Trong đấu thầu có quân xanh quân đỏ, tiêu cực rất nhiều
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Luật Đấu thầu có lỗ hổng không, hổng ở đâu, vá chỗ nào?
Thành An
Thứ ba, ngày 20/09/2022 19:25 PM (GMT+7)
Quan tâm đến tình trạng quân xanh quân đỏ trong đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, có lỗ hổng, thiếu công khai minh bạch mới sinh ra tình trạng này. "Vậy Luật Đấu thầu có lỗ hổng không, hổng ở đâu, vá chỗ nào?", ông đặt câu hỏi và lưu ý tiêu cực ở đây rất nhiều.
Chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi. Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến công tác đấu thầu tập trung thuốc và trang thiết bị y tế.
Có tình trạng "quân xanh, quân đỏ" trong đấu thầu
Có ý kiến về dự thảo, đề cập đến việc chống tiêu cực, tham nhũng, gian lận trong đấu thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, lĩnh vực đấu thầu là lĩnh vực khi nói đến thì nhiều người nghĩ ngay đến "quân xanh, quân đỏ", gian lận tiêu cực.
"Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng xác định lĩnh vực đấu thầu là lĩnh vực có nhiều nguy cơ về tham nhũng", bà Nga nói và đề nghị cần xác định rõ tình trạng tiêu cực, tham nhũng thời gian qua trong đấu thầu có nguyên nhân do luật không? Nếu do luật thì ở điểm, điều khoản nào và sửa ra sao. Nếu khẳng định không phải do luật, do tổ chức thực hiện thì cũng cần xác định rõ.
Cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng băn khoăn: "Tình trạng đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế tập trung trong thời gian vừa qua có vấn đề gì mà thực hiện khó như thế, dẫn đến Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn không thực hiện được".
Cũng quan tâm đến tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông thầu, tham nhũng tiêu cực trong đấu thầu như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, có lỗ hổng, thiếu công khai minh bạch mới sinh ra tình trạng này. "Vậy Luật Đấu thầu có lỗ hổng không, hổng ở đâu, vá chỗ nào?", Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi và lưu ý, tiêu cực ở đây rất nhiều.
Đặt vấn đề để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, thì việc quy định trách nhiệm của các cơ quan trong luật đã rõ chưa, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn: "Sửa như thế này tôi thấy theo hướng kém minh bạch hơn vì có rất nhiều điều giao Thủ tướng, Chính phủ quy định trong khi chúng ta đang muốn luật hóa tất cả, đảm bảo minh bạch, công khai để các cơ quan cứ thế làm".
Theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, quy định như dự thảo không những tốn thời gian để hướng dẫn, kéo dài thời gian thực thi luật mà còn kém minh bạch, đi ngược xu hướng. "Cứ minh bạch ra để cho cán bộ, công chức thấy rõ trách nhiệm tham mưu ở đâu, còn người quyết định cũng chịu trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhấn mạnh tinh thần "tiền nào của nấy" thì chất lượng khám chữa bệnh nâng lên, Chủ tịch Quốc hội cho bày tỏ, một mặt chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế nhưng mặt khác cần có quy định nghiêm ngặt thắt chặt hơn với lĩnh vực này.
"Đấu thầu là văn minh, chỉ định thầu chỉ những trường hợp cấp bách. Đừng để luật này sơ xuất, sau này mang tiếng. Chúng ta không sợ rủi ro, cái nào nên làm thì làm nhưng cái gì cần công khai, minh bạch thì luật hóa", Chủ tịch Quốc hội nói, sau đó yêu cầu rà kỹ lại các điểm then chốt để giải quyết các tồn đọng vướng mắc hiện nay, không để vướng mắc, tồn tại mới xuất hiện.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận có tình trạng "quân xanh, quân đỏ trong đấu thầu. Ngoài ra, đấu thầu hiện nay tập trung vào giá thầu thấp hơn là năng lực, chất lượng nhà thầu nên gói thầu mua sắm rẻ, còn gói thầu duy tu, bảo dưỡng lại đắt, nên tính tổng chung lại là đắt. Vì vậy, cần phải có quy định bổ sung để khắc phục tình trạng này.
Về vướng mắc trong đấu thầu của ngành y, ông Dũng cho rằng, chủ yếu vướng do Nghị định 98 của Chính phủ, Thông tư 14 về mua sắm trang thiết bị vật tư y tế và Thông tư 15 của Bộ Y tế về mua sắm thuốc. Còn tất cả các quy định của Luật Đấu thầu hiện nay không vướng gì.
"Toàn bộ trang thiết bị, vật phẩm y tế, thuốc, vaccine,… chúng ta mua trong quá trình chống dịch vừa qua là không vướng gì", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng nêu thực tế, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải thẩm định từng gói thầu và xây dựng Nghị quyết riêng của Chính phủ thì Bộ Y tế mới thực hiện được việc mua sắm đấu thầu. "Chúng tôi rất vất vả và gặp khó vì không thực hiện thì không làm được, mà làm thì lại vướng", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Sẵn sàng chuyển giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam đấu thầu thuốc
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và trách nhiệm Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, nguyên nhân có nhiều trong đó có cả chủ quan, khách quan.
Theo ông Thuấn, trong các nguyên nhân có tình trạng sau dịch Covid-19 nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng vọt, so với cùng kỳ tăng 40-60% nhưng dự tính, dự trù không sát thực tế. Ngoài ra, trong thời gian dịch vừa qua có tình trạng trên thế giới đứt gãy chuỗi cung ứng.
"Ngoài ra cũng có tâm lý e dè, đặc biệt là của người đứng đầu. Khách quan do một số đơn vị của Bộ Y tế vừa qua "quá tập trung" vào phòng chống dịch, ít người việc nhiều", ông Thuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, một số quy định, đặc biệt trong Luật Đấu thầu, bên cạnh thực hiện quy trình đúng theo thầu thông thường còn thêm quy trình trong trường hợp đặc biệt.
Vừa qua Bộ đấu thầu mua sắm tập trung đã giải quyết 86/106 loại thuốc; 19/65 biệt dược. Số còn lại dự kiến trong tháng này, tháng tới hoàn thiện.
Bộ Y tế dự kiến chỉnh sửa thông tư 15 phân cấp phân quyền nhiều hơn cho dưới, danh mục thu gọn lại thay vì 106 thuốc thì tới đây khoảng chục loại.
Về ý kiến của Chủ tịch Quốc hội nên chăng để Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia đấu thầu tập trung thuốc, ông Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: "Nếu làm thế thì quá tốt, giảm gánh nặng cho Bộ Y tế, Bộ rất vui mừng và sẵn sàng chuyển giao".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.