Trị được con nước độc, anh nông dân Sài Gòn nuôi cá cảnh thu tiền tỷ/năm

Trần Đáng Thứ hai, ngày 14/02/2022 13:01 PM (GMT+7)
Với trại nuôi cá cảnh rộng khoảng 9ha, mỗi năm anh Nguyễn Tấn Phong (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) có thu nhập tiền tỷ.
Bình luận 0

Hiện, trang trại của anh Nguyễn Tấn Phong (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) chuyên nuôi cá cảnh và cung cấp cá cảnh giống, như cá Koi, chép Nhật, nam dương...

TP.HCM: Trị được con nước độc, anh nông dân nuôi cá cảnh thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Trại nuôi cá cảnh rộng mênh mông của anh Nguyễn Tấn Phong (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: Trần Đáng.

Trị được con nước độc, nuôi cá cảnh làm giàu

Tại vùng đất  2 xã Bình Lợi và Tân Nhựt, nhiều năm qua người nuôi cá thịt còn lên bờ xuống ruộng chứ nói chi nuôi cá cảnh.

Các con kênh cung cấp nước ở vùng đất Bình Lợi, Tân Nhựt thường xuyên bị nước xả thải từ các khu công nghiệp đổ về.

Nhiều hôm dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối chảy thẳng vào ao nuôi cá, khiến cá chết trắng cả ao.

Theo bà con nuôi thủy sản ở đây, mỗi tháng chỉ có được 2 lần nước tốt, còn lại là nước phèn, và nước ô nhiễm bởi các khu công nghiệp xả ra.

Theo anh Phong, trước khi nuôi cá cảnh anh trồng lúa. Tuy nhiên, cây lúa nơi đây thường xuyên bị dịch rầy nâu gây hại, năng suất thấp lè tè.

Cộng với triều cường luôn đe dọa bởi hệ thống đê bao thủy lợi chưa có, nên nông dân Bình Lợi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ đã bán đất bỏ nghề hoặc chuyển đi nơi khác để sinh sống.

Bản thân ông Phong cũng đã chuyển một phần diện tích trồng lúa sang nuôi cá thịt nhưng lợi nhuận sau trừ chi phí cũng chẳng bõ bèn.

Clip: Anh Nguyễn Tấn Phong, (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ việc nuôi cá cảnh. Clip: Trần Đáng

Vào năm 2001 có hộ dân ở nơi khác đến thuê đất nuôi cá bảy màu và cá chép Nhật.

Thấy hộ này nuôi cá cảnh có hiệu quả kinh tế cao, năm 2002, anh Phong chuyển sang nuôi cá cảnh. 

"Những năm đầu mới nuôi cá cảnh tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn nước bị ô nhiễm" - anh Phong chia sẻ.

Quyết tâm làm giàu với con cá cảnh, anh Phong đi thăm quan, học tập mô hình, kinh nghiệp từ những nông dân khác.

Nhằm tạo môi trường nuôi cá cảnh, anh Phong tìm mua vôi bột, hóa chất xử lý nước phèn, nước đục.

Để có nguồn nước tốt, bí quyết của anh Phong là đào ao chứa nước dự phòng.

Bên cạnh đó, anh Phong xử lý thật kỹ nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi cá cảnh.

Đồng thời, anh Phong cho lót bạt ao, lắp máy sục khí tạo oxy, lắp mái che ao nuôi cá…

Anh Phong lưu ý, ngoài nguồn nước tốt, người nuôi cá cảnh cần có biện pháp ngăn các loại cá tạp xâm nhập ao, tranh ăn với cá cảnh.

TP.HCM: Trị được con nước độc, anh nông dân nuôi cá cảnh thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

Theo anh Phong, tại xã Bình Lợi, muốn nuôi cá cảnh thành công phải trị được con nước độc. Ảnh: Trần Đáng.

Chế độ ăn uống cho cá cảnh phải điều độ, đúng giờ. Việc theo dõi thời tiết cũng rất quan trọng.

"Khi triển khai đồng bộ các điều kiện nuôi, hiệu quả từ nuôi cá cảnh tăng lên gấp đôi so với trước" - anh Phong thổ lộ.

Hiện, mỗi năm anh Phong nuôi 2 vụ nuôi cá cảnh. Mỗi vụ cá cảnh khoảng 4 tháng.

Mới đây, anh Phong đã đăng ký cho cá cảnh mình nuôi là sản phẩm tiêu biểu của TP năm 2021.

Rủ nhau nuôi cá cảnh làm giàu

Theo anh Phong, mấy tháng bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, trại cá của anh không xuất bán cá được. Hiện, anh đang khởi động xuất bán lại cá cảnh cho các mối lái.

Thị trường cá cảnh của anh Phong chủ yếu ở TP và một số tỉnh, thành lân cận.

Hiện, giá cá chép Nhật 100.000 - 120 ngàn đồng/kg. Giá cá nam dương 250.000 đồng/kg. Giá cá koi 200.000 – 500.000 đồng/kg.

TP.HCM: Trị được con nước độc, anh nông dân nuôi cá cảnh thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 5.

Mỗi ngày, THT nuôi cá cảnh Bình Lợi bán ra khoảng 300kg cá cảnh. Ảnh: Trần Đáng.

"Mỗi năm, 1ha nuôi cá cảnh thu về 500 – 600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, 1ha lời hơn 100 triệu đồng" - anh Phong bộc bạch.

Anh Phong cho biết, có 5 – 6 lao động thường xuyên làm việc tại trại cá cảnh. Trung bình, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.

Hiện, tại xã Bình Lợi đã xuất hiện tổ hợp tác nuôi cá cảnh, do anh Phong làm tổ trưởng.

Tổ hợp tác cá cảnh có 18 thành viên, với diện tích hơn 15ha ao nuôi cá cảnh. Mỗi ngày, THT xuất bán khoảng 300kg cá cảnh các loại.

Với vai trò mới là tổ trưởng THT nuôi cá cảnh Bình Lợi, anh Phong tổ chức sản xuất, sử dụng, nguồn lực từ trại cá cảnh Tấn Phong để hỗ trợ bà con phát triển mạnh nghề cá cảnh.

Theo đó, anh Phong hỗ trợ kỹ thuật, con giống cho thành viên của tổ và sau 3 – 4 tháng nuôi, thu mua lại theo giá thị trường.

Từ khi có đầu ra ổn định, các thành viên hăng hái sản xuất, mở rộng quy mô, giúp nguồn lợi cá cảnh tăng lên đáng kể, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên 30 – 40 triệu đồng/tháng. Đồng thời, góp phần hình thành làng nghề cá cảnh xã Bình Lợi.

TP.HCM: Trị được con nước độc, anh nông dân nuôi cá cảnh thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 6.

Nuôi cá cảnh đang là nghề ăn nên làm ra của nông dân Bình Lợi. Ảnh: Trần Đáng.

Theo bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, (huyện Bình Chánh, TP HCM) thời gian qua không những anh Phong mà cả THT đều ăn nên, làm ra từ nghề sản xuất và kinh doanh cá cảnh.

Những năm qua, ngành nông nghiệp TP.HCM ra sức quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho cá cảnh anh Phong.

Thông qua những hội chợ thương mại, triển lãm… cá cảnh của anh Phong rộng cửa tham gia thị trường cá cảnh gần xa. 

Ngoài việc hỗ trợ các thành viên THT nuôi cá cảnh làm giàu, anh Phong còn hỗ trợ cho các hộ nghèo về vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang nuôi cá cảnh.

Ông Nguyễn Văn Ba - một hộ nuôi cá koi tại ấp 1 (xã Bình Lợi) cho biết, gia đình ông có 2ha, trước đây nuôi cá thịt nhưng không hiệu quả.

Năm 2015, khi thấy anh Phong nuôi cá koi đạt kinh tế cao, ông đã mạnh dạn học cách làm theo.

TP.HCM: Trị được con nước độc, anh nông dân nuôi cá cảnh thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 7.

Nhiều hộ nuôi cá cảnh ở xã Bình Lợi đã khá lên nhờ anh Phong hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu. Ảnh: Trần Đáng.

Được anh Phong cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, từ đó đến nay gia đình ông luôn ổn định về kinh tế.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện TP có khoảng 300 hộ làm nghề nuôi cá cảnh. Tập trung nhiều ở các quận 8, 12, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ Chi và rải rác ở quận 9, Thủ Đức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem