCM, vì nông dân có thể tận dụng những diện tích nhỏ để làm hồ, ao nuôi cá cảnh cho hiệu quả kinh tế cao”.

Việc Sở NNPTNN TP ban hành kế hoạch chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 giúp cho nông dân nuôi trồng thủy sản có điều kiện mở rộng sản xuất, tăng thu nhập nhằm nâng chất tiêu chí thu nhập Chương trình nông thôn mới trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem